Cần kiểm soát diện tích sầu riêng và phát triển trồng sầu riêng hữu cơ bền vững. |
Thấy hiệu quả thì trồng giá cả sau này thế nào thì tùy
Ông Nguyễn Xuân Quang, thôn Tân Hòa 2, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk có hơn 8 sào rẫy trồng cà phê xen sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh. Ông chia sẻ, với 80 cây sầu riêng, 700 cây cà phê, mỗi năm thu được hơn 700 triệu đồng, trong đó lợi nhuận chủ yếu từ sầu riêng.
Vụ vừa rồi, ông Quang thu hơn 12 tấn sầu riêng, giá bán trên 42.000 đồng/kg tại vườn, thu được trên 500 triệu đồng. Ông đã dồn vốn và vay thêm ngân hàng mua 1,2 ha đất để trồng 200 cây sầu riêng xen với 800 cây cà phê, hi vọng vài năm tới sẽ có lợi nhuận cao.
“Giờ chủ yếu chỉ có cây cà phê với cây sầu riêng, mà cà phê thì giá không bao nhiêu, phân bón lại tăng gấp đôi, chăm sóc đầu tư mình thu nhập không bao nhiêu. Trước mắt giờ thấy sầu riêng có giá thì mình cứ trồng đã, còn giá cả sau này thế nào thì tùy vào sau” - ông Quang nói.
Lợi nhuận từ trái sầu riêng khiến người dân ồ ạt trồng bất chấp những khuyến cáo. |
Gia đình bà Trần Thị Thanh Nga ở thôn Toàn Thắng 1, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk có 1,2 ha cà phê. Bà cho biết, mỗi năm thu khoảng 2 - 2,5 tấn cà phê nhân, trừ chi phí đầu tư gia đình lãi vài ba chục triệu đồng. Thấy cây sầu riêng cho lợi nhuận lớn, gia đình đã mua 180 cây sầu riêng giống dona về trồng xen trong vườn cà phê.
“Vừa rồi đây 1,2 ha cà phê, mà chỉ thu được 2 tấn cà, lỗ chứ không đủ tiền phân. Nhà đã chuyển đổi trồng thêm sầu riêng, giờ tính ra được gần 200 cây. Một số trồng trước, còn đợt vừa rồi trồng mới 100 cây. Hi vọng cây sầu riêng ra sao đây, khi nào đậu quả mới biết, chứ giờ ra hoa thì cũng khó biết” - bà Nga chia sẻ.
Những năm gần đây, thấy cây sầu riêng luôn cho hiệu quả tốt, nhiều nông dân ở Đắk Lắk liên tục mở rộng diện tích. Tuy nhiên, theo TS. Đặng Bá Đàn - Trưởng văn phòng Trung tâm Khuyến nông Nam trung bộ và Tây Nguyên (thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) việc mở rộng diện tích sầu riêng ồ ạt sẽ phá vỡ quy hoạch cây trồng, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, tài nguyên nước, sâu bệnh hại ...
Ngoài ra, do đặc tính của quả sầu riêng là chín tập trung, chính vụ chỉ kéo dài từ 2 – 3 tháng, vì vậy nếu không tiêu thụ kịp sẽ gây ù ứ, dư thừa nguồn cung, và sẽ xảy ra tình trạng bị ép giá, nhất là trong bối cảnh hạ tầng logistic, chế biến sâu ở nước ta chưa phát triển mạnh. Hiện các quốc gia lân cận như Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc cũng đang trồng và mở rộng diện tích cây sầu riêng, và sẽ cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng của Việt Nam trong đó có Đắk Lắk.
Cần phát triển cây sầu riêng theo hướng hữu cơ
Để phát triển bền vững sầu riêng, Tiến sỹ Đặng Bá Đàn, cho rằng: “Thứ nhất, trên diện tích hiện nay đang cho thu hoạch thì chúng ta nên theo hướng thâm canh, về mặt kỹ thuật phải an toàn, chất lượng, theo hướng hữu cơ vi sinh, sản xuất có chứng nhận tiêu chuẩn mã vùng. Thứ 2, chúng ta phải có kho chứa, chế biến sâu, làm sao để sản phẩm không bị dư thừa. Đặc biệt, khâu tổ chức phải liên kết sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như doanh nghiệp chế biến và người sản xuất”.
Cả nước hiện có trên 110.000 ha sầu riêng, vượt 35.000 ha so với định hướng quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, diện tích loại cây này cũng đã chạm ngưỡng 22.500 ha, vượt quy hoạch gần 7.500 ha, được trồng chủ yếu ở các huyện Krông Pắk, Krông Năng, Krông Búk, Buôn Hồ, Ea H’leo. Sản lượng sầu riêng niên vụ vừa qua đạt khoảng 170.000 tấn, doanh thu trên 9.500 tỷ đồng.
Những cây sầu riêng mới trồng và kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, để hạn chế tình trạng ồ ạt, tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quy định yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân, chủ doanh nghiệp cần phát triển ngành hàng sầu riêng một cách bài bản, bền vững, tránh rủi ro không đáng có.
“Phát triển ngành hàng sầu riêng không ồ ạt, tự phát chuyển đổi các loại cây trồng sang trồng sầu riêng; đặc biệt là ở các vùng có điều kiện thuận lợi. Quá trình phát triển thì phải đảm bảo giống, khuyến khích sử dụng các loại giống và quy trình có thể rải vụ, hoặc là trái vụ làm gia tăng hiệu quả. Đặc biệt phải có sự hợp tác, liên kết để tạo ra các vùng trồng tập trung, đồng nhất về chất lượng, tuân thủ các quy định về mã vùng trồng, rồi truy xuất được nguồn gốc, và hướng đến xây dựng thương hiệu đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu” - ông Dương nói.
Thực tế cho thấy, lợi nhuận từ cây sầu riêng ở Đắk Lắk thời gian qua đã tạo ra sức hút lớn. Việc đầu tư mở rộng diện tích loại cây này để gia tăng thu nhập là nhu cầu chính đáng của nông dân. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, người trồng nên tuân thủ định hướng từ cơ quan chức năng, các chuyên gia nông nghiệp cũng như quy luật thị trường. Có như vậy, niềm vui từ những vụ sầu riêng sẽ được duy trì, và mối lo “sầu riêng biến thành sầu chung” sẽ khó xảy ra./.