Sầu riêng Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với Thái Lan tại thị trường xuất khẩu Trung Quốc. |
Lượng sầu riêng xuất khẩu rất ít, nhiều doanh nghiệp đã hết quota
Từ đầu tháng 5 tới nay, ngày nào HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang) cũng thu mua khoảng 36-55 tấn sầu riêng để đóng đủ 2-3 container hàng cho các doanh nghiệp. Song, khoảng một tuần nay, giá sầu rớt mạnh xuống còn 50.000-52.000 đồng/kg khi mua tại vườn. Còn cân mua tại vựa sầu có giá 60.000-65.000 đồng/kg.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX nhớ lại thời điểm đầu năm nay, giá sầu riêng nghịch vụ vọt lên gần 200.000 đồng/kg - mức cao kỷ lục lịch sử giúp các nhà vườn dịp đó trúng đậm. Nay vào vụ thu hoạch rộ ở miền Tây, đặc biệt là ở Tiền Giang, nên giá loại trái cây đặc sản này lao dốc.
Với mức giá hiện nay, nhà vườn trồng sầu riêng vẫn có lãi khoảng 70-80 triệu đồng/công (1.000m2). Ông Lộc cho rằng, giá sầu riêng sẽ ổn định ở mức 50.000-55.000 đồng/kg, rất khó giảm thêm bởi mặt hàng này đã được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Theo ông Lý Văn Tịnh - Giám đốc HTX Trường Trung A (TP. Cần Thơ), do sầu đang rộ vụ thu hoạch nên giá giảm mạnh so với hồi đầu năm. Vụ này, HTX Trường Trung A có khoảng 400 tấn sầu riêng, giá bán tại vườn cho thương lái dao động từ 49.000-55.000 đồng/kg tùy loại. Ông khẳng định, mức giá này nông dân trồng sầu vẫn có lời.
Giá sầu riêng giảm mạnh đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của nhà vườn. |
Tại Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang… giá sầu Ri6 mua xô tại vườn dao động trên dưới 50.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000-25.000 đồng/kg so với đầu tháng 4 và giảm 120.000-140.000 đồng/kg so với mức giá đỉnh điểm hồi giữa tháng 1 và đầu tháng 2 năm nay.
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, chỉ rõ, thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay, sầu riêng sốt giá là do nghịch vụ, nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc rất cao bởi dịp lễ Tết.
Đến nay, sầu riêng ở miền Tây rộ vụ, nguồn cung dồi dào. Thái Lan cũng bước vào chính vụ thu hoạch sầu của năm. Song, thị trường chính của sầu Việt Nam và Thái Lan vẫn là Trung Quốc. Thế nên, theo quy luật cung cầu, cung nhiều giá sẽ giảm.
Chưa kể, ở nước ta hiện nay chỉ có khoảng 246 mã số vùng trồng (khoảng 12.000ha) và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Con số này khá khiêm tốn so với diện tích sầu của cả nước là 100.000ha.
"Một số doanh nghiệp đã xuất khẩu hết quota (hạn ngạch), giờ muốn xuất khẩu nữa cũng không được", ông Nguyên nói.
Sản lượng sầu riêng tăng vọt áp lực tiêu thụ rất lớn
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết, sản lượng sầu riêng ở nước ta năm nay ước đạt 1 triệu tấn, tăng gần 16% so với năm 2022. Trong đó, quý I/2023, sản lượng sầu ở các tỉnh miền Nam khoảng 90.000 tấn, sang quý II do vào chính vụ nên đạt 300.000 tấn.
Quý II và quý III/2023 là cao điểm thu hoạch sầu ở nước ta, với sản lượng khoảng 650.000 tấn, nên áp lực tiêu thụ rất lớn, ông cho hay.
