Chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch sầu riêng chính vụ nên người dân lo lắng khi giá sầu riêng sụt giảm. (Ảnh minh họa). |
Sầu riêng giảm sâu, doanh nghiệp thu mua dè dặt
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ chính của sầu riêng Việt Nam và đây là loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau thanh long và chuối. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, hai tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt đạt 56,9 triệu đô la Mỹ, tăng 290,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính khi chiếm đến 83% kim ngạch xuất khẩu.
Khác hẳn với khí thế tập nập thời điểm sầu riêng sốt giá, hiện nay các nhà vườn bước vào thu hoạch sầu riêng chính vụ với tâm lý thận trọng. Hiện giá sầu riêng chỉ còn 50.000 đồng/kg, giảm 2/3 so với thời điểm sốt giá, tuy mức này nhà vườn vẫn có lãi tuy nhiên việc xuất hàng cũng nhỏ giọt, tâm lý nghe ngóng thị trường.
Ông Phạm Thanh Nhã - một nông dân trồng sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) xác nhận, đối với sâu riêng RI6 hiện được thương lái thu mua tại vườn (mua xô) có giá chỉ còn 50.000 đồng/kg, tức giảm 90.000 đồng/kg so với mức giá kỷ lục ghi nhận cách đây không lâu.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) – một trong những đơn vị thu mua sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cho biết giá sầu riêng RI6 ở ĐBSCL hiện được thương lái mua xô tại vườn chỉ còn 50.000 đồng/kg so với mức giá kỷ lục 130.000-140.000 đồng/kg được thiết lập cách đây không lâu.
Còn với sầu riêng Monthong (sầu riêng Thái), trước đó có giá 160.000-170.000 đồng/kg, thì hiện thiếu hụt nguồn cung nên chưa có giá thu mua.
Giá sầu riêng giảm mạnh so với thời điểm sốt giá nhưng doanh nghiệp cũng chỉ thu mua cầm chừng và nghe ngóng (Ảnh minh họa). |
Theo ông Lộc, hiện đơn vị này vẫn chưa dám mua vào vì đầu mối nhập khẩu phía Trung Quốc vẫn chưa “chốt giá”. “Phía Trung Quốc phải chốt giá, ví dụ 60.000 đồng/kg, thì mình mới có căn cứ để tính toán mua vào từ người nông dân để làm sao có hiệu quả”, ông giải thích.
Cũng theo ông Lộc, giá sầu riêng sụt giảm mạnh do hiện đang vào mùa (vụ thuận), nguồn cung không riêng ở Tiền Giang, mà các địa phương khác như: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và khu vực miền Đông Nam bộ đều tăng cao. “Thậm chí, hiện phía Thái Lan cũng đang có nguồn cung nên khiến giá giảm mạnh”, ông cho biết và giải thích, do nguồn cung dồi dào nên các nhà nhập khẩu phía Trung Quốc không nóng vội thu mua.
Diện tích sầu riêng tăng vọt trong khi 95% không đủ điều kiện xuất khẩu
Mặc dù giá sầu riêng có nhiều biến động và giảm mạnh trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa thể làm hạ nhiệt cơn sốt mở rộng diện tích loại cây trồng tỷ đô này ở các địa phương. Bởi thực tế, với mức giá khoảng 50.000 đồng/kg hiện nay, sầu riêng vẫn cho lợi nhuận cao hơn các loại cây trồng khác.
Theo tính toán của các nhà vườn ở ĐBSCL, mỗi công đất (1.000 m2) trồng được 20 cây sầu riêng, trong khi đó, chi phí đầu tư từ sau khi thu hoạch vụ trước đến thu hoạch vụ hiện tại là khoảng 1,2 triệu đồng/cây, tương đương khoảng 25 triệu đồng/công. Như vậy, với năng suất trồng đạt là 2 tấn/công, thì với giá bán như hiện nay (50.000 đồng/kg), nông dân thu được 100 triệu đồng/công, tức đạt lợi nhuận khoảng 75 triệu đồng/công (sau khi đã trừ chi phí đầu tư 25 triệu đồng) tương đương đạt 750 triệu đồng/ha.
Ông Hiếu của Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát cho rằng, câu chuyện người nông dân tập trung vào một loại cây ăn trái nào đó trong một số năm nhất định rồi lại phá bỏ để trồng cây khác đã không còn là chuyện xa lạ. “Nếu Trung Quốc không mở ra nữa, thì câu chuyện này đối sầu riêng Việt Nam vẫn sẽ tái diễn”, ông cảnh báo.
