![]() |
Sầu riêng Việt Nam vẫn hoàn toàn nắm lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc và Thái Lan. |
Cuộc cạnh tranh khốc liện trong xuất khẩu sầu riêng
Hiện nay, Thái Lan là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Theo đại diện Công ty thương mại Sunwah (tại TP.Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) cho rằng, chưa có thương hiệu dẫn đến sầu riêng Việt Nam bị cạnh tranh, thua thiệt trên thị trường.
Đại diện Sunwah cho rằng, sầu riêng Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Hai quốc gia này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu sầu riêng quy mô lớn hơn Việt Nam. Ở thị trường Trung Quốc hiện nay, thương hiệu sầu riêng của Malaysia và Thái Lan cũng mạnh hơn. Đây là yếu tố cản trở với sầu riêng Việt Nam.
"Muốn thắng trên thị trường Trung Quốc thì sầu riêng Việt Nam phải có thương hiệu; từ sầu riêng sẽ kéo theo nhiều loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường xây dựng thương hiệu", đại diện Sunwah nói.
![]() |
Cuộc cạnh tranh xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ngày càng khốc liệt. |
Để nâng cao hạn mức xuất khẩu sầu riêng cũng như nhiều loại nông sản khác vào Trung Quốc, đại diện của Sunwah đề xuất Bộ NN-PTNT cho phép doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp của Việt Nam trong khâu đóng gói theo đúng tiêu chuẩn; chuẩn hóa từ nguồn hàng, bảo quản lạnh cho đến vận chuyển nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc.
Sunwah cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng sàn giao dịch hướng đến phát triển, chuẩn hóa các giao dịch thương mại doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong quá trình xuất, nhập khẩu nông, lâm sản vào thị trường mỗi nước.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), sau khi ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc vào tháng 7.2022, đến nay Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, ngay trong năm 2023, xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc sẽ đạt trên 1 tỉ USD.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc luôn có giá thấp hơn khoảng 20% so với hàng của Thái Lan. Thái Lan mới đây đã nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc phải có chất khô tối thiểu đạt 35%, cao hơn so với trước đây là 32%. Theo đó, quả sầu riêng có ít nước hơn, múi chắc và ngon hơn. Động thái này của Thái Lan được cho là yếu tố để cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Việt Nam thị trường Trung Quốc.
Đáng chú ý, tại khu vực phía nam, nhiều địa phương đang đối mặt với thực trạng nông dân ồ ạt chặt, phá bỏ nhiều loại cây ăn quả chuyển qua trồng sầu riêng.
Trước đó, ngày 23.2, Cục Trồng trọt đã gửi công văn cảnh báo các địa phương phía nam nếu để diện tích sầu riêng tăng "nóng", thiếu kiểm soát sẽ gánh hậu quả khó lường khi cung vượt cầu. Bên cạnh đó, sầu riêng nếu trồng ở khu vực có điều kiện không phù hợp như đất nhiễm phèn, nhiễm mặn, không chủ động được nước tưới sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng Việt Nam.
Sầu riêng Việt vẫn nắm thế thượng phong so với sầu riêng Trung Quốc
Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 31.3, ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết, sầu riêng Việt Nam đang bị cạnh tranh quyết liệt với sầu riêng Thái Lan cả về chất lượng lẫn số lượng khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Thái Lan là nước có nền sản xuất sầu riêng đi trước Việt Nam nhiều thập kỷ, trình độ sản xuất lẫn thương hiệu đều tốt hơn.
Trong thời gian vừa qua, sầu riêng là cây trồng có diện tích phát triển tương đối "nóng". Trước đây, sầu riêng chủ yếu tập trung ở ĐBSCL. Do ảnh hưởng xâm nhập mặn, diện tích trồng sầu riêng có xu hướng chuyển dịch lên Đông Nam bộ, Tây nguyên.
![]() |
Sầu riêng Thái Lan vẫn đang chiếm ưu thế tại thị trường Trung Quốc. |
Cũng theo ông Đức, Bộ NN-PTNT đã có Chỉ thị 8084 cho các địa phương xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung gắn với chế biến, liên kết với doanh nghiệp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để cơ quan chức năng rà soát cấp mã số vùng trồng, mã số xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Bộ NN-PTNT khuyến cáo người dân không tự ý chặt phá cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng như xảy ra ở Tây nguyên, Tây Nam bộ.
Theo ông Lê Văn Đức, để sầu riêng Việt Nam xuất khẩu được giá cao thì phải quan tâm đến chất lượng và bắt đầu từ cây giống, phải quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống đưa vào canh tác.
Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam có lợi thế riêng, không sợ sự cạnh tranh của sầu riêng Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam có vụ sản xuất từ tháng 5 năm nay cho đến tháng 4 năm sau và thời gian này rơi vào mùa khô và mùa đông của Thái Lan và Trung Quốc nên sẽ có lợi thế xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường.
Thông tin từ Cục Trồng trọt cho hay, theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030, Bộ NN-PTNT định hướng cả nước có khoảng 65.000 - 75.000 ha trồng sầu riêng, với sản lượng 830.000 - 950.000 tấn. Đến cuối năm 2022, diện tích trồng sầu riêng đạt khoảng 110.000 ha, tăng 35.000 ha so với định hướng của Bộ NN-PTNT.
![]() |
Sầu riêng Việt Nam có lợi thế riêng, không sợ sự cạnh tranh của sầu riêng Trung Quốc. |
Theo Cục Trồng trọt, từ khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giá bán sầu riêng cao hơn so với nhiều loại cây ăn quả khác, là nguyên nhân khiến người dân ồ ạt chuyển đổi sang trồng sầu riêng.
Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu sầu riêng với số lượng lớn từ Thái Lan, Việt Nam. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2022 nước này nhập khẩu 825.000 tấn sầu riêng, với tổng giá trị 4,03 tỉ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của Thái Lan chiếm 3,85 tỉ USD.
Theo thông tin từ báo chí Trung Quốc, sau 4 năm trồng sầu riêng, bắt đầu từ năm nay, nước này đã có sản phẩm cung ứng ra thị trường với số lượng lớn. Trung Quốc đang triển khai trồng sầu riêng công nghiệp, dự báo đến năm 2028, sản lượng sầu riêng sẽ đạt giá trị 727 triệu USD và đây sẽ là áp lực cạnh tranh đối với sầu riêng từ Thái Lan, Việt Nam.
Từ khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho người trồng sầu riêng Việt Nam. Ngoài việc nâng cao chất lượng mở rộng diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, Việt Nam cần trú trọng xây dựng thương hiệu. Với lợi thế về kỹ thuật canh tác sầu riêng và giao thương thuận tiện, trái sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế hoàn toàn chiếm thế thượng phong so với sầu riêng Thái Lan và Trung Quốc./.