Xuất khẩu sầu riêng trong tháng 1 tăng mạnh
Việt Nam là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn thứ hai vào Trung Quốc sau Thái Lan với thị phần chiếm 34,6%. |
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 490 triệu USD, tăng 20% so với tháng trước và tăng tới 102,6% so với tháng 1/2023 (tháng có nhiều ngày nghỉ Tết Nguyên đán).
Đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng toàn ngành vẫn là sầu riêng với kim ngạch đạt gần 116 triệu USD (bao gồm cả tươi và đông lạnh), tăng 54% so với tháng trước và tăng gấp 4,7 lần (369%) so với cùng kỳ. Xét về tỉ trọng, sầu riêng chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước với thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, sầu riêng tươi của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc từ tháng 7/2022. Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thành thủ tục và hồ sơ đề nghị Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam. Nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép, triển vọng xuất khẩu mặt hàng này sẽ tiếp tục khả quan.
Năm ngoái, Việt Nam là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn thứ hai vào Trung Quốc sau Thái Lan với thị phần chiếm 34,6%. Lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này là 493 nghìn tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 1.107% về lượng và tăng 1.036% về trị giá so với năm 2022.
Trước tín hiệu tích cực từ thị trường giá sầu riêng trong nước đã liên tục tăng cao trong thời gian qua. Tính đến ngày 26/2, giá sầu riêng Ri6 hàng đẹp đứng ở mức cao nhất là 142.000 đồng/kg, tăng 42% (tương ứng 42.000 đồng/kg) so với thời điểm cuối năm ngoái đầu năm nay. Giá sầu riêng Thái tại khu vực miền Tây Nam bộ đạt mức cao nhất là 200.000 đồng/kg, tăng hơn 30%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2024, với lợi thế hiện có sầu riêng Việt Nam đang được chú trọng nâng chất lượng để tiếp tục khẳng định vị thế xuất khẩu và tham gia vào ngành hàng xuất khẩu tỷ USD. Cả nước hiện có hơn 110.000 ha trồng sầu riêng, cho sản lượng gần 850.000 tấn/năm, tập trung nhiều nhất tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Ngoài sầu riêng, xuất khẩu một số loại trái cây khác cũng tăng mạnh trong tháng đầu năm như: Thanh long tăng 73% so với tháng trước, đạt 64 triệu USD; chuối tăng 72,9%; xoài tăng 59%; riêng mít giảm 18,3%. Đà tăng này chủ yếu là do thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc tăng cường nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Khai thác tiềm năng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc
Chưa có loại nông sản nào vừa vươn ra thị trường thế giới đã nhanh chóng mang về kim ngạch tỷ USD như trái sầu riêng. |
Trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang một số thị trường lớn khác trong khu vực châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… cũng tăng rất mạnh trong tháng vừa qua. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 306 triệu USD, tăng 29,5% so với tháng 12 năm ngoái và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Thị trường này chiếm đến 62,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng đầu năm.
Với lợi thế về giá và sự ưa chuộng của thị trường nhập khẩu, đã đưa trái sầu riêng Việt Nam lên vị thế cao hơn nhiều loại cây trồng khác như tiêu, thanh long, cao su… Kết quả xuất khẩu riêng sầu riêng trong thời gian qua đã khẳng định điều này. Chưa có loại nông sản nào vừa vươn ra thị trường thế giới đã nhanh chóng mang về kim ngạch tỷ USD như trái sầu riêng.
Xuất khẩu sầu riêng tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2024 vì lợi thế về mùa vụ kéo dài quanh năm. Vị trí địa lý gần thị trường tiêu thụ chính Trung Quốc khiến sầu riêng Việt Nam chất lượng tươi mới, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nếu Trung Quốc tiếp tục mở cửa cho sản phẩm sầu riêng chế biến, xuất khẩu sầu riêng trong năm nay có thể đạt tới 3 tỉ USD, thậm chí cao hơn.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong các thị trường tiêu thụ sầu riêng nhiều nhất, Trung Quốc vẫn đang là thị trường tiềm năng cho trái sầu riêng Việt Nam. Đặc biệt, trong khi các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu hoạch theo mùa vụ thì Việt Nam lại được thu quanh năm.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc hiện nay đã có nhiều yêu cầu về chất lượng sầu riêng xuất khẩu, nếu người trồng sầu riêng không chú trọng vào mẫu mã và chất lượng hàng hóa, sẽ khó tận dụng được tối đa dư địa của thị trường.
“Các cơ quan hữu quan của Việt Nam cần đàm phán để ký kết và mở rộng hơn các thị trường với những nông sản tiềm năng, mang giá trị cao. Trong tương lai, sầu riêng sẽ có thị phần lớn tại các thị trường gần, bởi chúng ta có lợi thế về khoảng cách địa lý, chi phí cũng như thời gian vận chuyển ngắn”, ông Nguyên nhận định.
Năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch hơn 3,6 tỷ USD, tăng 138,7% so với năm 2022, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng, như: Hàn Quốc đạt gần 226 triệu USD, tăng 25%; Mỹ gần 228 triệu USD, tăng 4%; Hà Lan hơn 147 triệu USD, tăng 26%; Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất hơn 59 triệu USD, tăng 19% so với năm 2022… Sự tăng trưởng đa dạng về thị trường đã chứng tỏ sản lượng, chất lượng rau quả của Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn thị hiếu và yêu cầu của các nước nhập khẩu. |