Xuất khẩu cà phê đạt gần 1 tỷ USD chỉ trong 45 ngày. |
Ngành cà phê như "diều gặp gió"
Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 2, cả nước xuất khẩu gần 57.000 tấn cà phê, với kim ngạch đạt 184,4 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/2, lượng cà phê xuất khẩu đạt gần 295.000 tấn, kim ngạch đạt 911 triệu USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng 16,7% nhưng kim ngạch tăng tới 66,8%. Theo đó, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng tới gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường xuất khẩu cà phê chủ yếu của Việt Nam là châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Indonesia… Trong đó, châu Âu là thị trường nhập khẩu cà phê Việt Nam lớn nhất với 87.700 tấn, kim ngạch đạt hơn 263 triệu USD; tiếp đến là các nước như Đức, Italy, Tây Ban Nha...
Theo ghi nhận, sau Tết Nguyên đán, giá cà phê nhân tại vườn trồng ở các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng mạnh và lần đầu chạm mốc kỷ lục 80.000 đồng/kg. Hiện giá cà phê tại thị trường trong nước đạt đỉnh lịch sử 30 năm qua khi vượt mốc 83.000 đồng/kg, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về giá cà phê liên tục tăng mạnh, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho rằng, do nguồn cung trên thị trường đang thiếu nên gần như Việt Nam đang “một mình một chợ”.
Cùng với đó, việc EU quy định cà phê vào thị trường phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê bởi nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu.
VICOFA dự báo, với tình hình này năm 2024, xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 4,5 - 5 tỷ USD. Đây sẽ là năm đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Cà phê giá rẻ sẽ không còn?
Sau đợt này chuyện cà phê giá rẻ sẽ không còn nữa. |
Việc giá cà phê tăng rõ ràng mặt tích cực làm cho đời sống của người sản xuất cà phê được tăng lên. Người nông dân có của ăn của để, tái đầu tư cho cà phê tốt hơn và không chạy theo những cây trồng khác. Hoặc nếu chạy theo những cây trồng khác thì vẫn giữ cây cà phê.
Đó là một yếu tố rất quan trọng để duy trì tính bền vững của ngành hàng. Nếu người nông dân không mặn mà với cây cà phê thì ngành hàng càng phê ngày càng suy giảm theo hướng xấu đi, đó là cung không đủ cầu.
Nhưng, giá cà phê tăng cao cũng có mặt ảnh hưởng tiêu cực. Đó là, kích thích nông dân chạy theo những lợi ích ngắn hạn, không đầu tư vào chất lượng mà chạy theo sản lượng. Đây là yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản. Và ảnh hưởng đến tâm lý nữa, nghĩa là người ta nhận thấy rằng, không làm cà phê chất lượng cao thì vẫn có giá tốt.
Giá cao còn ảnh hưởng tới thị trường tiêu dùng. Các nhà rang để đưa cà phê rang tới các quán, khách hàng để bán lẻ tới người tiêu dùng... Trước đây với giá 40.000/kg thì họ rang xong bán 80.000- 100.000/kg. Bây giờ giá nguyên liệu tăng gấp đôi, họ có tăng tương ứng gấp đôi không?
Hiện giờ, thấy rằng giá cà phê đến tay người tiêu dùng gần như chưa tăng hoặc tăng không đáng kể. Bởi vì, các nhà rang và các chuỗi quán phải tìm cách thay thế bằng hàng cà phê chất lượng thấp hơn để tồn tại.
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch hiệp Hội cà phê Buôn Ma Thuột, để duy trì được chất lượng, sản lượng và giữ vững tính bền vững của ngành hàng cà phê chúng ta phải có những chính sách, những đầu tư thích đáng để cho mối liên kết giữa người sản xuất - nhà rang - nhà thương mại bền vững, thực chất và giờ ngành cà phê đặc sản đang đi theo hướng đó.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, ngành cà phê thế giới đã qua rồi thời kỳ cà phê giá rẻ. Giờ việc tăng giá như vậy là lẽ công bằng thì người nông dân mới ở lại được với cây cà phê, người ta mới sống thịnh vượng được. Có lẽ sau đợt này chuyện cà phê giá rẻ sẽ không còn nữa. Cũng có thể lên xuống nhưng không thể xuống đáy như những năm vừa rồi. Và giải pháp quan trọng nhất là giải pháp quảng bá, xúc tiến thương mại ở thị trường thật tốt để người tiêu dùng biết đến câu chuyện cà phê của mình.