Phía Trung Quốc vẫn tiếp tục xem xét để phê duyệt thêm mã số vùng trồng sầu riêng. Song, doanh nghiệp xuất khẩu cần liên kết với người dân, đơn vị trồng sầu để quản lý chất lượng, sản lượng và an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn phía đối tác đề ra, ông nhấn mạnh.
Sầu riêng Thái Lan tạo áp lực cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam ngay tại sân nhà. |
Bài học chạy theo số lượng đã đẩy sầu riêng nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung vào thế khó. Đều là nhà cung cấp trái cây lớn tại thị trường Trung Quốc, Thái Lan bán ít nhưng tiền thu được nhiều, trong khi Việt Nam bán nhiều nhưng thu về lại ít. Giá trái cây Việt cũng thua xa giá trái cây Thái Lan.
Những năm trước đây, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, Việt Nam đã trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai sau Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi sang Trung Quốc.
Về thị trường, Việt Nam và Thái Lan là hai nhà cung cấp chính 9 loại quả này cho Trung Quốc. Tỷ trọng trái cây Thái Lan và Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu trái cây của Trung Quốc đều tăng.
Theo đó, trong quý I/2023, Trung Quốc nhập 376,3 nghìn tấn các loại trái cây này của Việt Nam, trị giá 342,3 triệu USD, giảm 15,4% về lượng nhưng tăng 2,1% về trị giá. Cùng với đó, Trung Quốc cũng nhập 204,6 nghìn tấn của Thái Lan, trị giá 583 triệu USD, giảm 3% về lượng nhưng tăng 20,2% về trị giá.
Đáng chú ý, giá trung bình 9 loại trái cây Trung Quốc nhập từ Việt Nam chỉ 909,6 USD/tấn, còn nhập từ Thái Lan lên tới hơn 2.850 USD/tấn.
Những con số trên cho thấy, lượng trái cây của Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhiều gấp 1,8 lần lượng trái cây của Thái Lan, song số tiền thu về lại thua xa.
Tại một diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, ông Bob Wang - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh (Quảng Tây) - từng chỉ rõ, về sản lượng trái cây 5,43 triệu tấn hàng năm, Thái Lan chắc chắn ở thế yếu so với sản lượng 12-13 triệu tấn của Việt Nam.
Nhưng về mặt giá trị xuất khẩu, năm 2022, người Thái dự kiến thu về 8,53 tỷ USD, trong khi Việt Nam ước đạt 3,2 tỷ USD.
Theo ông Bob Wang, nhiều doanh nghiệp sản xuất trái cây Việt Nam thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường, bán hàng một cách thụ động. Khi các chợ đầu mối của Trung Quốc mở cửa vào buổi sáng, thương nhân Thái Lan có thể nắm bắt giá cả nhanh chóng và bán sản phẩm hiệu quả, trong khi thương nhân Việt Nam chậm hơn.
Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng để khẳng định thương hiệu sầu riêng. |
Lãnh đạo Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng thừa nhận, trong xuất khẩu trái cây, người Thái Lan thích ứng rất nhanh. Họ theo chân doanh nghiệp Việt vào tận các vùng trồng của nước ta để tìm hiểu. Với sầu riêng, khi Việt Nam xuất lô hàng đầu tiên sang Trung Quốc, Thái Lan đưa tin rầm rộ. Họ tìm hiểu và phân tích kỹ càng đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Trung Quốc là thị trường lớn và tiềm năng, song ngày càng khó tính. Không chỉ đòi hỏi chất lượng hàng hóa tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm mà mẫu mã còn phải bắt mắt. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng chuộng hàng có thương hiệu. Người Thái làm rất tốt những điều này. Họ tìm hiểu kỹ thị trường xuất khẩu rồi quay lại sản xuất hàng hóa phù hợp, đúng thị hiếu nhất. Đây cũng là lý do trái cây Thái Lan có thể đi sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc, còn hàng Việt mới thâm nhập được vào các tỉnh sát biên giới. Và câu chuyện xuất khẩu sầu riêng cũng không phải là ngoại lệ./.