Hành trình số 1 thế giới của hạt gạo Việt Nam Xuất khẩu gạo sụt giảm vẫn thu về gần nửa tỷ USD Indonesia nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo, cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam |
3 lý do khiến xu thế giảm của giá gạo xuất khẩu không thể kéo dài. |
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm mạnh
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong phiên giao dịch hôm 22/2, gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta giảm mạnh 19 USD/tấn (về mức 609 USD/tấn). So với mức đỉnh 663 USD/tấn, giá gạo 5% tấm nay đã giảm 54 USD/tấn, tương đương 8,1%.
Với mức giá giao dịch trên Việt Nam hiện đã mất ngôi dẫn đầu giá gạo xuất khẩu cao nhất thế giới vào tay gạo Pakistan, khi gạo 5% tấm nước này đang được chào bán ở mức 612 USD/tấn. Gạo cùng loại của Thái Lan, cũng giảm 3 USD/tấn nhưng vẫn giữ được giá bán cao hơn Việt Nam, ở mức 611 USD/tấn.
Với giá gạo 25% tấm của Việt Nam cũng giảm 20 USD/tấn trong phiên giao dịch vừa qua, ghi nhận ở mức 584 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan giảm 2 USD/tấn, còn 561 USD/tấn và gạo Pakistan giảm 5 USD/tấn, còn 570 USD/tấn.
Với gạo 100% tấm, gạo Việt Nam giữ ổn định giá ở mức 508 USD/tấn trong khi gạo Thái Lan tăng mạnh 19 USD/tấn lên mức 483 USD/tấn, gạo Pakistan tăng 1 USD/tấn lên mức 465 USD/tấn.
Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến giá một số loại gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm là do yếu tố tâm lý. Hiện nay, các nhà nhập khẩu gạo biết rằng Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm, nên chưa vội mua vào nên chờ giá tốt. Trong khi yếu tố thời vụ đã trở thành quy luật từ nhiều năm qua, tuy nhiên năm nay do giá gạo Việt Nam ở mức khá cao nên mức giảm mạnh hơn.
Cùng với đó, một trong những khách hàng truyền thống và mua gạo với số lượng lớn của Việt Nam là Indonesia, vừa ký được hợp đồng 500.000 tấn vào cuối tháng 1 với Việt Nam, Myanmar và Pakistan. Ngoài ra, những diễn biến gần đây trước kỳ bầu cử ở Ấn Độ cũng khiến các nhà nhập khẩu chưa vội "chốt đơn".
Xu thế giảm của giá gạo sẽ không thể kéo dài
Những động thái của các nhà xuất nhập khẩu hàng đầu cho thấy nhiều khả năng giá gạo sẽ tăng trở lại, cụ thể:
Về nhập khẩu, Indonesia - quốc gia nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam vừa có động thái mới. Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, ngày 26/2, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan đã thông báo rằng Chính phủ nước này vừa quyết định tăng hạn thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn.
Trước đó, Bộ Thương mại Indonesia đã cấp giấy phép nhập khẩu gạo cho 2 triệu tấn gạo trong năm 2024. Giấy phép nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn sẽ sớm được ban hành sau khi hoàn tất một số thủ tục hành chính liên quan. Nâng tổng số gạo sẽ nhập khẩu trong năm 2024 sẽ là 3,6 triệu tấn.
Đây là con số cao kỷ lục từ khi nước này nhập khẩu gạo trở lại vào năm 2022 sau một thời gian tự chủ. So với các dự báo trước đó của các tổ chức thế giới, lượng gạo nhập khẩu vừa công bố cũng cao hơn đến 600.000 tấn.
Nguyên nhân do sản xuất gạo trong nước thiếu hụt vì việc gieo trồng vụ lúa chính trong năm bị chậm vì thiếu nước.
Trong một diễn biến khác, nhà xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng hàng đầu thế giới là Ấn Độ gần đây liên tiếp đưa ra hai thông tin quan trọng là gia hạn thuế xuất khẩu 20% vô thời hạn với gạo đồ và mời thầu 35.000 tấn gạo trắng 25% tấm (non-basmati).
Cụ thể, ngày 22/2 Ấn Độ công bố thông tin gia hạn thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ. Trước đó, ngày 25/8/2023 nước này thông báo áp thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ, hiệu lực đến tháng 10/2023 và sau đó được tiếp tục gia hạn đến 31/3/2024. Lần này, chính sách thuế sẽ kéo dài vô thời hạn.
Theo các số liệu về xuất khẩu gạo của Ấn Độ, mỗi năm nước này xuất khẩu từ 7 - 8 triệu tấn gạo đồ, việc gia hạn thuế nhằm đảm bảo an ninh lương thực và chống lạm phát trước kỳ bầu cử sắp tới.
Chính sách đáng chú ý nữa là Ấn Độ thông báo mời thầu 35.000 tấn gạo trắng 25% tấm (non-basmati). Được biết lượng gạo này nhằm mục đích phục vụ cho xuất khẩu theo kênh chính phủ mà Ấn Độ cam kết với các đối tác.
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang trong ngày 27/2, giá lúa hôm nay đã tăng trở lại từ 50-300 đồng/kg sau thời gian giảm mạnh.
Cụ thể, lúa OM 5451 ở mức 7.300 - 7.450 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg; IR 50404 giá 7.200 - 7.350 đồng/kg (tăng 50 đồng); Đài thơm 8 dao động 7.600 - 7.800 đồng/kg (tăng 100 đồng); OM 18 giá 7.600 - 7.800 đồng/kg (tăng 100 đồng); Nàng Hoa 9 giá 7.500 - 7.800 đồng/kg (tăng 300 đồng)…
Năm 2023, Philippines vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt |
Việt Nam sẽ giữ vững vị thế số 1 về xuất khẩu gạo tại thị trường Philippines |
Xuất khẩu gạo sang thị trường EU vượt xa hạn ngạch của EVFTA |