![]() |
Tính đến thời điểm này, cả nước mới chỉ cấp 246 mã vùng trồng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. |
Lo ngại khi Thái Lan được cấp mã số vùng trồng sầu riêng gấp 80 lần Việt Nam
Những ngày qua, giá sầu riêng liên tục biến động theo đà giảm khi vụ thu hoạch chính đã cận kề khiến nhà vườn lo lắng.
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại của Bộ Công thương, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay sầu riêng là sản phẩm xuất sang Trung Quốc có nhiều triển vọng nhất nhờ vào việc ta đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng, chuối, khoai lang sang thị trường này.
Tuy vậy, có khó khăn là hiện Trung Quốc mới chỉ cấp 246 mã vùng trồng xuất khẩu. Đây là con số quá ít so với Thái Lan là tới 20.000 mã vùng trồng, 2.000 mã cơ sở đóng gói mà ông tìm hiểu được.
Trong khi đó, với diện tích trồng sầu riêng hiện nay mang về sản lượng gần 1 triệu tấn/năm, với kim ngạch hàng tỉ USD, nếu không mở rộng hơn nữa việc cấp mã số vùng trồng sẽ rất khó khăn.
"Tôi lo ngại có thể xảy ra hiện tượng “thắt cổ chai” trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, khi ta có nguồn hàng lớn nhưng lại không có đủ quota để xuất khẩu" - ông Nguyên nêu.
![]() |
Với diện tích như hiện nay Việt Nam đã đạt sản lượng 1 triệu tấn sầu riêng/năm. |
Do đó, ông đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ kỹ thuật khi cơ quan hải quan Trung Quốc sang kiểm tra các vườn trồng để cấp mã số.
Có biện pháp xử lý với vi phạm sở hữu trí tuệ vùng trùng, mã đóng gói, chống hàng giả, hàng nhái. Tạo thuận lợi về vốn, thị trường cho chế biến rau quả…
Ông Nông Đức Lai - tham tán Thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) - cho biết việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại tạo ra nhiều cơ hội. Tuy nhiên, nước này áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý chất lượng với hàng nông sản thực phẩm, cũng như mở rộng thị trường nội địa, ưu tiên tiêu dùng trong nước.
Nhiều vùng sầu riêng chưa được cấp mã số
Theo ông Ngô Xuân Nam, phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), cho biết vừa qua có 36 mã số vùng trồng và 18 mã cơ sở đóng gói sầu riêng chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Theo ông Nam, để được Trung Quốc phê duyệt thì các vườn trồng cần có chứng chỉ Sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hoặc các hoạt động, hồ sơ ghi chép tại vườn trồng phù hợp với GAP.
Việc quản lý vệ sinh vườn trồng phải được chú trọng như: cành tán phải được cắt tỉa, dọn dẹp tàn dư thực vật, chăm sóc kịp thời… Đáng lưu ý, đa số vườn trồng sầu riêng chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt do thiếu các biện pháp quản lý cỏ dại.
Cụ thể, vườn trồng có sự xuất hiện các loại cây tạp và không có biện pháp cách ly hiệu quả đối với các vườn xung quanh. Không có hồ sơ sổ sách về quản lý, ghi chép và theo dõi các loài sinh vật gây hại tại vườn. Vườn trồng không lắp đặt bẫy ruồi đục quả (sâu đục trái) và chưa lắp đặt đảm bảo số lượng bẫy theo quy định.
![]() |
Bao bì thuốc BVTV, chế phẩm sinh học không được thu gom cũng là nguyên nhân khiến vùng trồng không được cấp mã. |
Theo ông Nam, trong quá trình Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra trực tuyến, nhận thức của người tham gia phỏng vấn cũng chưa đầy đủ về cách phòng trừ các loài sinh vật gây hại mà phía Trung Quốc quan tâm.
Các vườn trồng cũng cần lưu ý về cơ sở vật chất, như phải có nhà kho và đảm bảo điều kiện môi trường vệ sinh. Như nhà kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật cần đảm bảo đúng quy định…
Nơi lưu trữ tạm thời sầu riêng ngay sau khi thu hoạch cũng phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh, cách ly hiệu quả với kho lưu trữ thuốc bảo vệ thực vật, có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm thứ cấp.
Bên cạnh đó, phải có hồ sơ, sổ sách về quy trình thu hoạch cần bổ sung hình ảnh và các tài liệu liên quan đến quá trình thu hoạch sầu riêng.
Hiện một số vườn trồng không có hồ sơ tập huấn, không có sổ theo dõi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không có hồ sơ ghi chép về quản lý sinh vật gây hại.
"Sầu riêng là loại cây cho giá trị kinh tế cao. Được cấp thêm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, sầu riêng Việt Nam chắc chắn sẽ rộng đường hơn khi xuất sang Trung Quốc.
Chúng ta cần đảm bảo tinh thần hợp tác và tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của phía Trung Quốc trong việc quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, giúp người nông dân thu lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này" - ông Nam nhấn mạnh.
Đến nay, Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 246 mã số vùng trồng (khoảng 12.000ha) và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.
Quy trình để được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng
Ông Nguyễn Quang Hiếu, trưởng phòng hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc thì phải tìm hiểu các quy định và chủ động sản xuất theo đúng yêu cầu.
Sau đó, gửi hồ sơ đề nghị chi cục bảo vệ thực vật ở địa phương. Sau đó, chi cục kiểm tra thực tế và hướng dẫn, đối chiếu với nghị định thư. Tiếp đó, địa phương sẽ tổng hợp danh sách để gửi Cục Bảo vệ thực vật. Cục Bảo vê thực vật tổng hợp và định kỳ gửi các hồ sơ cho Trung Quốc.
Từ danh sách này, Trung Quốc tổ chức kiểm tra, đánh giá. Sau đó sẽ công bố các vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nếu hồ sơ nào chưa đạt thì Trung Quốc sẽ hướng dẫn khắc phục. Cục Bảo vệ thực vật thông báo kết quả cho địa phương để báo cho các đơn vị biết và sử dụng mã số.
![]() |
Việc chậm trễ trong cấp mã số vùng trồng sầu riêng khiến sầu riêng Việt Nam khó khăn trong xuất khẩu sang Trung Quốc. |
Mặt hàng sầu riêng đang xuất khẩu rất nóng, nhưng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng vẫn còn hạn chế và chậm làm ảnh hưởng đến lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
“Việt Nam hiện chỉ mới được cấp 83 mã vùng trồng và 30 mã cơ sở đóng gói sầu riêng, tổng số là 113 mã, trong khi Thái Lan có đến 1.000 mã, điều này chắc chắn khiến cho việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có một số trở ngại. Trong khi, Việt Nam và Thái Lan có diện tích và sản lượng sầu riêng tương đương nhau, khoảng 100 ngàn ha với sản lượng khoảng 700.000 đến 800.000 tấn/năm”, Tổng thư ký Vinafruit chia sẻ.
Ngoài ra, hiện nay Hải quan Trung Quốc đang tạm ngừng việc cho đăng ký nhóm trái cây đông lạnh đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyên đề nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn làm việc với Cục hải quan Trung Quốc, có kế hoạch đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để có thể đáp ứng được hoạt động xuất khẩu sầu riêng khối lượng lớn như hiện nay, đồng thời tạo điều kiện cho hàng trái cây chế biến trong đó có hàng đông lạnh được nhập khẩu vào Trung Quốc, tháo gỡ cho doanh nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu cho bà con nông dân./.