![]() |
Vỏ quýt phơi khô làm dược liệu trần bì |
Trần bì và hương phụ là hai vị thuốc dân dã, rất hiệu quả và an toàn từ xưa tới nay. Trần bì là vỏ quýt phơi khô. Hương phụ là loài cỏ gấu khó diệt, có bộ rễ chằng chịt bám sâu trong đất, phát triển khắp mọi nơi.
Trần bì (vỏ quýt) và hương phụ (củ gấu) là hai vị thuốc trong nhóm thuốc hành khí giải uất, có tác dụng chữa khí trệ ở tỳ (lá lách) và khí uất kết ở can (gan). Mỗi vị thuốc này có mức độ, tính chất, tác dụng và ưu tiên chữa bệnh khác nhau.
Trần bì nghiêng nhiều về chữa bệnh cho nam giới tốt hơn, còn hương phụ lại nghiêng nhiều về chữa các bệnh cho nữ giới tốt hơn. Tuy nhiên, có những khi cần thiết thì cả hai vị thuốc này đều có thể dùng chữa bệnh cho cả nam và nữ.
![]() |
Củ của cây cỏ gấu được thu hoạch làm dược liệu hương phụ |
Nam bất thiểu trần bì
Theo đông y, cơ thể con người có hai phần đặc biệt quan trọng, bảo đảm cho sự sống đó là phần khí (thuộc dương) và phần huyết (thuộc âm). Nam giới thuộc dương và nam giới thường thích ăn các đồ cay nóng, các món chiên xào, dai, rắn, xương xẩu, béo ngậy, đắng, ngọt...
Nam giới cũng hay uống rượu, bia và hay dùng các chất kích thích như chè, cà phê, thuốc lá, thuốc lào... mà theo đông y, những đồ ăn thức uống như thế, nếu dùng quá độ dễ làm cho tỳ vị bị hư tổn, không làm chủ được vận hóa thức ăn. Thức ăn bị đình trệ lâu ngày, hóa thành thấp, rồi sinh ra đờm. Vào những ngày thời tiết lạnh càng ảnh hưởng nhiều đến hệ hô hấp, khiến họ cảm thấy như trong họng lúc nào cũng vướng đờm, khó thở.
Nói đến trần bì thì đó là vị thuốc có vị cay, tính ôn, không độc. Quy vào kinh phế, can, tỳ, vị. Tác dụng: hạ khí, trừ ho, trừ bàng quang nhiệt, lợi tiểu tiện, chống buồn nôn, cầm ỉa chảy.
![]() |
Nữ bất ly hương phụ
Cũng theo đông y, nữ giới lấy huyết làm gốc. Những vấn đề liên quan tới phụ nữ như: kinh nguyệt, huyết trắng, mang thai, sinh đẻ đều mất huyết, nếu cơ thể yếu thì rất dễ sinh bệnh. Cổ nhân có câu: Phụ nữ khí thường hữu dư, huyết thường bất túc (nghĩa là ở người phụ nữ, thừa khí nhưng thiếu máu). Bình thường phụ nữ đã ở trạng thái huyết không đủ, khí lại thừa nghĩa là khí huyết không điều hòa, mà khi khí huyết không điều hòa thì có thể gây bệnh.
Hương phụ vị cay, hơi đắng, ngọt hậu, tính bình, bổ vào kinh can và tam tiêu. Hương phụ có tác dụng sơ can lý khí, điều kinh chỉ thống.
Hiểu nôm na, Hương Phụ rất bổ cho huyết, có khả năng điều hoà khí trong cơ thể nữ giới, giúp hỗ trợ Rối loạn chu kì kinh nguyệt; Màu kinh đen, xấu; Khí hư nhiều, hôi; Đau bụng kinh trước, và trong kỳ kinh; Giảm lạnh tay chân, tiêu tan hàn khí; và thêm nhiều vấn đề của chị em phụ nữ khác.
Thế nên, tiền nhân mới có câu đó: nữ bất ly hương phụ.
