Hiện nay, sầu riêng đang là cây trồng đem lại lợi nhuận cao cho nông dân. |
Điệp khúc trồng chặt đâu chỉ có sầu riêng
Cơn sốt xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc liên tục nóng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá sầu riêng thu mua tại vườn neo ở mức cao, có lúc vượt 200.000 đồng/kg. Các vựa, doanh nghiệp vẫn ráo riết gom hàng với số lượng lớn để xuất sang thị trường này.
Do vậy, người dân liên tục tìm cách mở rộng diện tích đất trồng sầu riêng. Theo thống kê của các địa phương khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, tính đến tuần cuối của tháng 2/2023, đã có hàng trăm nghìn hecta hồ tiêu, cà phê, mít, nhãn, thanh long… bị người dân chặt bỏ để trồng sầu riêng.
Theo số liệu thống kê của Cục thống kê tỉnh Bình Phước cho biết, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng đã đạt hơn 4.802ha, tăng 28,4% so với năm 2021, diện tích cho sản phẩm là khoảng 2.289 ha, tăng 611 ha. Trong khi đó, diện tích cây hồ tiêu ghi nhận giảm khoảng 1.144ha, cà phê giảm 604 ha trong năm 2022.
Một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn phá bỏ một phần diện tích đất lúa để trồng sầu riêng, khiến cho diện tích cây ăn trái này tăng lên đột biến, gấp nhiều lần quy hoạch.
Những cây sầu riền mới trồng mang theo bao kỳ vọng của người dân. |
Theo Đề án "Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) thực hiện, định hướng quy hoạch diện tích sầu riêng của cả nước đến năm 2030 ở mức 75.000ha. Tuy nhiên, hiện diện tích sầu riêng của cả nước đã lên 110.000ha và vẫn có khả năng tăng trong thời gian tới. Điều này dẫn đến lo ngại về điệp khúc trồng - chặt sẽ diễn ra với cây sầu riêng trong những năm tới như đã từng diễn ra với mít, thanh long…
Thực tế trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng “trồng - chặt”, sản xuất chạy theo phong trào của nông dân. Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do còn “thiếu ăn khớp” giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong khi khả năng bảo quản, chế biến sản phẩm còn thấp.
Sự “thiếu ăn khớp” được nói đến ở đây là có một thực tế: hầu như sản xuất không đúng theo quy hoạch. Tình trạng nông dân sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm” và chạy theo phong trào vẫn diễn ra khá phổ biến.
Nói một cách khác là “quy hoạch một đàng, sản xuất một nẻo” nên dẫn tới sản phẩm nông sản làm ra lắm lúc cung vượt quá cầu, chịu nhiều tác động của thị trường. Chỉ cần thị trường thế giới bị “hắt hơi, sổ mũi” là ngay lập tức nông dân phải hứng chịu.
Bàn giải pháp kết nối cung cầu trái sầu riêng
Cũng sảy ra tình trạng người dân ồ ạt mở rộng diện tích sàu riêng, nhưng ở Đắk Lắk đã có những bước đi bền vững. Cụ thể, tại huyện Cư M'gar đã phát triển được hơn 4.000ha sầu riêng. Trong bối cảnh diện tích cây sầu riêng tăng mạnh thì các cấp ngành chức năng nơi đây đang triển khai nhiều giải pháp kết nối cung cầu để giúp người nông dân có đầu ra cho trái sầu riêng.
Nông dân tập trung sản xuất sầu riêng sạch: Từ năm 2017 đến nay, gia đình anh Nguyễn Thanh Nhàn, ở xã Ea Tar đã phát triển được hơn 16ha sầu riêng giống Dona Thái. Hiện nay, vườn sầu riêng của gia đình anh Nhàn có hơn 10ha đã bước vào thời kỳ kinh doanh với sản lượng ước tính khoảng 300 tấn.
Theo anh Nhàn, những năm qua, gia đình anh tập trung sản xuất sầu riêng sạch, chất lượng bảo đảm tiêu chuẩn VietGap. Hiện nay, gia đình đang được các ngành chức năng hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng cho sản phẩm.
