Liên kết chuỗi sản phẩm để phát triển ngành tôm bền vững Những thách thức và khó khăn ngành tôm phải đối mặt trong năm 2024 Ngành tôm đang gặp nhiều khó khăn |
Chuyển biến tích cực từ thị trường lớn
Bước sang quý I/2024, ngành tôm Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ rệt. |
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 620 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước tăng 26%, còn thị trường Trung Quốc ước tăng hơn 140%.
Xác định được điểm yếu của ngành tôm trong năm 2023, bước sang quý I/2024, ngành tôm Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ rệt. Điều này được chứng minh bởi sự "tăng nhiệt" của tiêu thụ tôm tại các thị trường lớn trong 3 tháng đầu năm nay. Trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường Mỹ và Trung Quốc có nhiều thay đổi nổi bật trong tiêu thụ tôm của Việt Nam
Bà Kim Thu - chuyên gia thị trường tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam chia sẻ, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc trong quý I/2024 vẫn khá cao. Điển hình như tháng đầu tiên năm nay, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm để đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Ecuador - nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc, nên thị trường này tăng cường nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Trên thị trường Trung Quốc, tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá so với các nguồn cung đối thủ, tuy nhiên, nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên đã chấp nhận mức giá cao hơn.
Còn tại thị trường Mỹ, các chuyên gia ngành tôm nhận định doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh của Mỹ dự báo sẽ ổn định trong năm 2024, sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu.
So với một số nguồn cung tôm chính tại Mỹ là Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc thì Việt Nam được đánh giá có triển vọng hơn, nhất là khi quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Mỹ. Mỹ cũng đang có chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc.
Bên cạnh các thị trường lớn, thì thị trường có yêu cầu cao như Nhật Bản cũng được đánh giá sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường lớn khác như Mỹ, châu Âu trong năm 2024. Người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường Nhật Bản có vị trí địa lý gần hơn so với Mỹ, châu Âu và phương thức thanh toán cũng an toàn hơn.Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm 40-45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt thuộc mức cao trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh của tôm Việt tại thị trường Nhật. Tôm Việt Nam dẫn đầu trong thị phần tôm cao cấp ở Nhật Bản.
Khó khăn của ngành tôm vẫn chưa được khắc phục
Khó khăn của ngành tôm Việt vẫn chưa được khắc phục |
Mặc dù xuất khẩu tôm trong quý I có tín hiệu lạc quan, song theo ông Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, khó khăn của ngành tôm Việt vẫn chưa được khắc phục.
Theo ông Lực, cuối tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh (Warm Frozen Warmwater Shrimp thuộc mã HS: 0306.17, 1605.21 và 1605.29) có xuất xứ từ Việt Nam.
DOC đã ấn định mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với các doanh nghiệp của Việt Nam như sau: 2,84% đối với 1 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc duy nhất và cho tất cả các doanh nghiệp còn lại; 196,41% cho 1 doanh nghiệp bị đơn duy nhất không tham gia vụ việc. Cùng với đó, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu vẫn tiếp diễn khi thời điểm hiện nay tại nhiều vùng nuôi, người nuôi không mặn mà xuống giống.
“Mùa tôm mới đã diễn ra một tháng, nhưng các vùng nuôi lớn chưa thấy sinh khí như mọi năm. Đa phần các hộ nuôi đang chờ giá cả đầu ra gia tăng, các vật tư đầu vào cải thiện hơn…”, ông Lực cho biết.
Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm quá cao khiến tôm Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, tôm nguyên liệu của Việt Nam chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguyên liệu sản xuất thức ăn, thuốc phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu nên chi phí sản xuất hiện đang cao hơn khoảng 30% so với Ấn Độ, Indonesia và cao gấp mấy lần so với tôm nguyên liệu của Ecuador.
