Loại quả ăn xanh ngon hơn ăn chín, giá nửa triệu đồng/kg cũng không có để mua Ngỡ ngàng trước vườn măng cụt cổ thụ nu sần sùi, cây trăm tuổi quả ngọt sai trĩu cành |
Nữ hoàng trái cây măng cụt có giá nửa triệu đồng/kg khi còn xanh. |
Măng cụt xanh cháy hàng giá trên nửa triệu đồng/kg
Vụ năm nay, măng cụt xanh đã gọt vỏ tăng giá từ 350.000 đồng lên 550.000 đồng một kg, được nhiều người chuộng tìm mua làm gỏi.
Trước đây, người tiêu dùng thường chỉ mua măng cụt đã chín về làm món tráng miệng. Hai năm trở lại đây, măng cụt xanh (chưa chín) lại là trái cây được người tiêu dùng miền Nam tìm mua để chế biến thức ăn.
Giá loại này tăng liên tục và trở nên đắt đỏ. Chị Thảo ở quận 6 (TP HCM), người hơn tuần nay đã bán hàng trăm kg măng cụt sống, cho biết giá một kg chưa gọt vỏ là 80.000 đồng, còn loại đã gọt vỏ 550.000 đồng. Mức này đang cao hơn 30% so với năm ngoái.
"Giá cao nhưng loại này đang 'hot' lắm. Mỗi ngày tôi chỉ có thể gọt được khoảng vài chục kg măng sống vì loại này sơ chế cầu kỳ và tốn thời gian", chị Thảo nói.
Ban đầu chỉ bán măng chín nhưng hơn tuần nay, chị Hồng ở quận 8 (TP HCM) cũng chuyển sang bán hàng sống vì khách hỏi nhiều hơn hàng chín.
Theo chị, chỉ trong một tuần, 200 kg măng cụt sống tại cửa hàng đã được khách đặt mua hết. Do sơ chế măng cụt sống lâu nên chị đã phải thuê thêm nhân viên. "5 kg măng cụt mới được 1 kg ruột, cộng thêm chi phí sơ chế nên tôi bán với giá 430.000 đồng. Giá cao nhưng luôn cháy hàng, thậm chí chỉ đủ hai phần ba khách đặt trước", chị Hồng nói.
Măng cụt xanh được các cửa hàng sơ chế để bán cho khách hàng ở TP HCM. |
Là đầu mối phân phối sỉ, chị Hạnh Thu ở Bình Dương, cho biết năm nay số lượng sỉ mua măng cụt xanh tăng vọt. Năm ngoái, lượng đặt hàng gọt vỏ chỉ khoảng 100-200 kg và hơn tấn hàng nguyên vỏ. Tuy nhiên, năm nay nhu cầu tăng gấp 5 lần. Do đó, chị phải chia đều các đơn để mối sỉ nào cũng có hàng bán.
"Nhiều sỉ đặt 200 kg nhưng tôi chỉ gửi được khoảng 80-100 kg vì hàng khan hiếm trong khi nhu cầu tăng cao", chị Hạnh Thu nói.
Măng cụt xanh hàng loại 1, nguyên vỏ, giá có thể lên tới 130.000 đồng một kg. Hàng bán ra hiện nay đa phần là hàng cắt tỉa những trái chưa đạt chuẩn trên mỗi cây hoặc hàng loại 3. Thông thường, tại các nhà vườn, mỗi cây họ sẽ cắt tỉa 1-2 kg không đạt chuẩn để dành dinh dưỡng cho những trái đạt chuẩn. Muốn mua với số lượng lớn, thương lái phải đi gom từng vườn.
Măng cụt xanh hút khách, theo chị Thu, vì đang có trào lưu kinh doanh và chế biến món măng cụt gỏi gà. Món này là đặc sản của vùng Đông Nam Bộ. Trước đây, chỉ khách du lịch mới được thưởng thức khi tới thăm quan các địa điểm có trồng măng cụt, nay được người tiêu dùng TP HCM tìm mua.
