Ốc nhồi là loại vật nuôi có sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, chỉ cần nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi ốc nhồi. Thức ăn của ốc nhồi hoàn toàn là bèo tấm, lá cây, các loại rau, củ, quả thả nổi trên mặt nước, nên dễ tìm, chi phí đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một số nông dân nuôi ốc chia sẻ, đối với nuôi ốc nhồi thương phẩm, nếu tiến hành nuôi 2 vụ/năm, thì 1 sào nuôi thu lãi khoảng 70 đến 80 triệu đồng/năm. Đối với nuôi ốc nhồi giống thì lợi nhuận đạt khoảng 80 đến 100 triệu đồng/sào/năm.
Tìm hiểu và nhận thấy có thể đưa ốc nhồi về địa phương, anh Phạm Văn Chung, thôn 2, xã Trung Môn (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi ốc nhồi.
Năm 2016, anh Chung đầu tư 5 triệu đồng mua ốc giống ở huyện Chiêm Hóa, cải tạo lại 2 ao cá để nuôi ốc. Để mở rộng khu nuôi ốc, hơn chục đầu ao liền kề nhau xưa là ruộng cấy lúa được anh thuê, mua, cải tạo thành ao nuôi ốc.
Anh Chung chia sẻ: Nguồn nước sạch là tiêu chí đầu tiên trong nuôi ốc. Nước chảy ở đập Trung La về suối, tôi làm đường ống dẫn ngầm từ suối vào ao, bảo đảm tránh được tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi chảy qua cánh đồng lúa.
Anh Chung chia sẻ kỹ thuật nuôi ốc nhồi
Hai năm đầu, anh nuôi ốc nhồi để tự rút kinh nghiệm cho riêng mình. Anh chủ yếu học nuôi, nhân giống, chăm sóc qua mạng Internet, hội nhóm sản xuất ốc nhồi Online.
Anh Chung cho biết, năm 2018 anh bắt đầu mở rộng quy mô nuôi ốc. Thời điểm đó, lợn rớt giá, rồi lợn bị dịch tả châu Phi, dịch bệnh trên cá, trạch… nên có rất nhiều người nông dân tìm hướng mới trong phát triển kinh tế. Những video về ốc của anh thu hút được lượng rất đông người theo dõi, chia sẻ. Nguồn khách hàng cũng từ đây là chủ yếu.
Khách hàng của anh không chỉ ở trong huyện, tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh thành xa xôi ở khu vực phía Bắc. Cái tên Chung “ốc” bắt đầu từ đó. Với phương châm “Cùng hợp tác, cùng phát triển”, anh Chung chuyển giao lại toàn bộ kỹ thuật nuôi ốc nhồi cho khách hàng mua ốc giống một cách tận tình.
Ốc nhồi có thể làm thành nhiều món ăn ngon
Anh Chung chia sẻ: Mặc dù ốc nhồi dễ nuôi, song để ốc đạt năng suất cao, miệng đầy, mình béo, người nuôi cần chú ý đến chế độ ăn đầy đủ, bảo đảm dinh dưỡng, sau mỗi vụ cần cải tạo ao đầm, nguồn nước, môi trường phải luôn bảo đảm sạch sẽ. Khó khăn lớn nhất khi nuôi ốc nhồi là: Ốc chỉ sinh trưởng và phát triển khi thời tiết ấm áp, nên vào mùa đông giá lạnh ốc nhồi gần như không phát triển hoặc chết. Vì vậy, để chăm sóc và bảo vệ ốc nhồi trong mùa đông, người nuôi ốc nhồi, nhất là ốc giống cần chú ý thực hiện các biện pháp giữ ấm cho ốc bằng cách luôn duy trì mực nước sâu, phủ kín bèo tây trên ao nuôi. Nếu thời tiết rét đậm, rét hại có thể căng ni lông, bạt hoặc thắp điện để sưởi ấm.
Chỉ riêng trong năm 2019, anh Chung xuất ra thị trường 400 vạn con ốc nhồi giống, 3 tấn ốc nhồi thương phẩm, thu về trên 1,8 tỷ đồng, trong khi chi phí đầu tư chỉ khoảng 100 triệu đồng. Đầu năm 2020, anh Chung đã cải tạo lại dãy chuồng lợn đầu tư khoảng 140 triệu đang bỏ không để mở rộng sản xuất ốc nhồi giống. Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng con giống là việc anh hướng đến trong thời gian tiếp theo.
Nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ con ốc nhồi, lại có anh Chung là điểm tựa vững chắc, nhiều người dân trong thôn 2, trong xã Trung Môn đã học hỏi, phát triển mô hình nuôi ốc nhồi.
Ông Nguyễn Văn Ngợn, Trưởng thôn 2 bày tỏ, thôn vốn có truyền thống phát triển thủy sản. Nay từ sức lan tỏa của anh Chung “ốc”, đã có khoảng 40 hộ dân trong xóm nuôi ốc. Có hộ đang thử nghiệm với diện tích nhỏ nhưng có những hộ mạnh dạn đầu tư, phát triển với quy mô từ vài sào. Trong số đó, phải nói đến ông Nguyễn Kim Viện, hàng xóm sát vách nhà anh Chung. Năm 2018, ông chuyển đổi 5 sào ruộng không có hiệu quả kinh tế cao sang nuôi ốc nhồi giống. Năm 2019, ông đã được thu khoảng 500 triệu đồng.
Hà Anh