Măng cụt (tên khoa học là garcinia mangostana) là một loại trái cây nhiệt đới được trồng chủ yếu ở Đông Nam Á. Hiện nay nó được trồng ở các vùng nhiệt đới của Đông Ấn, Ấn Độ, Trung Quốc và Sri Lanka.
Măng cụt không chỉ ngon mà còn cực kỳ tốt cho sức khỏe, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết. Y học cổ truyền sử dụng cùi, nước ép và vỏ của nó để điều trị các rối loạn viêm mãn tính. Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy loại quả này có đặc tính chống oxy hóa, chống ung thư, chống viêm và kháng khuẩn mạnh.
Trong 100 gam măng cụt (196 gam) có chứa: Calo: 60g; Tinh bột: 14,3 gam; Chất xơ: 0,8 gam; Chất béo: 0,1 gam; Chất đạm: 0,5 gam... Các vitamin và khoáng chất của măng cụt rất cần thiết cho các hoạt động của cơ thể, bao gồm tổng hợp DNA, co cơ, chữa lành vết thương, miễn dịch và kích thích thần kinh.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng(Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), quả măng cụt có tên khoa học là Garcinia mangostana L., có vị chát, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ, có tác dụng trị tiêu chảy, kiết lỵ, rối loạn kinh nguyệt…
Công dụng của măng cụt
Theo y học cổ truyền, măng cụt có vị ngọt, tính bình. Công năng kiện tỳ, dưỡng can, ích thận, sáp tinh, lợi ngũ tạng.
Ngoài ra, măng cụt còn hỗ trợ làm giảm mệt mỏi, phòng bệnh tim mạch, giúp giảm cân, chống lão hóa; hỗ trợ giảm huyết áp, giữ cân bằng dịch vị trong dạ dày.
Măng cụt làm dịu chứng hen suyễn, phòng ngừa đái tháo đường, giúp hưng phấn tinh thần, hỗ trợ giảm cholesterol...
Lưu ý: Không ăn loại để lâu múi ngả màu vàng, dễ bị ủng thối không lợi cho sức khỏe.
Món ăn bài thuốc từ măng cụt
Chữa suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, mệt mỏi ăn kém: Măng cụt chín mỗi lần ăn 3 - 5 quả, ăn hằng ngày.
Đau bụng đi ngoài, nôn mửa: Dùng vỏ măng cụt phơi tẩm rượu sao vàng tán nhỏ cho vào lọ. Mỗi lần dùng 1 thìa canh, uống với nước ấm.
Giúp giảm cân: Măng cụt chứa nhiều chất xơ, nước, các kháng thể xanthones giúp hỗ trợ giảm cân. Sinh tố măng cụt là món ăn ngon, mát lạnh, thích hợp giải khát trong những ngày nắng nóng. Với thành phần chính là măng cụt và chanh, sinh tố măng cụt còn có hiệu quả tuyệt vời trong việc giảm cân.
Chữa đau bụng đi ngoài, lỵ, vàng da (hoàng đản): Cho chừng 10 vỏ quả măng cụt vào một nồi đất hay nồi đồng (tránh nồi sắt hay nồi tôn) thêm nước vào cho ngập rồi đun sôi kỹ trong vòng 15 phút. Ngày uống 3 đến 4 chén to nước này.
Hoặc có thể dùng theo đơn sau đây: Vỏ quả măng cụt khô 60g, hạt mùi 5g, hạt thìa là 5g, nước 1200ml. Đun sôi, sắc kỹ cho cạn còn chừng một nửa (600ml). Mỗi lần uống 120ml. Uống mỗi ngày 2 lần.
Lưu ý khi sử dụng măng cụt
Không nên ăn quả măng cụt hoặc sử dụng dược liệu liên tục trong thời gian dài. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Mỹ cho thấy, tiêu thụ măng cụt trong 12 tháng liên tiếp có thể khiến cơ thể bị nhiễm axit lactic nghiêm trọng. Chất này tích tụ nhiều trong máu sẽ gây ra nhiều triệu chứng bất thường như buồn nôn, nôn ói, yếu người, dị ứng da, nổi mẩn ngứa, sốc hoặc thậm chí là gây nguy hiểm cho tính mạng.
Bệnh nhân đang chuẩn bị làm phẫu thuật không nên dùng măng cụt trong khoảng thời gian trước đó 2 tuần. Chất xanthones trong dược liệu có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu, làm vết mổ bị chảy máu nhiều.
Đảm bảo dược liệu được sử dụng không bị nhiễm thuốc trừ sâu và chất hóa học độc hại. Sử dụng vỏ măng cụt sạch, biết rõ nguồn gốc xuất xứ để làm thuốc nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe.
Măng cụt có tính mát nên tránh ăn cùng lúc với các loại thực phẩm có đặc tính tương tự như dưa hấu, măng tây, dừa, dưa leo hay đậu tương.
Sử dụng dụng cụ bằng gỗ hoặc nồi đất để chế biến thuốc. Tránh dùng đồ kim loại
Bệnh nhân bị dị ứng với một trong các thành phần của măng cụt thì không nên dùng dưới mọi hình thức.