Doanh nghiệp tư nhân – lực lượng chủ công nâng tầm thương hiệu quốc gia
Trong những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã chứng minh được vai trò không thể thay thế trong công cuộc phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Không dừng lại ở những đóng góp về chỉ số tăng trưởng, doanh nghiệp tư nhân còn đang từng bước tạo dựng hình ảnh tích cực cho hàng hóa và dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
![]() |
Dây chuyền sản xuất sữa TH true Milk. |
Theo báo cáo mới nhất từ Brand Finance công bố tháng 5/2024, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới – tăng một bậc so với năm trước. Đây là kết quả của sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là dấu ấn của các doanh nghiệp tư nhân tiên phong như VinFast, Vinamilk, Masan, Duy Tân, TH True Milk... Những thương hiệu này không chỉ vươn ra thế giới bằng chất lượng sản phẩm, mà còn xây dựng được câu chuyện thương hiệu, tinh thần đổi mới, và cam kết phát triển bền vững.
Trong lễ công bố Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ; trong đó việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung cốt lõi.
Theo Thủ tướng, thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển xanh, sáng tạo và hùng mạnh trên bản đồ thế giới.
Tính đến nay, có 190 doanh nghiệp với 359 sản phẩm được vinh danh Thương hiệu quốc gia, trong đó khu vực tư nhân chiếm đa số. Những doanh nghiệp này tạo ra doanh thu lên tới 2,4 triệu tỷ đồng, đóng góp 150.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động.
Trường hợp VinFast là một ví dụ tiêu biểu. Từ một thương hiệu mới thành lập năm 2017, đến nay VinFast đã xuất khẩu ô tô sang Mỹ, Canada, châu Âu và được định giá là hãng xe điện có sức ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Không chỉ dừng ở chất lượng sản phẩm, VinFast còn mang theo hình ảnh “Made in Vietnam” ra thế giới – điều mà trước đây chỉ có các tập đoàn công nghệ đa quốc gia mới làm được.
![]() |
359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024 được vinh danh. Ảnh: Trần Việt-TTXVN |
Tương tự, Công ty Nhựa Duy Tân hiện là doanh nghiệp dẫn đầu ngành bao bì nhựa tại Việt Nam, xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia, từ Mỹ, Nhật Bản đến châu Âu. Với chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh, Duy Tân không chỉ đưa sản phẩm Việt ra thế giới mà còn góp phần quảng bá một Việt Nam thân thiện với môi trường và cam kết phát triển bền vững.
Cần cơ chế "mở đường" để doanh nghiệp tư nhân định vị hình ảnh quốc gia
Dù được đánh giá là “lực lượng chủ công” trong nâng tầm thương hiệu Việt, các doanh nghiệp tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản khi bước ra thị trường quốc tế. Những thách thức đó không chỉ nằm ở vốn, công nghệ hay nhân lực, mà còn ở thiếu sự hậu thuẫn chính sách, thiếu hệ sinh thái hỗ trợ thương hiệu ở tầm quốc gia.
Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, doanh nghiệp tư nhân có đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia.
Ông Tuấn phân tích, người dân của quốc gia này biết đến quốc gia khác thông qua những sản phẩm mà họ sử dụng, những hình ảnh, tên tuổi doanh nghiệp mà họ biết đến qua truyền thông, báo đài, internet.
“Rất nhiều người Việt Nam chưa từng đi nước ngoài, nhưng lại ấn tượng về một Nhật Bản đẹp, sản phẩm hàng hóa chất lượng, giá trị cao” - ông Tuấn dẫn chứng và cho rằng, hàng hóa Việt Nam, những sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang hiện diện ở 200 quốc gia trên thế giới, cũng đã tạo dựng hình ảnh quốc gia rất lớn.
Trên thực tế, không ít thương hiệu Việt từng “chật vật” khi ra nước ngoài vì thiếu bảo hộ sở hữu trí tuệ, thiếu chiến lược truyền thông thương hiệu bài bản, hoặc bị lấn át bởi các sản phẩm Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc trên cùng phân khúc. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia không thể chỉ là nỗ lực đơn lẻ của doanh nghiệp, mà cần sự phối hợp giữa Nhà nước – Hiệp hội ngành hàng – cơ quan xúc tiến thương mại – và chính cộng đồng tiêu dùng trong nước.
Để thúc đẩy sự liên kết này, ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, xác định rõ khu vực tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế độc lập, tự chủ. Đồng thời, Nghị quyết khuyến khích hình thành các tập đoàn tư nhân lớn có thương hiệu quốc tế, có khả năng dẫn dắt các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở góc độ xúc tiến thương hiệu, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cũng đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài, tổ chức hội chợ chuyên ngành ở các thị trường trọng điểm.
Thương hiệu quốc gia không phải là một biểu tượng đơn lẻ mà là tổng hòa của hàng nghìn thương hiệu doanh nghiệp tạo thành. Trong đó, sức mạnh đến từ khu vực tư nhân đang trở thành động lực then chốt để Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để điều đó thành hiện thực, cần sự đồng hành chiến lược giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp – không chỉ để “đưa hàng Việt ra thế giới” mà còn để “đưa hình ảnh Việt Nam vào tâm trí người tiêu dùng toàn cầu”.
![]() |
![]() |
![]() |