Việt Nam dẫn đầu cuộc đua xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc
Sầu riêng Việt Nam đã chiếm lĩnh 57% thị phần tại Trung Quốc. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 3/2024 kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 433 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt và vượt con số 1 tỷ USD ngay trong quý 1. Dự báo năm 2024, xuất khẩu rau quả sẽ tăng trưởng ở mức 15-20% so với năm 2023, sẽ vươn lên kỷ lục mới 6-6,5 tỷ USD.
Trong số các mặt hàng rau quả của Việt Nam, sầu riêng đang là mặt hàng trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất, với ước tính kim ngạch 254 triệu USD trong quý 1/2024, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm tới 98% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 53.110 tấn sầu riêng tươi trong 2 tháng đầu năm 2024, với trị giá 283,6 triệu USD, tăng 0,4% về lượng nhưng giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với khối lượng đạt 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch đã tăng từ mức 32% của năm 2023, lên mức 57% tính trong 2 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, Thái Lan tụt xuống vị trí thứ 2 về nguồn cung sầu riêng cho Trung Quốc với khối lượng đạt 19.016 tấn, trị giá 120,3 triệu USD, giảm 50,3% về lượng và 45,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài 2 nguồn cung kể trên, Trung Quốc còn nhập khẩu sầu riêng từ Philippines nhưng thị phần khá nhỏ chỉ khoảng 1% (2,2 triệu USD). Trong 2 tháng đầu năm nay, giá sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt bình quân 4.916 USD/tấn, thấp hơn so với mức giá 6.133 USD/tấn của Thái Lan, nhưng cao hơn so với 3.075 USD/tấn của Philippines.
Trước đó, theo số liệu Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) công bố, đến hết tháng 2/2024, Việt Nam đã xuất được hơn 41 nghìn tấn sầu riêng đến các thị trường, con số này đạt xấp xỉ sản lượng sầu riêng xuất khẩu trong năm 2022. Sầu riêng của Việt Nam cũng đã khẳng định được chất lượng sản phẩm. Mặc dù mới xuất khẩu từ tháng 9/2022, nhưng sầu riêng Việt Nam cũng đã chiếm được 31,8% thị phần tại thị trường Trung Quốc và chỉ đứng sau Thái Lan (chiếm 68% thị phần).
Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Đây là những yếu tố đã giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này.
Nâng cao chất lượng, sầu riêng Việt sẽ chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc
Theo Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, tính đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt mã số cho 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng tại Việt Nam. Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đang tăng trưởng rất tốt, tuy nhiên vừa qua, phía Trung Quốc đã cảnh báo 30 lô hàng sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của nước này.
Ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay, số sầu riêng bị phát bị nhiễm chất cadimi có thể xuất phát từ khâu trồng trọt bởi cadima là chất thường có trong phân bón hóa học và tồn tại trong thành phần của phân bón chứa lân, Cu và Zn hoặc có sẵn trong thành phần của khoáng chất hoặc được đưa thêm vào như một nguồn vi dinh dưỡng cho cây trồng và vật nuôi.
Ngoài ra, trong quá trình sơ chế, làm sạch sau thu hoạch có thể doanh nghiệp dùng nước rửa nhiễm cadimi hoặc sử dụng hóa chất có cadimi. Hiện Cục đề nghị các địa phương vào cuộc xác định nguyên nhân cụ thể, chất này nằm trong phân bón, hoặc thuốc bảo vệ thực vật loại gì để giảm ngay việc sử dụng.
Không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng thì ngành hàng sầu riêng của Việt Nam sẽ không cần phải lo về chỗ đứng. |
“30 lô hàng sầu riêng bị phát hiện không phải là phía Trung Quốc phát hiện cùng 1 lúc và thông báo ngay mà đây là số liệu tổng hợp được Trung Quốc thông báo lại kể từ khi Việt Nam xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên sang thị trường này (17/9/2022)”, ông Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ và cho biết, với thông báo này mặc dù chưa ảnh hưởng gì để việc xuất khẩu, tuy nhiên, đây là những cảnh báo để phía Việt Nam chủ động tìm nguyên nhân và điều chỉnh, tránh lặp lại trong thời gian tới.
Để đảm bảo uy tín, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm thu hồi và xử lý các lô hàng vi phạm, đồng thời rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu, khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm. Trước khi xác định nguyên nhân từng trường hợp để đưa ra khuyến cáo, về tổng thể, Cục Bảo vệ thực vật khuyến nghị các đơn vị sản xuất cần điều chỉnh vật tư đầu vào, sử dụng hóa chất có hàm lượng cadimi thấp; điều chỉnh 1 số biện pháp canh tác để giảm hấp thụ cadimi;…. Và vấn đề quan trọng, theo ông Hiếu, trước khi xuất khẩu cần kiểm tra chất lượng, trong đó có hàm lượng cadimi, từ đó, hạn chế tối đa rủi ro trước khi xuất khẩu.
