Quả bình bát
Bình bát là loại cây rất phổ biến ở miền Tây, thường mọc hoang ở ven bờ kênh rạch, chịu được phèn. Quả bình bát dài, có hình tim và có màu vàng khi chín.
Tuy cùng họ với na, nhưng bình bát ăn không ngon lắm, khi xanh có nhiều mủ, rất chát, khi chín thì sẽ bớt chát, vị lợ lợ, không ngọt gắt, nhưng mùi thơm khá dễ. Bình bát có rất nhiều hạt, nhưng tỷ lệ thịt khá ít nhé, có thể ăn trực tiếp hoặc đôi khi được dùng làm thuốc. Quả xanh có thể dùng làm thuốc để chưa bệnh tiêu chảy, giun. Hạt, vỏ, thân thì có tính kháng khuẩn rất tốt, có thể dùng sát khuẩn, giảm nhức răng, hay trị cả chí, rận nếu dùng để gội đầu…
Quả chín có thể ăn trực tiếp hoặc nếu muốn ngon, thêm chút đường và dầm với đá ăn khá ngon nhé (tuy nhiên sẽ mất khá nhiều thời gian để nhằn hạt đó). Ăn chín có thể hỗ trợ chữa trị chứng thiếu máu hay chữa được bệnh khí hư huyết trắng ở phụ nữ. Vì bình bát mọc hoang và có rất nhiều ở miền tây, cạnh các bờ kênh rạch, nên các bạn có thể dễ dàng hái và ăn thử nếu có dịp đi về miền Tây nhé. Tuy nhiên, cây có khá nhiều nhựa, nên các bạn cẩn thận nhựa dính vào người, có thể gây kích ứng da nhé.
Quả thanh trà
Mùa hè thường là mùa trái cây miền Tây chín rộ nhất. Nếu đi qua quốc lộ 54 của tỉnh Vĩnh Long, bạn sẽ bị thu hút bởi vườn thanh trà vàng rực thu hút ánh nhìn. Giống cây này nhìn bề ngoài tương tự với cây xoài, nhưng quả chỉ nhỏ như quả chanh và có màu vàng cam khi chín.
Khi ăn có vị chua ngọt thanh mát hấp dẫn nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Trước khi bỏ vỏ bạn hãy xoa đều Tây để quả mềm ngọt và dễ bóc hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể để cả quả chấm muối ớt, đây là đồ ăn được nhiều chị em yêu thích.
Quả quách
Quả quách cũng là một đặc sản miền Tây nhé (mình thấy ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng khá nhiều), khi chín thịt bên trong nhìn đen đen xấu xấu nhưng vị rất đặc biệt nhé, ăn thử một lần là nhớ hoài.
Quả có đường kính khoảng 5 - 9 cm, rất tròn và treo lủng lẳng trên cành, có xu hướng rũ xuống nên nhìn rất đẹp và quả thường tự rụng khi chín mà không cần leo hái.
Khi chín, vỏ quả quách có màu xám trắng, mốc mốc, mùi rất thơm. Vỏ khá cứng và giòn nên thường phải đập vỡ để lấy thịt bên trong. Phần thịt này khi quả còn xanh có màu trắng, nhưng khi chín thì đổi màu 180 độ, từ nâu sậm đến đen đậm.
Quả quách có thể dùng để ăn như một loại sinh tố, hoặc ngâm rượu và làm thuốc. Tuy nhiên, nên đợi trái rụng rồi sử dụng, như vậy quả không bị chín ép, mùi sẽ thơm nồng hơn.
Khi quách chín, bửa ra, lấy phần thịt, dầm với đá đường và ăn rất ngon, vị thanh thanh và hơi béo, tuy nhiên hạt cũng khá nhiều và li ti nhé.
Điểm gây nghiện của quách đó chính là mùi nồng như lên mùi mật nho lên men khi để quá chín, rất thơm. Cây quách thường được trồng lấy bóng râm và ăn trái ở các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng… nên nếu có dịp, các bạn có thể xin người dân hoặc mua ăn thử nhé (giá cũng rất rẻ khi bán 5.000 – 7.000 đồng/quả).
Nhãn tím Sóc Trăng
Miền Bắc có nhãn lồng Hưng Yên, miền Tây lại có nhãn Sóc Trăng màu tím vô cùng đặc biệt, được nhiều người biết đến. Nguồn gốc của loại đặc sản này nhờ một người nông dân tên Huy tìm thấy một nhánh cây màu tím. Sau đó ông tò mò và mang nhánh nhãn này đi trồng để xem kết quả ra sao.
Nhờ có ông Huy mà giống nhãn có màu tím đẹp mắt, thơm ngon, bổ dưỡng đã ra đời. Từ đó, tiếng tăm của loại cây đặc sản này lan rộng khắp cả nước, thậm chí rất nhiều du khách Thái Lan, Đài Loan đều tìm đến đây để chiêm ngưỡng sự độc đáo này.
Quả lý
Quả lý ở một số nước khác như Ấn độ,Indonesia, Malaysia… được trồng và bán khá phổ biến, tuy nhiên ở Việt Nam thì ít bán trên thị trường hơn.
Quả lý có hình tương đối tròn, có màu ửng hồng, phần đầu gần như quả mận, tuy nhiên phần thịt trái lý ít nước hơn quả mận, có vị ngọt và rất thơm, xốp mềm gần như táo, mùi như hoa hồng, vì vậy nên có tên là rose apple. Hạt quả lý rời, lắc kêu như một số loại mận có hạt.
Quả lý ngoài việc sử dụng như một loại trái cây, còn có tác dụng như một vị thuốc dùng chữa một số bệnh về đường ruột. Quả lý ít bán trên thị trường, người dân thường trồng để ăn trong gia đình, vì vậy nếu có người quen nào ở miền Tây, bạn thử tìm hiểu nhé. Quả thường có mùa từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm.
Trái ô môi
Ô môi có lớp vỏ cứng cáp màu đen và thô cùng với kích thước dài ngoằn từ 50-60cm. Khi ăn dùng dao rạch phần mép để tách ra. Từng múi cơm ô môi xếp thành từng lớp đều nhau và ướm bên ngoài là lớp mật đen sánh sệt. Ô môi có vị ngòn ngọt, chút hăng cay và nồng nồng rất lạ, ăn với muối ớt càng ngon. Ngoài ra còn có thể dùng để nấu chè.