Cây hương phụ dùng cả thân rễ và củ. Không có sẵn loại tươi thì dùng khô
![]() |
Một số cách dùng bài thuốc có trần bì, đơn giản và hiệu quả
Chữa đầy bụng khó tiêu: Lấy vài miếng trần bì, rửa qua nước ấm cho sạch, bỏ vào cốc nước sôi, hãm trong 15 - 20 phút là có thể dùng được. Chú ý chỉ uống nước lúc còn đang nóng, bỏ bã.
Trị ho viêm họng, viêm phế quản nhẹ: Vỏ quýt khô 6g, cát cánh 6g, lá tía tô 6g, cam thảo 4g, sắc uống trong ngày.
Trị ho mất tiếng: Vỏ quýt khô 12g, thêm nắm lá húng chanh, vài miếng vỏ cây hoa hòe, sắc với 200ml nước còn 100ml thêm chút đường hoặc mật ong, chia uống nhiều lần trong ngày, từng ngụm nhỏ ngậm lâu trong miệng và nuốt dần từng ít một.
Trị ho có đờm (do cảm lạnh): Trần bì 6g, bạch linh 12g, bán hạ chế 6g (loại bán hạ mua ở hiệu thuốc nam bắc đã được bào chế), cam thảo 4g, gừng tươi 2 lát, sắc uống ngày 1 thang.
Các món ăn có vỏ quýt
Vỏ quýt dùng làm gia vị: Món rươi thì nhất thiết không thể thiếu vỏ quýt, nhưng nếu ta dùng vỏ quýt khô sao vàng cho thật thơm rồi tán nhỏ cho vào thì có mùi thơm đặc trưng (Thực chất rươi là món ăn giàu đạm, có tính chất hàn, đàm và hay gây dị ứng nên các cụ xưa đã dùng vỏ quýt, vừa tiêu thực, vừa giải độc, vừa tạo mùi thơm, át đi vị tanh của rươi nên rất hợp khẩu vị).
Đôi khi không có rươi mà ta muốn có hương vị rươi thì chỉ cần băm thịt vai lợn, đánh với trứng gà, hành băm, hạt tiêu và thêm bột vỏ quýt sao vàng rồi đem chiên là được món giả rươi rất ngon.
Vỏ quýt dùng tra vào món thịt kho tầu cũng tạo mùi vị thơm ngon khác biệt.
Các món ăn có dùng vỏ quýt vừa dễ tiêu hóa vừa không bị đầy bụng hoặc không bị đi ngoài.
Chú ý: Những người ho khan, âm hư không có đờm không nên dùng trần bì.
![]() |
Một số cách dùng bài thuốc có hương phụ, đơn giản và hiệu quả
Trị đầu đau do khí uất lên: hương phụ (sao) 160g, xuyên khung 80g, cam thảo 40g, thạch cao 10g. Tán bột, mỗi lần uống 8g với nước ấm.
Trị kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm tử cung mãn tính, các bệnh phụ nữ hay gặp trước và sau khi sinh nở: Hương phụ 20g, ích mẫu 15g, ngải diệp 10g, nhân trần 15g, đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, chia uống trong ngày. Nếu khó uống có thể thêm chút đường đỏ. Mỗi đợt có thể uống từ 5 - 7 ngày, tùy vào mức độ nặng nhẹ.
![]() |
Món ăn chữa bệnh có hương phụ: Dùng cho các trường hợp đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt, kinh kéo dài 5 - 7 ngày hoặc 10 ngày, lượng ít, đau bụng dưới.
Ngải cứu 12g, diên hồ sách 12g, hương phụ 10g, gừng tươi 15g gọt vỏ ngoài. Bốn thứ dược liệu rửa sạch cho vào túi vải, đập giập.
Thịt bò 150g làm sạch thái lát.
Tất cả cho vào nồi thêm nước, đun nhỏ lửa cho chín nhừ, bỏ túi bã thuốc, thêm gia vị cho vừa miệng. Ăn trong ngày, ăn liên tục 5 - 7 ngày.
Lưu ý: Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các dược liệu trên để chữa bệnh. Trong trường hợp khi dùng có biểu hiện bất thường về sức khỏe, cần ngưng dùng và tham khảo ý kiến chuyên môn.