TS. Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, ngoài những yêu cầu chung đối với vùng trồng; yêu cầu chung về cơ sở đóng gói,… việc thu hái sầu riêng cũng cần đáp ứng yêu cầu. Trong quá trình đóng gói, phải lựa chọn, phân loại và làm sạch vỏ quả để loại bỏ quả bị bệnh, thối hỏng hoặc biến dạng, lá, thân, tàn dư thực vật và đất. Chải hoặc làm sạch bề mặt quả bằng súng áp suất cao hoặc biện pháp hiệu quả khác để loại bỏ trứng, bào tử nấm. Nếu cần thiết, có thể lau bề mặt quả bằng vải bông mềm và sạch, đặc biệt là phần cuống quả và các bộ phận khác.
Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, bao bì đóng gói phải sạch, hợp vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật liên quan của Trung Quốc. Bao bì phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch thực vật số 15 (ISPM15). Mỗi hộp đóng gói và pallet phải được dán bằng chữ tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh nội dung “Được xuất khẩu sang Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” “Exported to the People's Republic of China (输往中华人民共和国)”.
“Quả sầu riêng phải được bảo quản trong kho chứa, có cùng điều kiện kiểm dịch thực vật, tách biệt với những loại quả khác để ngăn ngừa lây nhiễm dịch hại, bảo quản ở nhiệt độ trung bình 15 độ C. Trước khi xếp hàng, phải kiểm tra độ sạch của container chứa sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Container phải được niêm phong hải quan và đảm bảo niêm phong còn nguyên vẹn khi đến cảng nhập khẩu của Trung Quốc”, ông Ngô Xuân Nam thông tin.
Ông Nông Ngọc Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cánh Đồng Vàng (Lạng Sơn) cho biết, Thái Lan luôn kiểm soát chặt chẽ chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Thậm chí họ đã làm khắt khe hơn tiêu chuẩn của nước nhập khẩu như tự động đưa tiêu chuẩn về chất khô trong trái sầu riêng lên đến 32% (bình thường chất khô trong trái sầu riêng tươi vừa thu hoạch chiếm 28-29%).
“Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sầu riêng phải đạt độ khô 32%, khi đó cơ quan quản lý nhà nước của Thái Lan mới cho phép doanh nghiệp mở tờ khai để xuất khẩu lô hàng đó. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang thả nổi chất lượng trái sầu riêng xuất khẩu, để các doanh nghiệp làm một cách đối phó, gần như không theo một quy định nào về chất lượng trước khi xuất khẩu”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Trung, trong trái sầu riêng Việt Nam, hàm lượng chất khô chỉ đạt 28-29% do chúng ta đang làm theo một cách thức rất thủ công trong quá trình đóng gói sầu riêng. Khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam làm thuê cho Trung Quốc trong công đoạn gia công và họ bị áp lực về sản lượng, thời gian giao hàng. Điều này khiến không có đủ thời gian để gia công cho quả sầu riêng đủ khô để xuất sang thị trường Trung Quốc.
"Do không được làm khô, dẫn tới quả sầu riêng độ ẩm không đồng đều, không đạt độ khô thì sẽ bị mốc, hư hỏng. Khi hải quan Trung Quốc kiểm tra mà không đạt tiêu chuẩn như bị ẩm mốc, có vi khuẩn thì phải đưa vào hun trùng. Trong khi đó, chi phí vô trùng cho một lô hàng mất rất nhiều và thời gian từ 5-7 ngày, làm thất thoát giá trị của quả sầu riêng. Khi lô hàng của doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn như vậy thì Trung Quốc sẽ cảnh báo, có thể họ cho phép hun trùng một hai lô đầu tiên, sang lô thứ ba sẽ tạm dừng, cấm xuất khẩu sang Trung Quốc.", ông Trung phân tích.
Đề xuất giải pháp xử lý sầu riêng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Trung cho biết doanh nghiệp của ông đang ứng dụng công nghệ làm khô, để hàm lượng chất khô trong trái sầu riêng đạt 35% trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (khô hơn Thái Lan 3%). Khi làm giảm hàm lượng nước trong trái sầu riêng, chất lượng sẽ ngon hơn, giá trị bán cao hơn bình thường, thời gian bảo quản lâu hơn - lên tới 30 ngày (trong khi đóng gói thủ công chỉ để được khoảng 12-13 ngày).
Về kiểm soát dịch hại của Trung Quốc, đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc bao gồm gần 500 loài sinh vật gây hại thực vật. Các loại sinh vật gây hại phổ biến, thường đi theo các loại quả tươi xuất khẩu của Việt Nam nhưng là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc: 5 loài rệp (Dysmicoccus neobrevipes; Planococcus minor; Pseudococcus jackbeardsleyi; Planococus lilacinus; Exallomochlus hispidus), ruồi đục quả (Bactrocera spp).
Cục Bảo vệ thực vật nhận định, thời gian tới, việc mở cửa thành công cho sản phầm sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam. Do đó, nếu tận dụng tốt cơ hội, lợi thế và tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, đồng thời không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng thì ngành hàng sầu riêng của Việt Nam sẽ không cần phải lo về chỗ đứng, thị phần mà có thể vượt qua sầu riêng của Thái Lan, chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.