Măng cụt xanh được ưa chuộng để chế biến món gỏi gà. |
Trên thị trường, ngoài hàng xanh, măng cụt chín có 2 loại gồm hàng Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, măng cụt chín của Thái Lan có giá 70.000-100.000 đồng một kg, còn hàng Việt 100.000-120.000 đồng. Hiện, măng Lái Thiêu mới đầu mùa, sản lượng còn thấp nên giá cao hơn hàng Thái.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương, măng cụt đầu vụ giá tốt. Hiện nay măng cụt được trồng tập trung nhiều ở thành phố Thuận An và huyện Dầu Tiếng với số lượng khoảng 800 ha.
Măng cụt có vị chua chua ngọt ngọt, giá trị dinh dưỡng cao, giúp thanh nhiệt cơ thể, bổ sung vitamin rất được người dân ưa chuộng, thường được sử dụng trực tiếp như các loại trái cây khác sau bữa ăn hoặc có thể sử dụng để chế biến ra nhiều món ăn, thức uống khác.
Cách làm gỏi gà măng cụt món ăn gây sốt ngày nắng nóng
Gỏi gà măng cụt là món ăn quen thuộc của người dân miền Nam, nhất là khu vực miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, trong giai đoạn nắng nóng hiện nay, món ăn này trở thành khoái khẩu của nhiều người dân cả nước.
Măng cụt bạn nên chọn những trái vừa chín tới, vỏ còn xanh để có độ giòn và vừa chua vừa ngọt.
Trước tiên, bạn ngâm măng cụt vào một thau nước muối loãng cho sạch mủ rồi dùng dao có mũi nhọn gọt từ từ lớp vỏ bên ngoài để lấy phần ruột bên trong. Sau khi lấy măng cụt ra, bạn rửa bằng nước muối 1 lần nữa rồi cắt khoanh vừa ăn.
Kế tiếp, pha 1 thau nước với ½ thìa đường, ½ muỗng canh giấm rồi ngâm măng cụt vào rồi để trong tủ lạnh cho giòn. Khi trộn gỏi thì vớt ra và để ráo.
Thịt gà sau khi mua về bạn sơ chế thật sạch rồi cho vào nồi luộc. Đổ nước cho ngập gà và thêm vào đó 1 thìa cà phê muối cùng 2 củ hành tím rồi luộc khoảng 20 phút, khi gà chín thì lấy ra để nguội rồi xé phay.
Gỏi gà măng cụt xanh là món ăn nổi tiếng ở miền Nam. |
Hành tây bóc vỏ, rửa sạch rồi thái khoanh. Cà rốt bào vỏ, rửa sạch rồi thái sợi. Rửa sạch rau thơm rồi băm nhuyễn, ớt thái lát.
Công thức pha nước mắm chua ngọt để trộn gỏi gà măng cụt: nước cốt 1 quả chanh, 3 thìa đường, 1 thìa nước mắm, tỏi và ớt băm.
Bạn hòa tan đường trong nước cốt chanh rồi thêm nước mắm vào. Khuấy đều để các nguyên liệu quyện vào nhau rồi thêm tỏi ớt băm vào.
Bạn cho tất các các nguyên liệu gồm thịt gà, măng cụt, rau củ vào và trộn như trộn gỏi thông thường. Rưới nước mắm lên và trộn đều một lần nữa. Cuối cùng, cho hành tím phi và đậu phộng rang vào, cho ra đĩa rồi thưởng thức.
Măng cụt xanh được sử dụng để chế biến món ăn măng cụt gỏi gà đang được ưa chuộng. Trái măng cụt xanh đắt bởi số lượng không nhiều do nhà vườn chỉ hái tỉa những trái kém cộng với việc sơ chế kỳ công nên ki đến tay người tiêu dùng đã tăng cao. Giá măng cụt xanh tăng cao giúp nhà vườn có thêm nguồn thu nhung cũng sẽ ảnh hưởng tới vụ thu hoạch khi sản lượng sụt giảm do tận thu lúc trái xanh./.