Cây sim, hay cây hoa sim còn có nhiều tên gọi khác như Dương lê, nẫm tử, sơn nẫm, cương nẫm, đào kim nương, hồng sim. Cây có tên khoa học là Rhodomyrtus tomentosa Wight, thuộc họ Sim (Myrtaceae).
Cây hoa sim có nguồn gốc từ khu vực Nam Á và Đông Nam Á, thường sống ở rừng núi, ven sông suối. Cây sim có ở một số nước như Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Sulawesi và Việt Nam. Ở Việt Nam có thể tìm thấy cây sim mọc hoang hoặc được trồng để làm cây cảnh và làm thuốc.
Cây sim là loại cây bụi thường xanh cao khoảng 2m, có lông dày, ngắn. Lá có màu xanh lục, lá đơn, mọc đối, có hình elip hoặc ô van. Lá sim dàu khoảng 5-9cm và rộng 2-5cm. Cuống lá dài 3-6cm. Mặt trên lá bóng nhẵn với 3 gân dọc khá rõ xuất phát từ phía gần cuối cuống lá. Mặt dưới lá có lông màu trắng hoặc hơi vàng.
Hoa sim thường mọc lẻ hoặc thành chùm 3 hoa ở phía kẽ cuống lá. Hoa sim có màu tím, mỗi hoa có 5 cánh hình trứng rộng. Hoa sim thường nở rộ vào mùa hè. Quả sim là dạng quả mọng, khi chín có màu tím đen. Vỏ quả dày 1mm, thịt quả ngọt.
Cây sim không chỉ có tác dụng dùng làm thuốc chữa bệnh mà còn được ưa chuộng về mặt thẩm mỹ. Hoa và quả sim với sắc tím rực rỡ đẹp mắt được rất nhiều người yêu thích và trở thành một loại cây cảnh độc đáo. Thân cây nhiều tán, xòe rộng xum xuê và thấp nên rất phù hợp với sân vườn gia đình Việt. Hơn nữa do có tính lành, nhiều hoa nên việc trồng sim rừng sẽ thu hút nhiều ong bướm giúp khu vườn thêm sinh động.
Theo Đông y, quả sim có vị ngọt, chát, tính bình có tác dụng hành huyết, chỉ huyết, bổ huyết, hoạt lạc. Thường dùng trong trường hợp suy nhược cơ thể, thiếu máu do mất máu, thiếu máu do thai nghén, người yếu mệt sau khi có bệnh, suy nhược thần kinh, ù tai, di tinh.
Nụ sim có vị ngọt, chát, tính bình, tác dụng làm cầm máu, trừ nhiệt độc, tiêu mủ, chỉ tả. Dùng chữa tiêu chảy, kiết lỵ.
Rễ sim có vị ngọt, hơi chua, tính bình, tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt lạc, thu liễm, cầm máu, chỉ tả. Thường được dùng chữa phong thấp, đau nhức các khớp xương, đau lưng, viêm gan truyền nhiễm, lỵ, viêm dạ dày – ruột cấp tính, ăn uống không tiêu, băng huyết, lòi dom (thoát giang).
Các bài thuốc từ cây sim
Lòi dom (trực tràng lòi ra ngoài hậu môn): Quả sim tươi 30 – 60g (khô 10 – 20g), nấu chung với bao tử heo, nêm gia vị vừa ăn, dùng ăn trong bữa cơm.
Chữa bỏng từ cao lá sim: Lá sim được sử dụng chế thành thuốc cao, dùng chữa bỏng có kết quả rất tốt. Cao lá sim không gây xót, giảm đau nhanh, chống loét lây lan, làm vết thương sạch khô và mau lành.
Cách làm: lá sim 1kg, rửa sạch, băm nhỏ, nấu với 20 lít nước, nấu nhiều lần rồi cô thành 250g cao.
Ngày bôi nhiều lần vào chổ bỏng, thường chỉ dùng khoảng 10 - 12 ngày là có kết quả.
Chữa tiêu chảy do lạnh: Nụ sim 8 - 10g, gừng tươi (nướng cháy sém vỏ ngoài) 8 - 10g, củ riềng 10 - 12g, củ sả 10 - 12g. Tất cả sao chín, nấu với 500 ml nước, sắc còn 200 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Chữa tiêu chảy do nhiệt: Nụ sim 8 - 10g, búp chè 12 - 16g. Hai thứ rửa sạch, nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Chữa kiết lỵ: Nụ sim 20-30g, nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Viêm gan truyền nhiễm cấp tính: Rễ sim khô 30g, nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống sau bữa ăn. Mỗi liệu trình 20 ngày.
Nếu vàng da nặng, thêm các dược liệu: cốt khí củ, nhân trần, bạch hoa xà thiệt thảo mỗi thứ 15g, kê cốt thảo 30g, nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống sau bữa ăn.
Phong thấp, các khớp xương đau nhức: rễ sim khô 60g, sắc lấy nước, hòa với ít rượu để uống.
Đau lưng, phong thấp, nhức mỏi các khớp: rễ sim 30g, rễ cỏ xước 10g, lá lốt 10g, thổ phục linh 12g, ngũ gia bì (hoặc thiên niên kiện) 12g, rễ tranh 10g. Nấu với 750 ml, sắc còn 200 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Lưu ý: Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các thông tin trên để chữa bệnh. Nếu trong quá trình sử dụng có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần dừng lại và tham khảo ý kiến bác sĩ.