Cocoon: Nâng tầm thương hiệu mỹ phẩm thuần chay Việt MQ SKIN – Tự hào thương hiệu mỹ phẩm Việt 5 thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên tốt cho bà bầu hiện nay |
Tiềm năng thị trường mỹ phẩm Việt Nam
Với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 15 - 20% (theo Mintel), thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng hàng đầu trong khu vực, thu hút sự chú ý của hàng loạt các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Euromonitor International, thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng từ mức định giá 2,3 tỷ USD năm 2022 lên 3,2 tỷ USD vào năm 2027. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp của phụ nữ Việt từ các sản phẩm nhập khẩu uy tín cũng ngày càng tăng.
Song song đó, cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành thương mại điện tử và xu hướng livestream bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng cũng tác động không nhỏ đến thị trường.
Nắm bắt cơ hội, nhiều thương hiệu quốc tế phá vỡ quy tắc “hãng nước ngoài - nhà phân phối Việt" để chuyển hướng vào thị trường Việt Nam. Sự xuất hiện của các kênh bán hàng trực tiếp từ doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sản phẩm nhưng cũng mở ra không ít khó khăn cho các đơn vị phân phối vốn nhập khẩu và lưu thông sản phẩm chính hãng lâu đời.
Thách thức lớn đối với nhà phân phối nhập khẩu
Cạnh tranh không chỉ từ đối thủ
Nếu trước đây nhà phân phối nhập khẩu chính hãng chỉ đối mặt với sự cạnh tranh từ nguồn sản phẩm xách tay tràn lan trên thị trường, thì trước tình hình hiện tại, khi các nhãn hàng quốc tế chuyển hướng bán trực tiếp đến người tiêu dùng, áp lực cạnh tranh đã trở nên vô cùng khốc liệt.
Nhiều nhà phân phối phải cạnh tranh với chính các kênh bán lẻ của chủ thương hiệu mà họ đang phân phối. Câu chuyện thương hiệu và nhà phân phối cùng bán hàng khiến khách hàng hoang mang khi lựa chọn. Nhiều đại lý bán hàng của nhà phân phối chỉ biết kêu trời khi số lượng mua hàng giảm chóng mặt; nhà phân phối thì gần như bế tắc trước nguy cơ không xử lý được số lượng hàng hoá khổng lồ đã nhập trước đó dẫn đến tồn kho, không có khả năng thu hồi được vốn.
Nỗi oan “không chính hãng"
Doanh thu giảm, chi phí tăng, nguy cơ hàng tồn kho không thể xử lý. Khó khăn chồng chất khó khăn. Thế nhưng, áp lực chưa dừng lại khi một lượng lớn người tiêu dùng đặt ra nghi vấn về chất lượng cũng như mác “chính hãng" của các sản phẩm từ nhà phân phối trước thông tin “chủ thương hiệu đã có mặt tại Việt Nam".
Điển hình là trường hợp của công ty TNHH xuất nhập khẩu Dương Minh - nhà phân phối sản phẩm Obagi uy tín và lâu đời tại thị trường Việt Nam. Gần một thập kỷ, cái tên Dương Minh đã là bảo chứng cho người tiêu dùng về các sản phẩm Obagi chính hãng chất lượng được kinh doanh tại các spa, phòng khám, đại lý bán lẻ... Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều đại lý kinh doanh sản phẩm do công ty Dương Minh phân phối khi được khảo sát đều có chung một nỗi lo lắng vì người tiêu dùng liên tục đặt ra câu hỏi: “Các sản phẩm của nhà phân phối cũ có còn chính hãng?”
Kem dưỡng phục hồi da Kinetin Obagi |
Tìm hiểu về trường hợp của công ty Dương Minh như một ví dụ về thực trạng khó khăn của các nhà phân phối hiện tại, Tạp chí Thương Hiệu và Sản phẩm cũng đã nhận được văn bản số 9988/QLD-MP từ Cục quản lý Dược - Bộ Y Tế giải đáp: “Đối với nhãn hiệu Obagi, Cục quản lý Dược đã cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dương Minh và Công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam. Trong trường hợp Phiếu công bố mỹ phẩm đã hết hạn, nhưng sản phẩm mỹ phẩm Obagi đã được nhập khẩu vào thị trường trước thời gian Phiếu công bố hết hạn thì công ty nhập khẩu vẫn được phép lưu thông trên thị trường đến hết hạn dùng của sản phẩm nếu đáp ứng yêu cầu về an toàn sản phẩm mỹ phẩm.”
Thông tin này cũng đã phần nào giải được nỗi oan “không chính hãng" của công ty Dương Minh với các sản phẩm thương hiệu Obagi. Thế nhưng không riêng trường hợp nhà phân phối Dương Minh, hiện vẫn còn không ít nhà phân phối các thương hiệu nhập khẩu khác cũng lâm vào tình trạng khó khăn tương tự.
Lối đi nào cho nhà phân phối nhập khẩu?
“Hãng nước ngoài - nhà phân phối Việt" - mối quan hệ lâu đời tạo động lực và niềm tin cho các nhà phân phối Việt miệt mài khai phá thị trường đưa mỹ phẩm thương hiệu quốc tế vào Việt Nam liệu có đang lung lay? Sự phá vỡ quy tắc, chiếm lĩnh thị phần, bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng của một số thương hiệu mỹ phẩm quốc tế có đang mang lại hiệu quả kinh doanh?
Chia sẻ từ góc nhìn của người tiêu dùng, chị P.N.A - người tiêu dùng thương hiệu mỹ phẩm Obagi nhiều năm cho hay: “Nghe tin thương hiệu mình yêu thích về Việt Nam thì thật sự là rất vui luôn, cảm giác được gần gũi hơn. Nhưng thường thì mình vẫn sẽ chọn mua hàng của các đại lý nhà phân phối, do họ có nhiều chính sách ưu đãi giảm giá, cũng là hàng chính hãng mà giá rẻ hơn thì tiết kiệm được rất nhiều.”
Toner BHA Obagi |
Đồng quan điểm với chị A, nhiều người tiêu dùng được khảo sát đều cảm thấy hài lòng khi mua hàng tại các đơn vị phân phối vì nhận được nhiều khuyến mãi, song song vẫn có đội ngũ tư vấn hỗ trợ tận tình.
Như vậy có thể thấy, dù nhiều thương hiệu mỹ phẩm quốc tế đang chuyển hướng dần sang hình thức bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng tại Việt Nam nhưng vẫn còn một lượng lớn người tiêu dùng trung thành với các sản phẩm đến từ nhà phân phối. Tuy nhiên trước bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, lạm phát, đồng USD tăng giá dẫn đến áp lực chi phí đầu vào, việc liên tục giảm giá ưu đãi để giữ chân người tiêu dùng cũng sẽ là một bài toán khó cho các doanh nghiệp, nhà phân phối sản phẩm nhập khẩu. Liệu còn có lối đi nào cho các nhà phân phối Việt?