Cỏ Nhọ nồi hay còn gọi là cây Cỏ Mực, mặc hán liên, hạn liên thảo. tên khoa học là Eclipta prostrata, họ nhà Cúc Asteraceae là loài cây được sử dụng từ rất lâu trong nhiều bài thuốc truyền thống ở các nước châu Á, và có công dụng điều trị các bệnh lý về gan, tiêu hoá, nhiễm trùng…Một số nơi còn dùng cỏ mực trong lĩnh vực mỹ phẩm hoặc dùng làm thuốc nhuộm tóc.
Về đặc điểm có kích thước 30 - 40cm, thân cây có màu lục hoặc đỏ tía, phình lên ở những mấu, có lông cứng, lá mọc đối, gần như không cuống lá, mép khía răng rất nhỏ và hai mặt lá có lông.
Theo Y học cổ truyền
Cỏ Mực có tác dụng lương huyết chỉ huyết, tư âm bổ thận. Dùng trị các chứng xuất huyết, thổ huyết, khái huyết, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, trĩ ra máu, băng huyết, chữa đau dạ dày, lá trị hạ sốt.
Theo y học hiện đại
Cây cỏ Mực có nhiều tinh dầu, Carotene, Alcaloid,... có tác dụng cầm máu và phòng ngừa nhiễm trùng hiệu quả.
Các bộ phận dùng làm thuốc
Khi sử dụng để làm thuốc có thể dùng cây tươi, hoặc cây khô. Nếu dùng khô, trước khi cây ra hoa, bạn cần cắt lấy hết toàn bộ bộ phận trên mặt đất, phơi khô. Khi dùng thì rửa sạch lại, để ráo nước, cắt đoạn 3 – 5 cm, phơi khô. Tùy theo yêu cầu sử dụng có thể sao qua hoặc sao cháy để tăng tác dụng cầm máu của vị thuốc.
Một số bài thuốc từ cây Cỏ Mực
Thanh nhiệt lương huyết, cầm máu, trị chat máu cam, táo bón, viêm mũi dị ứng: Cỏ nhọ nồi 12g, đan bì 9g, sinh địa 12g, trắc bách diệp 12g, tri mẫu 9g, tiên hạc thảo 12g, hỏa ma nhân 12g, rễ cỏ tranh 15g và hoàng cầm 9g. Sắc uống ngày một thang thuốc.
Chữa tiểu đường thể trạng suy nhược: Cỏ nhọ nồi 10g, lư căn tươi 30g, ô mai 5 quả, mạch môn đông 10g, ngọc trúc 10g, nam sa sâm 10g, nữ trinh tử 10g. Sắc thuốc mỗi ngày uống một thang.
Thuốc bổ âm điều kinh nguyệt: Cỏ nhọ nồi 12g, thanh hao 10g, nguyên sâm 10g, sinh địa 15g, bạch thược 10g và đan sâm 10g. Sắc mỗi ngày uống ngày một thang thuốc.
Chữa xuất huyết tử cung: Cỏ nhọ nồi 30g,bạch thược 15g, thục địa 15g, hoàng kỳ 60g, sinh địa 15g, kinh giới sao 10g, thăng ma 6g, phúc bồn tử 15g và nữ trinh tử 15g. Sắc uống ngày một thang thuốc.
Lưu ý khi sử dụng cây cỏ Mực
Người viêm đại tràng mãn tính, đại tiện phân lỏng, sôi bụng không nên dùng cỏ nhọ nồi.
Đối với phụ nữ mang thai thì cỏ nhọ nồi không gây giãn mạch, không hạ huyết áp, nhưng có thể gây sảy thai.
Nên tham vấn ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc có chuyên môn trước khi sử dụng cây cỏ Mực (nhọ nồi) để chữa bệnh.