Giá sầu riêng tăng cao, thương lái vào tận vườn tìm mua. |
Hơn một tuần qua, thương lái liên tục vào tận vườn tìm mua sầu riêng với mức giá cao. Ghi nhận tại nhiều địa phương như Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, sầu riêng Ri 6 phục vụ xuất khẩu đang được thương lái thu mua với giá 120.000-130.000 đồng/kg; sầu riêng Thái từ 180.000-210.000 đồng/kg.
Với sầu riêng Monthong, loại A (2.7 hộc nặng 2-5 kg) có giá 218.000-230.000 đồng/kg, loại B (2.5 hộc) có giá 195.000-200.000 đồng, còn loại C là trên 100.000 đồng một kg. Mức giá này tăng 15% so với cùng kỳ và tháng trước đó. Đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Bà Lý Thị Thu Thủy (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ), cho biết vườn sầu riêng 1,5ha của gia đình bà đang bắt đầu chín. Hiện thương lái đã đến đặt tiền cọc mua với giá 130.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri 6 loại 1. Mức giá này cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 50.000 đồng/kg. “Khu vườn của tôi có 1,5ha với sản lượng hơn 35 tấn trái; xem như năm nay trúng đậm bạc tỉ…”, bà Thủy vui mừng.
Cũng được thương lái liên tục hỏi mua, bà Nguyễn Thị Hạnh (xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết sầu Thái năm nay tiếp tục sốt giá vì nguồn cung ít hơn mọi năm. Năm ngoái, gia đình bà thu hoạch 4 tấn sầu trái vụ, năm nay chỉ còn 3 tấn. "Ảnh hưởng của thời tiết, hạn mặn khiến cây rụng lá, thiếu chất, chất lượng ra hoa giảm nên năng suất đi xuống", bà Hạnh nói. Mặc dù năng suất giảm, song giá sầu riêng đang ở mức cao nên sau khi trừ chi phí, bà vẫn còn lời nhiều. “Sầu riêng giờ đã thành niềm vui chung của nhà vườn”, bà Hạnh chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân khiến giá sầu riêng ở mức cao, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, thị trường xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc đang thuận lợi, nhiều thương lái thu mua sầu riêng cho biết giá sầu riêng ổn định ở mức cao.
Bên cạnh đó, tại nhiều tỉnh miền Tây tình trạng hạn mặn làm cho năng suất sầu riêng suy giảm, khiến nguồn cung ít. Cung không đủ cầu khiến giá sầu riêng liên tục tăng cao. Sầu riêng hút hàng nên phần lớn sản lượng được thu mua phục vụ xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo từ tháng 5 trở đi nguồn hàng dồi dào trở lại, giá mặt hàng này sẽ ổn định.
Thương lái vào tận vườn thu mua sầu riêng. |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 12,7 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD, chiếm 34,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về mặt hàng cụ thể, thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam có 2 nhóm mặt hàng xuất sang nước này vượt hơn 1 tỷ USD gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,64 tỷ USD, tăng gần 54%, điện thoại và linh kiện đạt 1,46 tỷ USD, giảm hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ 2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản, như rau quả tiếp tục tăng mạnh. Hết tháng 2, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 501 triệu USD, tăng 57,2% (tương đương tăng thêm hơn 182 triệu USD). Đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất các mặt hàng nông sản của Việt Nam như sầu riêng, thanh long, cao su, sắn và sản phẩm sắn…
Đặc biệt, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, giúp thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tăng lên mức 57%, vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 tại thị trường này.
Trong những năm qua, Việt Nam và Trung Quốc liên tục mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của nhau. Hiện, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân gồm: Măng cụt, chanh leo, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, vải, thạch đen, sầu riêng, thanh long, nhãn, khoai lang, tổ yến và các sản phẩm từ tổ yến.