Giá sầu riêng giảm mạnh, so với thời điểm đỉnh giá, mỗi trái sầu riêng hiện giảm từ 300 đến 400 nghìn đồng. |
Mỗi trái sầu riêng "bốc hơi" từ 300 đến 400 nghìn đồng
Thời điểm này, tại các nhà vườn Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Đồng Nai cho thấy giá sầu riêng giảm 15-20% so với tuần trước, về mốc 75.000-85.000 đồng một kg. Giá này giảm một nửa so với mức đỉnh 190.000 đồng một kg hồi đầu tháng 2. Như vậy, so với thời điểm giá đạt đỉnh, hiện mỗi trái sầu riêng (loại 3 đến 4kg) nhà vườn bị giảm từ 300 đến 400 nghìn đồng.
Lo lắng trước tình trạng sầu riêng giảm liên tục, chị Lành, ở Tiền Giang cho biết vừa bán 7 tấn sầu riêng Ri 6 với giá 75.000 đồng một kg. "Tôi tranh thủ bán vì sợ chúng rớt tiếp", chị Lành nói.
Tại vườn của chị Hạnh (Cần Thơ) cũng đang tất bật thu hoạch và bán với giá bằng một nửa so với đầu tháng 2. Trong đó, hàng loại 3 xuống quanh 45.000 đồng một kg. "Sắp tới, khi có thêm các nhà vườn ở Bình Phước, Đồng Nai đến vụ, giá sầu riêng có thể giảm thêm", chị Hạnh dự đoán.
Một vựa thu mua sầu riêng tại huyện Châu Thành (Bến Tre). |
Giá nhập kho hàng của các doanh nghiệp ở Bến Tre, Tiền Giang chuẩn bị xuất khẩu hiện cũng giảm về dưới 100.000 đồng một kg.
Theo đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Vạn Hòa, các đơn đặt hàng xuất khẩu vẫn đang tăng mạnh, tuy nhiên giá lại giảm nhanh. Cụ thể, giá thu mua cho hàng loại A nhập kho là 95.000 đồng, loại B khoảng 75.000 đồng một kg. "Mỗi ngày, chúng tôi thu mua 20-30 tấn từ các đầu mối", đại diện Vạn Hòa nói.
Nguy cơ dội chợ khi các địa phương đồng loạt thu hoạch sầu riêng
Lý giải nguyên nhân giá sầu riêng liên tục giảm, các thương lái cho rằng mặt hàng này đã bắt đầu rộ vụ. Đặc biệt, ngoài hàng miền Tây, sản phẩm từ các vườn ở Đồng Nai, Bình Phước sắp đến tuổi cắt bán nên nguồn cung dồi dào.
Ngoài ra, từ cuối tháng 3, thị trường xuất hiện nhiều trái cây nhiệt đới như chôm chôm, mận và sắp tới là vải thiều sẽ khiến sầu riêng giảm sức hấp dẫn.
Một số vườn sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang chuẩn bị thu hoạch bị mất nguồn thu lớn vì giá sụt giảm. |
Dự báo về giá sầu riêng thời gian tới, các đơn vị thu mua cho rằng từ tháng 5, giá trái cây này sẽ còn biến động khi hàng từ các tỉnh Tây Nguyên vào vụ. Trong khi đó, hàng của Thái Lan, Philippines cũng rộ mùa nên sầu riêng Việt sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh.
Hiện các Sở Nông Nghiệp Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Bình Phước cho biết đang lên kế hoạch kết nối tiêu thụ sầu riêng cho xuất khẩu và trong nước.
Diện tích tăng đột biến cạnh tranh xuất khẩu khốc liệt
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, từ khi trái sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, diện tích trồng đã liên tục mở rộng. Tính đến cuối năm 2022, diện tích cây này đạt 110.000 ha, vượt khoảng 35.000 ha so với định hướng. Hai tháng đầu năm, khi giá tăng đột biến, các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên còn có hiện tượng phá cà phê, hồ tiêu, lúa để trồng sầu riêng.
Mới đây, Trung Quốc cho biết đang chuẩn bị thu hoạch những quả sầu riêng đầu tiên. Khoảng 93,3 ha trồng cây sầu riêng tại Tam Á, đảo Hải Nam sẽ cho bói quả (hoa) với ước tính tổng thu hoạch là 116,64 kg một ha.
Ngoài ra, Chính phủ Lào đã đồng ý giao cho các doanh nghiệp Trung Quốc 30.000 ha đất nông nghiệp với mục đích duy nhất là trồng sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân. Diện tích này bằng 27% diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam.
Về phía Philippines - quốc gia vừa được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng - kỳ vọng sẽ xuất 54.000 tấn trong năm nay.
Nhiều diện tích đất lúa tại xã Tân Lập, Tân Thạnh (Long An) được san phẳng, đắp mô trồng sầu riêng. |
Trước diễn biến trên, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn khuyến cáo nông dân không nên trồng cây này ồ ạt để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung. Thời gian tới, các nhà vườn cần tiếp tục cải thiện quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã, giữ được sản lượng ổn định nhằm đảm bảo xuất khẩu quanh năm.
Dù đang được thị trường Trung Quốc ưa chuộng và đặt mua với số lượng lớn nhưng trái sầu riêng cũng không thể đứng ngoài quy luật cung - cầu. Trước đó khi sầu riêng trái vụ do khan hiếm nên đẩy giá tăng cao khiến các địa phương ồ ạt trồng sầu riêng. Hiện nay khi giá sầu riêng giảm sâu, những khó khăn đang lộ rõ. Cuộc cạnh tranh trái sầu riêng hiện đã mang tính toàn cầu, muốn phát triển bền vững không thể chạy theo số lượng mà cốt lõi phải là thương hiệu và chất lượng./.