Cây Chút chít trong dân gian còn được gọi với những cái tên khác là Lưỡi bò, Ngưu thiệt, Dương đề. Tên khoa học là Rumex wallichi Meisn, thuộc họ Rau răm (tên danh pháp khoa học là Polygonaceae).
Chút chít là một loại cỏ nhỏ, cao chừng 0,40- 1,20m thân cứng, ít phân nhánh, Trên thân có rãnh dọc. Lá cây mọc so le, phiến lá rộng tới 5cm, dài 15- 20cm mép lá nguyên, lượn sóng. Cây có hoa mọc sít nhau.
Cây mọc hoang khắp nơi ở những nơi ẩm thấp từ miền xuôi đến miền ngược đều thấy mọc. Những nơi cao và mát như Sa Pa (Lào Cai) cũng thấy có. Hiện nay ít khai thác quy mô lớn.
Rễ có thể đào quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu đông, trong các tháng 8, 9, 10. Đào về, rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con, phơi khô chóng hơn.
Bộ phận dùng làm thuốc của Cây Chút chít là phần rễ củ đã thái thành phiến, phơi hoặc sấy khô, độ ẩm không quá 13%, vụn nát không quá 5%, tạp chất không quá 1%.
Cây chút chít có chứa 3 thành phần hóa học chính là Antraglycosid (Tỷ lệ antraglucôzit toàn phần trung bình là 3-3,4% trong đó chừng 0,47% ở dạng tự do và 2,54% ở dạng kết hợp), chất nhựa, tanin.
Theo Đông y, cây chút chít có vị chua đắng, tính lạnh tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, nhuận tràng, sát trùng, chữa táo bón, mụn nhọt, hắc lào, ứ huyết sưng đau… . Trong dân gian, trước đây người ta thường dùng lá xát vào những chỗ da bị hắc lào hoặc dùng nước sắc lá và rễ để chữa hay rửa các mụn ghẻ.
Các bài thuốc dùng cây Chút chít
Viêm gan cấp tính, sưng gan:
Cốt khí củ, Lá móng, Chút chít, mỗi vị 15-20g, rửa sạch rồi cho vào sắc lấy nước uống.
Chữa viêm loét dạ dày tá tràng, đau vùng thượng vị, bụng đầy chướng, ợ hơi, ợ chua:
Lá khôi, Chút chít mỗi vị cân lấy 10g + Bồ công anh, Nhân trần, Lá khổ sâm mỗi vị 12g. Tán bột mỗi ngày uống 30g với nước sôi để nguội.
Chữa ngoài da, lở ngứa:
Vỏ vông nem, vỏ cây dâm bụt, xa sàng tử, rễ cây chút chít lượng thích hợp, tán nhỏ, pha thành rượu liều lượng 1/5, bôi ngoài da.
Chữa hắc lào:
Rễ chút chít 90g rửa sạch, phơi khô rồi cho vào ngâm với 600ml rượu sao cho chìm dược liệu, trong thời gian ngâm mỗi ngày lắc bình 1 lần, ngâm khoảng 10 ngày thì có thể bỏ ra dùng. Khi dùng thì lọc lấy nước bôi vào vùng da bị hắc lào đã rửa sạch thấm khô, mỗi ngày 1 lần. Duy trì dùng liên tục trong 5 ngày.
Chữa mụn nhọt sưng đau (chưa vỡ mủ):
Rễ chút chít 15g tươi, đem đi rửa sạch rồi thái mỏng thành lát, cho thêm ít dấm đắp vào mụn khoảng 1- 2 giờ, tháo bỏ thuốc, mỗi ngày dùng 2 lần, duy trì đắp liên tiếp trong vòng 3 ngày.
Chữa mẩn ngứa do nóng:
Lá chút chít tươi 15g rửa sạch giã nát, chà xát nhẹ vào nơi bị ngứa, sau khi đã rửa sạch, lau khô ngày 2 lần.
Chữa táo bón:
Rễ chút chít, cam thảo mỗi vị cân lấy 4g. Cho tất cả vào rửa sạch, đổ vào 3 bát con nước, bắc bếp sắc đến khi còn lại khoảng 1 bát, chia làm 2 lần uống trong ngày, uống nhân lúc còn nóng. Duy trì uống trong 3 ngày.
Chữa trị ngứa ngáy có trùng:
Rễ chút chút hái về rửa sạch, giã nát trộn cùng với mỡ lợn, thêm vào đó chút muối, bôi vào chỗ ngứa, mỗi ngày bôi tầm 2 – 3 lần.
Chữa đại tiện ra máu:
Rễ chút chít cạo bỏ phần vỏ bên ngoài, rửa sạch, gừng giã nhỏ, mỗi thứ khoảng nửa bát rồi trộn lại vwois nhau đem sao đỏ, tẩm giấm đem sắc lấy nước uống trong ngày.
Trị mụn trứng cá và ghẻ:
Rễ cây chút chít rửa sạch phơi khô, cho vào 1 túi vải thắt nút, cho vào bình thủy tinh đổ ngập rượu đậy kín nắp ngâm khoảng 10 ngày. Khi dùng thì dùng bông gòn thấm nước chấm lên nốt mụn hay vết ghẻ. Mỗi ngày dùng 1 lần, duy trì sử dụng cho đến khi vết thương lành hẳn.
Những trường hợp cần cẩn trọng khi dùng cây chút chít
Những người hư hàn, tiêu chảy không dùng.
Thảo dược này có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hoặc bác sĩ trước khi sử dụng cây sen.
Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, tuyệt đối không bốc thuốc theo thang hướng dẫn. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ thầy thuốc hoặc bác sĩ để biết thêm thông tin.