Vỏ quả lựu tưởng chừng bỏ đi nhưng theo nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại, vỏ lựu lại có nhiều lợi ích đáng ngạc nhiên với sức khỏe như
Giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính
Vỏ quả lựu có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim và tiểu đường.
Nghiên cứu cho thấy bổ sung 1.000 mg chiết xuất vỏ quả lựu đã cải thiện lượng cholesterol và lượng đường trong máu ở những người thừa cân và béo phì.
Một nghiên cứu khác cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, nếu dùng 500 mg chiết xuất vỏ quả lựu đã cải thiện về huyết áp, cholesterol và cả mức đường huyết, theo Healthline.
Cải thiện chức năng não
Vỏ quả lựu có nhiều chất chống oxy hóa, nên có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống ở những người bị bệnh Alzheimer.
Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp
Một nghiên cứu cho thấy punicalagin có trong vỏ quả lựu, có thể ức chế tình trạng viêm khớp và tổn thương sụn ở chuột thí nghiệm bị viêm khớp.
Chống ung thư
Vỏ quả lựu chứa hàm lượng cao punicalagin, một loại polyphenol đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có đặc tính chống ung thư.
Trong một nghiên cứu, chiết xuất vỏ quả lựu được phát hiện là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt vì nó có khả năng làm chết các tế bào ung thư.
Đối với các tế bào ung thư vú, miệng và đại tràng, vỏ lựu cho thấy có tác dụng chống tăng sinh, có nghĩa là nó giúp làm chậm hoặc ngăn chặn sự lây lan của các tế bào ung thư, theo Healthline.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy vỏ quả lựu có thể có lợi cho bệnh ung thư gan và có đặc tính bảo vệ gan nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao.
Kháng khuẩn
Nghiên cứu cho thấy súc miệng bằng nước pha bột vỏ quả lựu giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám.
Chiết xuất vỏ quả lựu có hoạt tính kháng khuẩn mạnh và một số nghiên cứu cho thấy nó có thể giúp điều trị các bệnh về răng và nướu.
Một lợi ích khác của các đặc tính kháng khuẩn này là khả năng giúp chữa lành vết thương và chống nhiễm trùng.
Vỏ quả lựu có thể được phơi khô và ngâm trong nước nóng và uống như trà! |
Vị thuốc vỏ lựu
Trong các tài liệu Đông y, Vỏ lựu thường được chủ trị trong các bệnh liên quan đến đường ruột như:
Làm săn niêm mạc ruột, chỉ huyết, chữa hoạt tả, băng lậu, khí hư, đới hạ.
Chữa kiết lỵ lâu ngày, sát trùng, đau bụng, khu trùng, trừ sán.
Trị lao phổi, viêm phế quản mạn tính ở người già, tiêu hóa kém, đau bụng, tiêu chảy.
Chữa viêm loét trong miệng, sâu răng, khô miệng, loét lưỡi.
Chữa sỏi thận, ghẻ ngứa, trẻ nhỏ da viêm loét.
Một số bài thuốc từ vỏ lựu
Chữa đau bụng, lỵ: Đây là bài thuốc thường được áp dụng nhất từ vỏ lựu bởi có tác dụng nhanh chóng. Lấy 5g thạch lựu bì, 10g sơn tra, đem tất cả đi nghiền thành bột mịn. Đem chia làm 2 lần uống trong ngày, dùng thêm nước đã đun sôi pha đường đỏ để chiêu thuốc. Kiên trì áp dụng trong 1 tuần.
Trị trĩ loét chảy máu: Trong Đông y, có thể áp dụng bài thuốc trị trĩ loét bằng cách xông rửa từ bên ngoài, giúp búi trĩ co lại và ngừa sưng, viêm, chảy máu. Cách áp dụng khá đơn giản như sau: Lấy 50 – 100g vỏ quả lựu, đem sắc lấy nước, rồi đem xông rửa hậu môn.
Chữa viêm loét dạ dày: Đun sôi 100ml nước sau đó cho 10gvor lựu khô vào đun khoảng 20- 30 phút đến khi các chất trong vỏ lựu được hòa tan. Khi uống thì chia đều nước thành 4 phần, mỗi phần 25ml, uống vào các buổi trong ngày, nên uống trước khi ăn. Uống liên tục 7 ngày để thuốc phát huy tác dụng.
Chữa ho, đau họng: Cách sử dụng vỏ lựu để trị ho, đau họng khá đơn giản. Đun sôi vỏ lựu lấy nước để súc miệng hằng ngày. Kiên trì áp dụng trong vòng 1 tuần sẽ không còn ho và đau họng.
Trị mề đay, mẩn ngứa do nhiệt: Kết hợp vỏ quả lựu với một số nguyên liệu khác để đạt hiệu quả tốt nhất. Vỏ quả lựu tươi, bồ công anh, ké đầu ngựa, bèo cái, hà thủ ô, thổ phục linh mỗi vị 12g, thuyền thoái, cam thảo đất (cam thảo nam) mỗi vị 8g. Cho tất cả các vị vào nồi ngâm với 750ml nước trong 15 phút, sắc còn 200ml. Sau đó chia làm 2 lần uống trước bữa ăn.
Chữa tiêu chảy, tiểu ra máu: Vỏ lựu chứa chất tannin có tác dụng cầm tiêu chảy rất tốt. Dùng 15g vỏ lựu nấu với 750ml nấu còn 250ml chia ra làm 3-4 lần uống trong ngày, uống đến khi khỏi bệnh.
Chữa trị thoát giang (sa trực tràng): Thoát giang hay còn gọi là trĩ – tình trạng gây ra đau đớn và bất tiện trong sinh hoạt cho người bệnh này có thể điều trị hiệu quả nhờ dùng vỏ lựu. Sử dụng 10g thạch lựu bì, 10g thiến thảo, 1 chén con rượu, đem tất cả đi sắc uống trong ngày. Kiên trì áp dụng bài thuốc này trong 2 tháng.
Trị gàu: Sử dụng lựu trị gàu là một trong những phương pháp tự nhiên dễ làm và hiệu quả. Lấy bột vỏ lựu trộn đều với dầu dừa ấm rồi bôi lên da đầu khoảng 15 phút sau đó gội đầu với nước lạnh. Hiệu quả của phương pháp này được phát huy ngay lập tức. Kiên trì áp dụng trong thời gian dài sẽ giúp tình trạng gầu ngứa thuyên giảm.
Điều trị ghẻ ngứa: Vỏ lựu có tính sát trùng, sát khuẩn khá cao, có thể sử dụng trong điều trị các bệnh ngoài da. Lấy vỏ quả lựu sắc để ngâm, tán bôi lên chỗ tổn thương. Có thể đem ngâm với rượu hoặc cồn để tăng hiệu quả sát khuẩn ở những vùng ghẻ, ngứa.
Giúp tẩy giun đũa, giun kim: Vỏ lựu chứa những thành phần có tính sát khuẩn cao nên có thể dùng làm bài thuốc tẩy giun khá an toàn và hiệu quả. Vỏ lựu 15g, bing lang 10g, nấu cô đặc lại còn 100ml, thêm chút đường, uống vào buổi tối trước khi đi ngủ, uống liên tục trong vòng 3 ngày.
Lưu ý: Người dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng, không tự ý sử dụng, tránh gây hại đến sức khỏe.