"Khi được cấp mã vùng trồng thì sản phẩm sầu riêng của gia đình tôi sẽ rộng đường tham gia vào thị trường xuất khẩu với giá bán cao hơn" - anh Nhàn chia sẻ.
Vườn sầu riêng rộng hơn 16ha của anh Nguyễn Thanh Nhàn đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. |
Gia đình ông Đỗ Viết Hùng, ở xã Ea Tar, huyện Cư M’gar có hơn 10ha sầu riêng trồng sắp bước vào vụ thu hoạch. Năm ngoái, gia đình ông thu sầu riêng lứa đầu tiên được hơn 110 tấn và được với mức giá khá cao. Theo ông Hùng, sầu riêng xưa nay đều được thương lái thu mua, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nên giá cả bấp bênh.
"Trung Quốc yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không được vượt mức cho phép... Nhằm đạt hiệu quả, tôi đã liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng để trồng theo hướng VietGAP, cấp mã vùng trồng. Nếu xuất khẩu chính ngạch thì đầu ra, giá cả sẽ ổn định, người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều" - ông Hùng chia sẻ.
Chính quyền tham gia kết nối cung cầu: Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện Cư M'gar có diện tích sầu riêng trên 4.000ha sầu riêng. Trong đó, có gần 800ha sầu riêng kinh doanh, tổng sản lượng đạt gần 18.000 tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M'gar cho biết, trong bối cảnh diện tích sầu riêng gia tăng mạnh thì UBND huyện đã tổ chức nhiều chương trình, hội nghị kết nối các doanh nghiệp với 17 xã, thị trấn trồng sầu riêng trên địa bàn. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm xây dựng chuỗi giá trị đối với ngành hàng sầu riêng. Qua đó, bảo đảm lợi ích hài hòa cho cả người dân và doanh nghiệp.
Thông qua các chương trình này, một số doanh nghiệp đã bắt tay hỗ trợ chính quyền địa phương thành lập mới 4 hợp tác xã; tổ chức hội thảo kỹ thuật chăm sóc sầu riêng; hỗ trợ người trồng sầu riêng xây dựng mã số vùng trồng gắn với tiêu thụ sản phẩm...
Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M'gar đã phối hợp với 11 doanh nghiệp triển khai xây dựng mã số vùng trồng trên địa bàn 17 xã, thị trấn, các hợp tác xã. Kết quả, các đơn vị chuyên môn đã định vị được gần 1.000ha, lập hồ sơ là đã kiểm tra hiện trạng 24 mã vùng trồng với diện tích 400ha, sản lượng dự kiến trên 9.000 tấn. Đã có 1 mã tại xã Ea Tar được phía Trung Quốc kiểm tra trực tuyến và cấp mã.
Trái sầu riêng có giá trị kinh tế cao và dư địa thị trường vẫn còn rất lớn. |
Không chỉ có vậy, hiện các nhà máy thu mua, chế biến sầu riêng có quy mô lớn cũng đã đến đầu tư tại địa phương để hỗ trợ người dân tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Điển hình nhất phải kể đến, Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã khởi công nhà máy chế biến công suất 70.000 tấn trái cây/năm với số vốn đầu tư 500 tỉ đồng.
"Sầu riêng đang là loại cây trồng có giá trị nhất vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, người dân chỉ nên phát triển loại cây trồng này khi đã nắm vững kỹ thuật và xây dựng được mối liên kết về đầu ra bền vững" - ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M'gar thông tin.
Một hệ thống được vận hành nhịp nhàng và đồng bộ từ người trồng, cơ quan quản lý và đơn vị kết nối thị trường đây là cách để trái sầu riêng được bảo đảm từ khi trồng trên đất. Thực tế lượng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, có nghĩa là thị trường còn mênh mông. Vấn đề là có nắm được cơ hội không? Sầu riêng Việt chiếm bao nhiêu phần trăm ở thị trường tỷ dân phụ thuộc vào chất lượng chứ không phải những kìm hãm người dân thể hiện khát khao làm giàu trên đồng đất của họ./.