Ngoài ra, tôm Việt Nam hiện còn đang cạnh tranh với các quốc gia khác ở phân đoạn logistics. Đường đi sản phẩm tôm của Ấn Độ, Ecuador đến các thị trường Mỹ, châu Âu ngắn hơn so với đường vận chuyển của Việt Nam. Gộp các chi phí này lại, tôm Việt Nam phải cạnh tranh gấp đôi so với các quốc gia khác - ông Quang chia sẻ thêm.
Trong bối cảnh xuất khẩu tôm đối mặt hàng loạt thách thức, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, để tăng đơn hàng, thời gian qua doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trên thế giới. Gần đây nhất là Hội chợ thủy sản quốc tế tại Boston tại Mỹ để giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp tới nhà nhập khẩu thế giới. Điều đáng mừng là ngay sau đó đã được nhà nhập khẩu đánh giá cao.
Trong kế hoạch sắp tới, Minh Phú tiếp tục tham gia các chương trình triển lãm để giới thiệu sản phẩm, dự kiến là Nhật Bản và Hàn Quốc... để tiếp cận người tiêu dùng ở 2 quốc gia này. Bên cạnh đó, công ty cũng liên tục nâng chất lượng con tôm qua công nghệ nuôi sinh học, giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho tôm Việt.
Đối với vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm từ Mỹ, ông Hồ Quốc Lực thông tin, doanh nghiệp đã chuẩn bị tài liệu tốt nhất giải trình cho phía DOC nếu bị yêu cầu. Song song đó, công ty sẽ nộp đơn lên DOC xin làm bị đơn bắt buộc cho vụ kiện chống trợ cấp nhằm tạo an toàn cho công ty và tiếp đoàn kiểm tra của Chính phủ Mỹ qua kiểm tra Nhà máy Tin An.
"Riêng về những khó khăn nội tại, Thực phẩm Sao Ta sẽ khắc phục bằng cách tiếp tục tập trung vào sản phẩm chế biến sâu, nhằm tối ưu hóa chi phí và tăng năng suất bằng cách chuyên môn hóa sản phẩm ở từng nhà máy và nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân", ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.
Ông Lực thông tin thêm, từ tháng 7/2023, Thực phẩm Sao Ta đã đưa vào vận hành khu trang trại Vinfarm ở Vĩnh Thuận, giúp mở rộng vùng nuôi thêm 203 ha, nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 525 ha với khả năng cung ứng 16.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Khi vùng nuôi này đi vào vận hành đầy đủ sẽ giúp cải thiện đáng kể năng lực tự chủ tôm nguyên liệu, kéo theo đó là mở rộng biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này.
Đồng thời Sao Ta cũng đã tăng nguồn nguyên liệu nhờ thu hoạch tôm từ các trại tôm thả nuôi vụ nghịch từ cuối tháng 11/2023 với kết quả nuôi khá khả quan. Riêng với những khó khăn về thị trường, doanh nghiệp sẽ duy trì các giải pháp đang có và linh hoạt tối đa nhằm tận dụng mọi cơ hội, trong đó sẽ chú ý tìm hiểu cơ hội tại thị trường Trung Quốc.
Liên quan đến vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm từ Mỹ, để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị, hiệp hội hỗ trợ thông báo đến doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị cáo buộc để chuẩn bị kế hoạch ứng phó, xử lý vụ việc trong trường hợp DOC khởi xướng điều tra.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý cần rà soát các chương trình/chính sách hỗ trợ nhận được (nếu có) trong giai đoạn điều tra, chuẩn bị trước các hồ sơ, sổ sách chứng từ liên quan. Xác định trước chiến lược tham gia, xử lý vụ việc trong trường hợp DOC khởi xướng điều tra.
Chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, thủ tục điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ, yêu cầu cung cấp thông tin của DOC để tuân thủ đúng trong trường hợp tham gia vụ việc. Mặt khác, dự trù, chuẩn bị trước nguồn lực cho việc xử lý vụ việc. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội và Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.