Nấm vân chi cung cấp nhiều thành phần rất tốt cho sức khỏe con người được trồng thành công tại Vĩnh Phúc. |
Trồng nấm vân chi cho lợi nhuận cao
Bắt đầu trồng nấm vân chi từ năm 2018, xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học, tới nay Trung tâm ứng dụng và đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục mở rộng quy mô và chuyển giao công nghệ trồng loại nấm dược liệu này.
Thông tin từ Trung tâm cho biết, thời vụ trồng nấm vân chi bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Trồng nấm vân chi không quá phức tạp nhưng nếu không nắm rõ quy trình kỹ thuật thì khó thành công. Bởi vậy trong sản xuất luôn phải tuân thủ từng công đoạn, từ nguyên vật liệu, giống, sấy hấp, chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm, các tiêu chí về nhiệt độ, ánh sáng.
Mô hình trồng nấm Vân chi tại Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc. |
Sau 3 tháng nuôi trồng nấm vân chi bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Với 1 tấn nguyên liệu cho thu hoạch 19,7 kg nấm vân chi khô, giá bán 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/kg, cao hơn gấp 1,5 lần sản xuất nấm dược liệu linh chi và gấp 5-7 lần so với sản xuất nấm sò và nấm mộc nhĩ.
Trên diện tích 1.000 m2, Trung tâm tư xây dựng mô hình nhà nuôi trồng nấm vân chi và các giàn treo bằng sắt kiên cố, giàn hấp bịch phôi, cùng nhiều máy móc thiết bị hiện đại để xây dựng một quy trình khép kín, quy mô 20 tấn nguyên liệu/năm.
Các nhà nuôi trồng đều lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, thời gian tưới, lượng nước tưới được cài đặt tự động, đảm bảo ẩm độ không khí cho nấm sinh trưởng và phát triển.
Quá trình đóng bịch, khử trùng, cấy giống, ươm sợi trồng đến khi thu hoạch không sử dụng thuốc kích thích, chất bảo quản, tưới bằng nguồn nước sạch nên nông sản loại bỏ được sâu bệnh ngay từ đầu, sản phẩm cung cấp ra thị trường luôn sạch, an toàn vệ sinh.
Nhờ sản xuất theo quy trình chuẩn, đảm bảo an toàn, nên đến nay thị trường tiêu thụ nấm của Trung tâm ngày càng được mở rộng ra các tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh đó, chất thải từ các bịch nấm đã sử dụng, được tái tạo lại để phục vụ cho việc sản xuất phân bón vi sinh phục vụ cho việc trồng trọt và sản xuất các loại cây rau màu khác từ đó giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nấm vân chi là dược liệu quý cho người mắc ung thư
Nấm Vân chi, còn gọi là Nấm đuôi gà tây, tên khoa học là Coriolus Versicolor, là một loại nấm dược liệu đã được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới nhờ những đặc tính tăng cường chức năng miễn dịch, như một loại thuốc tự nhiên cung cấp các đặc tính chống vi khuẩn, virus mạnh mẽ.
Trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, các nhà khoa học về y hoc tự nhiên đã có nhiều công trình nghiên cứu về Nấm Vân chi (Coriolus Versicolor) và đã đưa ra kết luận về khả năng tăng hệ miễn dịch mạnh mẽ, giúp cải thiện sức khoẻ cho bệnh nhân đã và đang trải qua hoá xạ trị, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Quy trình đưa nấm vân chi vào sấy khô. |
Nấm vân chi hỗ trợ tăng cường và kích hoạt một cách tự nhiên “các tế bào sát thủ tự nhiên” hay còn gọi là NK (Natural killer cell). Đây là những tế bào miễn dịch cung cấp một phản ứng bảo vệ nhanh chóng chống lại sự phát triển của khối u và các tế bào bị nhiễm virus, hoạt động nhanh hơn nhiều so với các tế bào khác nhờ khả năng xác định các tế bào bị tổn thương và mầm bệnh. Bởi vì mức độ tế bào NK giảm đáng kể sau khi xạ trị và hóa trị liệu, nên chiết xuất từ Nấm Vân chi được coi là phần đặc biệt hỗ trợ bổ sung khi trải qua các liệu trình như vậy.
Nấm vân chi có thể được sử dụng dưới dạng trà, bột hay chiết xuất dạng viên nang. Nhưng cách tốt nhất và hiệu quả nhất để sử dụng loại nấm này được các nhà khoa học khuyến nghị là sử dụng các chất chiết xuất nước nóng ở dạng viên nang bột, bởi vì các chitin (các chất xơ cứng) đã được loại bỏ, qua đó giải phóng được tối đa hoạt chất có lợi polysaccharide (PSK, PSP, VPS).
Từ việc nuôi trồng thành công nấm dược liệu vân chi, Trung tâm ứng dụng và đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc đang tiến hành chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên mở rộng quy mô sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu thị trường, mở rộng nhà xưởng, công nghệ sấy, đóng gói, chế biến sản phẩm để đưa các sản phấm nấm vân chi vào thị trường tiêu thụ quanh năm./.