Vấn đề cơ bản hiện nay, theo ông Hiếu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải làm sao kiểm soát được, phải có quy hoạch vùng trồng rõ ràng. “Vùng này cho trồng cây này, thì không được trồng xen cái gì khác, như thế mới bắt đầu kiểm soát được trái cây Việt Nam, chứ nếu không sẽ loạn hết”, ông nói.
Diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng còn quá ít sẽ càn trở việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. |
Một vị lãnh đạo của Hội doanh nghiệp Việt Nam ở Trung Quốc cho rằng, trong tổng số 85.000 héc ta trồng sầu riêng hiện có của Việt Nam, chỉ 5% diện tích đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tức 95% diện tích còn lại chưa được cấp phép.
“Không được cấp phép thì bán đi đâu, trong khi bà con lại chuyển lúa, cây ăn trái khác sang trồng sầu riêng?”, vị này đặt câu hỏi và cảnh báo, có thể tương lai không xa sẽ phải đi giải cứu như đã từng xảy ra. “Đây là bài toán của Việt Nam và nên được định hướng chuẩn từ Trung ương, tức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến địa phương là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đến bà con nông dân”, vị này gợi ý.
Theo đề xuất của vị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà cụ thể ở đây là Cục bảo vệ thực vật phải nỗ lực phê duyệt thêm nhiều mã số vùng trồng mới, thì mới mong sầu riêng bán được nhiều hơn.
Tuy nhiên, Giám đốc một doanh nghiệp (xin không nêu tên) cho rằng, việc cấp mã số vùng trồng hiện nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề gây cản trở cho xuất khẩu cây ăn trái của Việt Nam cũng như cơ hội của doanh nghiệp.
“Chẳng hạn, trong chương trình hành động (Work Plan) được ký kết giữa Việt Nam và Mỹ, thì mã số vùng trồng cây ăn trái chỉ cấp một lần duy nhất, nhưng chúng ta lại “đẻ” ra chuyện tái chứng nhận”, ông dẫn chứng và cho rằng, nếu cần thiết, lẽ ra cơ quan chức năng của Việt Nam chỉ nên thanh tra, kiểm tra xem việc thực hiện có được duy trì, cần khắc phục gì hay không, chứ không phải là tái chứng nhận.
Không dừng lại ở đó, theo vị này, việc phê duyệt cấp mới mã số vùng trồng hiện nay là quá lâu. “Chúng tôi xin cấp mã số vùng trồng cho trái nhãn, nộp từ tháng 7-2022 đến tháng 10-2022 mới được cấp phép”, vị này dẫn chứng.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, muốn không xảy ra tình trạng trồng chặt, chặt trồng thì đầu tiên phải có quy hoạch cụ thể, kể cả đặt mục tiêu sản phẩm như thế nào. “Ngoài ra, phải tạo được lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm bằng chất lượng, làm sao mình đứng vững trên thị trường”, bà Vy gợi ý và cho rằng, muốn vậy doanh nghiệp và nông dân phải tư duy, tức khi trồng trái sầu riêng thì phải xác định đầu ra ở đâu, chất lượng thế nào…
Theo bà Vy, nông dân trồng không có sự định hướng của Nhà nước cũng không hợp tác bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, tức sản xuất tự phát là một lỗ hỏng tiềm ẩn rủi ro cho người nông dân rất lớn. “Anh không đặt mục tiêu rõ ràng trong việc đầu tư, doanh nghiệp cũng thế, tức đầu tư mà không xác định rõ thị trường xuất khẩu đi đâu, khách hàng là ai, một năm sản xuất ra bao nhiêu tấn để phục vụ thị trường đó…, thì rất khó bền vững”, bà Vy tái nhấn mạnh.
Câu chuyện về trái sầu riêng cũng không nằm ngoài quy luật cung cấu như bất kỳ loại nông sản nào. Khi mọi con đường đi của sầu riêng đều hướng về Trung Quốc thì câu chuyện phụ thuộc vào thị trường tỷ dân này là đương nhiên. Trong khi, tại Việt Nam vẫn trồng sầu riêng theo kiểu mạnh ai nấy làm, các vấn đề mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu vẫn còn nhiều bất cập. Bởi vậy, để trái sầu riêng phát triển bền vững thì điểm mấu chốt bên cạnh việc kiểm soát vùng trồng, cần coi trọng chất lượng và khai mở đa dạng thị trường, cần có sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ./.