Năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt kỷ lục 8,13 triệu tấn Một tuần biến động mạnh của giá gạo thế giới Tình trạng thiếu gạo trên toàn cầu sẽ tồi tệ hơn, cơ hội của Việt Nam? |
Giống gạo ST25 lần thứ 2 thắng giải "Gạo ngon nhất thế giới" . Ảnh C.N |
Trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới
Trước năm 1986, Việt Nam phải nhập khẩu gạo do sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa. Đến năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo và chuyển sang xuất khẩu.
Ngày 23/8/1989 trở thành một cột mốc lịch sử đáng ghi nhớ cho hành trình vươn ra thế giới của hạt gạo Việt Nam. Những công nhân bốc xếp ở cảng Sài Gòn được lệnh bốc gạo lên tàu. Chuyến tàu đầu tiên chở tới 10.000 tấn gạo 35% tấm với giá 235 USD/tấn xuất khẩu sang Ấn Độ.
Đó là bước khởi đầu của hành trình hơn 30 năm của hạt gạo Việt Nam.
Năm 1999, hạt gạo Việt Nam đánh một cột mốc lịch sử mới bằng kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt 1 tỉ USD, với sản lượng 4,6 triệu tấn và giá xuất khẩu bình quân 227 USD/tấn. Việt Nam chính thức trở thành một trong các cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới.
Hơn 30 năm xuất khẩu gạo, đến nay, hạt gạo Việt Nam có mặt ở hơn 150 nước, vùng lãnh thổ.
Với lượng gạo xuất khẩu 6-8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Ở một số thời điểm Việt Nam còn vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về lượng gạo xuất khẩu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 492.387 tấn, trị giá đạt gần 339 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam đạt 8,3 triệu tấn, trị giá 4,78 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Đánh giá về kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo đã có tác động lớn đến thị trường gạo thế giới. "Ấn Độ chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới vì vậy việc Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu gạo được coi là cơ hội của các nước và Việt Nam đã biến cơ hội đó thành tiền để nâng cao thu nhập cho nông dân", ông Cường nói.
Năng suất lúa gạo Việt Nam đã đạt mức cao trên thế giới, tăng từ 4,88 tấn/ha năm 2008 đã tăng lên 6,07 tấn/ha năm 2023. Mỗi năm xuất khẩu trung bình trên 6 triệu tấn/năm, riêng 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,8 triệu tấn gạo với giá trị 4,4 tỉ USD. Hạt gạo Việt Nam đã có mặt tại các thị trường, từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ tới châu Phi.
Không chỉ tăng sản lượng sản xuất, giá gạo của Việt Nam cũng tăng lên cùng với chất lượng gạo. Giá bình quân xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt mức 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là năm có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất lịch sử sau hơn 30 năm dòng chảy gạo Việt vươn ra thế giới.
Bên cạnh sản lượng, chất lượng không ngừng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu của hầu hết thị trường cao cấp. Hơn 90% gạo Việt Nam xuất khẩu hiện nay là hàng chất lượng cao, khẳng định vị thế gạo Việt trên thị trường thế giới. Thành công của ngành lúa gạo Việt Nam là sự kết tinh từ những đóng góp không mệt mỏi của những người nông dân trồng lúa, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp chế biến và thương mại.
Hội nghị thượng đỉnh lúa gạo quốc tế 2023, diễn ra tại Philippines từ ngày 27/11 đến 1/12, thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhân tố khác trong chuỗi giá trị gạo.
The Ricer Trader, đơn vị tổ chức hội nghị thượng đỉnh lúa gạo quốc tế và trao giải gạo ngon nhất thế giới 2023 lại khẳng định, giống gạo nhận được giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023 là gạo ST25 đến từ Việt Nam, được phát triển bởi Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.
Có thể thấy, việc gạo Việt Nam được tôn vinh ngon nhất thế giới tăng thêm niềm tự hào cho ngành công nghiệp lúa gạo của Việt Nam.
Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới nhưng các nước vẫn mua vì gạo của Việt Nam thơm nhất, ngon nhất, tươi mới nhất so với gạo của những nước khác.
Điều đáng nói là hạt gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu riêng ở những thị trường cao cấp và khó tính bậc nhất như Nhật Bản, EU. Đó là hành trình đầy gian khó với rất nhiều nỗ lực và quyết tâm không ngơi nghỉ của bao thế hệ nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam.
Tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Trong hành trình phát triển cây lúa, chỉ cách đây vài năm chất lượng gạo Việt xuất khẩu vẫn ở mức thấp nên chỉ bán cho những quốc gia có thu nhập thấp. Nay, hơn 90% gạo Việt xuất khẩu là hàng chất lượng cao, khẳng định vị thế gạo Việt trên thị trường thế giới.
GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, nhờ có những giống lúa tốt, chất lượng gạo Việt dần được nâng cao. Đây cũng là một phần nguyên nhân giá gạo xuất khẩu của nước ta vài năm trở lại đây luôn nằm trong top đầu thế giới.
Nói như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, thành tựu ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay khiến thế giới ngả mũ kính phục, bởi từ một đất nước chạy ăn từng bữa, thậm chí độn khoai, độn sắn đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Thị trường năm 2024 sẽ diễn biến phức tạp
Gạo Việt đang ngày càng nâng tầm và tạo nên thương hiệu uy tín trên thế giới. Ảnh: Chí Quốc |
Mặc dù cơ hội xuất khẩu “rất sáng”, nhưng các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng dự báo thị trường năm 2024 sẽ không lường trước và ở góc độ sản xuất phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Điều quan trọng hơn là trong chuỗi sản xuất lúa gạo không chỉ nông dân có lời mà doanh nghiệp cũng phải có lãi.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An lạc quan cho rằng năm 2024, xuất khẩu gạo có thể tốt hơn khi chúng ta tận dụng được cơ hội thị trường, nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn. Ông Phạm Thái Bình cũng đề xuất phải liên kết doanh nghiệp và nông dân để đôi bên cùng có lợi. “Chính phủ có giải pháp, chính là đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Nếu triển khai thành công nông dân có lãi, doanh nghiệp có lãi” - ông Bình nói.
Liên quan vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân cho hay, để tham gia 1 triệu ha gạo, các tỉnh có thể khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng trước để triển khai sản xuất với nông dân. Hơn nữa, ngành lúa gạo cũng không nhất thiết tất cả đều chạy theo sản xuất gạo ngon, vì vẫn có những thị trường cần gạo bột. Thay vào đó, cần đa dạng sản xuất các giống gạo, loại gạo khác nhau để bán cho những nhu cầu khác nhau… Bên cạnh đó, cần sắp xếp trên thị trường, chia thị phần gạo của mình ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Nếu làm vậy các doanh nghiệp sẽ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình.
Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, khó khăn lớn nhất khi thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo mà Tập đoàn đang gặp phải hiện nay là nguồn tiền để mua lúa khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ. Chỉ trong thời gian ngắn doanh nghiệp phải xoay sở để có đủ nguồn tiền rất lớn để mua hết sản lượng lúa trong vùng nguyên liệu liên kết.
Theo ông Thuận, hiện nay mỗi năm Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang thị trường Philippines khoảng 700.000 tấn gạo. Từ đó, ông Thuận đề xuất phía Philippines có thể hợp tác, lập công ty tài chính để cung cấp vốn cho chuỗi liên kết lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời, sau đó nhận lại bằng nguồn gạo nhập khẩu.
Cũng theo ông Thuận, doanh nghiệp là cầu nối trong chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân sản xuất và cung cấp lúa nguyên liệu cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chế biến và cung ứng ra thị trường. Muốn tạo thành chuỗi được thì phải tổ chức vùng nguyên liệu, chuyển giao quy trình sản xuất cho nông dân. Cùng nhau chia sẻ lợi ích từ chuỗi lúa gạo cách hợp lý, để nông dân họ đồng hành gắn bó lâu dài. Đảm bảo chất lượng, uy tín thương hiệu để giữ được thị trường đang xuất khẩu ổn định.
Nhận định, năm 2024 Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo bằng năm 2023 nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực, bà Đỗ Thị Thu Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp, thủy sản (Tổng cục Thống kê) cho biết, để đạt được mục tiêu đó, ngành lúa gạo cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện các giải pháp để phát triển sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"…
Bộ Công thương thực hiện các giải pháp phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu như: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực Châu Phi và phát triển các thị trường mới, tiềm năng. Song song đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng tiến hành xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam.
Năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt kỷ lục 8,13 triệu tấn |
Một tuần biến động mạnh của giá gạo thế giới |
Không phải ăn may, lý do gạo Việt xuất khẩu cao nhất thế giới là gì? |