Hội chợ Hàng Việt Nam 2025: Đồng hành cùng doanh nghiệp trong kỷ nguyên số Hàng Việt gặp 'sóng lớn' và chiến lược vượt khó Tin vui cho hàng Việt Nam đang trên đường đến Mỹ |
Doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi
![]() |
WinMart với không gian mua sắm mới mẻ kết hợp cùng các chương trình ưu đãi lớn thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. |
Trước đây, người tiêu dùng thường phải đến siêu thị hoặc chợ truyền thống để mua các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, nước xả vải, mì tôm hay gạo. Tuy nhiên, hiện nay thói quen tiêu dùng đã dần thay đổi khi ngày càng nhiều người lựa chọn mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa hiện đại. Chị Nguyễn Mai Lan – cư dân tổ 12, phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy) – chia sẻ: “Tôi thường xuyên mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini gần nhà. Sau khi so sánh về giá cả và chất lượng, tôi nhận thấy giá không chênh lệch nhiều so với ngoài chợ, nhưng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng hơn. Điều tôi ưng ý nhất là sự an tâm khi không phải lo mua phải hàng giả, hàng nhái, cùng với thời gian mở cửa đến hơn 22h mỗi ngày, rất tiện cho người đi làm về muộn như tôi.”
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kênh bán lẻ hiện đại hiện mới chỉ chiếm khoảng 22% tổng doanh thu thị trường bán lẻ, trong khi phần lớn vẫn đến từ các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa và đại lý, chiếm tới 78% thị phần. Nhận thấy tiềm năng lớn này, nhiều tập đoàn bán lẻ trong nước như Co.op Mart, Satra Foods, WinMart+… đang tăng cường đầu tư, mở rộng hệ thống. Thông tin từ WinCommerce – đơn vị vận hành hệ thống siêu thị WinMart – cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, doanh nghiệp đã đưa vào hoạt động thêm 184 cửa hàng WinMart+, nâng tổng số điểm bán lên 4.000 cửa hàng trên toàn quốc, với mục tiêu phục vụ gần 65 triệu dân tại khu vực nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Phương – Giám đốc WinCommerce – chia sẻ: “Mô hình WinMart+ Rural giúp chúng tôi tiếp cận tiềm năng tiêu dùng lớn tại khu vực nông thôn, nơi hệ thống bán lẻ hiện đại còn thiếu. Chiến lược sắp tới là mỗi quận/huyện sẽ có ít nhất một siêu thị WinMart; mỗi xã/phường có một mini-mart, và mỗi thôn, tổ dân phố đều có điểm bán WiN+. Chúng tôi đặt mục tiêu đạt 10.000 cửa hàng VinMart trên toàn quốc, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm từ cơ bản đến cấp thiết của người dân.”
Không đứng ngoài cuộc, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động cũng đã nhanh chóng mở rộng hệ thống siêu thị mini Bách Hóa Xanh. Riêng quý I/2025, công ty đã khai trương thêm 94 cửa hàng, nâng tổng số lên 1.849 điểm bán trên toàn quốc. Ông Vũ Đăng Linh – Giám đốc Tài chính Thế Giới Di Động – cho biết, chuỗi Bách Hóa Xanh hiện chiếm hơn 30% doanh thu toàn tập đoàn và là động lực tăng trưởng chủ lực. Trong năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 48.000 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục mở thêm 200-400 cửa hàng, đặc biệt chú trọng vào khu vực miền Trung.
Tương tự, Saigon Co.op cũng không ngừng mở rộng mạng lưới, hiện đã có gần 800 cửa hàng tiện lợi Co.op Food hoạt động trên cả nước. Không chỉ ngành hàng tiêu dùng, mảng điện máy cũng đang bùng nổ. Theo ông Phạm Quốc Bảo Duy – Giám đốc ngành hàng điện máy FPT Shop – nếu như tháng 8/2024 hệ thống mới có 10 cửa hàng thì đến nay đã tăng lên 80. Dự kiến đến cuối năm 2025, FPT Shop sẽ có khoảng 200 cửa hàng điện máy, thậm chí có thể nâng lên 250 nếu tình hình thuận lợi.
Hàng Việt hưởng lợi từ làn sóng mở chuỗi bán lẻ
![]() |
Khách hàng mua sắm tại hệ thống cửa hàng siêu thị của WinCommerce. |
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, việc mở rộng các điểm bán lẻ hiện đại đang góp phần kích thích sức mua nội địa. Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, riêng bán lẻ hàng hóa chiếm 4.921 nghìn tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2025, con số này đã đạt 2.285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Hương – Cục trưởng Cục Thống kê – nhận định: “Khu vực dịch vụ, đặc biệt là bán lẻ, vẫn là điểm sáng trong năm 2025. Thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng khi thu nhập người dân ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng, và tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam đang ở mức cao trong khu vực.”
Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước – cho rằng: “Trong quá trình phát triển chuỗi bán lẻ, các doanh nghiệp đã chú trọng tiêu thụ hàng Việt, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước. Hiện nay, hàng Việt chiếm từ 85% đến 90% trên các kệ siêu thị, cửa hàng tiện lợi.”
Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam – bà Trần Thị Phương Lan – nhấn mạnh: “Mỗi cửa hàng tiện lợi chính là một kênh kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Việc mở rộng hệ thống bán lẻ không chỉ giúp doanh nghiệp phân phối nhanh hơn mà còn hỗ trợ họ nắm bắt nhu cầu thực tế để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để hàng Việt phủ sóng sâu hơn vào đời sống.”
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Kiều Oanh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho biết: “Hệ thống cửa hàng tiện lợi là cầu nối hiệu quả để tiêu thụ hàng hóa trong nước. Thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, đặc biệt là chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi.”