Điểm tên 5 mặt hàng vào top "câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD" Giá nông sản hôm nay 2/4: Cà phê và hồ tiêu giữ ổn định Giá nông sản hôm nay 3/4: Cà phê đảo chiều tăng mạnh, hồ tiêu quay đầu giảm |
Giá cà phê liên tục tăng, có thời điểm vượt 100.000 đồng/kg. |
Nông dân hưởng lợi, doanh nghiệp xuất khẩu gồng lỗ
Theo khảo sát, giá cà phê giao dịch tại thời điểm ngày 3/4 trong khoảng 99.600 - 100.200 đồng/kg.
Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 99.600 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 100.100 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 100.000 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 100.200 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 100.100 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 100.100 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 100.000 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 100.000 đồng/kg.
Trên thế giới, bắt đầu từ ngày hôm nay (ngày 2/4/2024) hai sàn giao dịch cà phê lớn nhất thế giới sẽ mở cửa theo giờ giao dịch mùa hè: sàn London sẽ mở của lúc 15 giờ đến 23 giờ 30; sàn New York sẽ mở cửa từ 15 giờ 15 phút đến 0 giờ 30 – tính theo giờ Việt Nam.
Diễn biến trên sàn London, giá cà phê arabica tháng 5 giao dịch một mình vào thứ Hai sau kỳ nghỉ dài đóng cửa tăng 2,95 cent, nằm ở mức 191,8 cent/pound trong khi thị trường cà phê Robusta vẫn còn nghỉ lễ Phục Sinh.
Trong khi đó, giá cà phê Robusta đã tăng lên mức cao kỷ lục vào thứ Tư tuần trước, sau khi Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết vào trước đó một ngày rằng xuất khẩu cà phê niên vụ 2023/2024 của Việt Nam có thể giảm tới 20% so với cùng kỳ do thời tiết khô hạn làm giảm sản lượng. Cũng cần nhắc lại rằng dự báo của Marex Group Plc thâm hụt cà phê Robusta toàn cầu vụ 2024/2025 là khoảng 2,7 triệu bao do sản lượng tại Việt Nam giảm.
Theo thông tin từ Liên đoàn Cà phê Châu Âu do Reuters công bố, việc giá cà phê Robusta tăng cao kỷ lục cũng là cách mà thị trường phản ứng với sự sụt giảm tồn kho ở châu Âu, tổng cộng chỉ đạt 6,7 triệu bao vào cuối tháng 2.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm tồn kho ở châu Âu là do khó khăn về nguồn cung, lượng cà phê Robusta sẵn có ở châu Á khan hiếm và những khó khăn về hậu cần trên tuyến đường Á-Âu do những bất ổn ở Biển đỏ.
Sản lượng tại Việt Nam, nước trồng cà phê Robusta chính trên thế giới, được USDA dự đoán đạt 27,5 triệu bao trong niên vụ 2023/24 thấp hơn nhiều so với mức 31,3 triệu bao được dự báo sơ bộ trước đó.
Giá cà phê ở mức trên 90 triệu đồng một tấn đã đem lại cho nông dân khoản thu nhập lớn. Ông Trần Văn Toàn (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, ông có hơn 1ha cà phê. Niên vụ 2022-2023 vừa qua, gia đình ông thu hoạch được hơn 3 tấn cà phê nhân, sau đó chất kho chờ giá lên. Tuần qua, thấy giá cà phê lên cao, ông đã bán hơn 2 tấn với giá 98.000 đồng/kg, thu về hơn 200 triệu đồng. “Hơn 30 năm làm cà phê, đây là lần đầu tiên tôi bán được cà phê với mức giá cao ngất ngưởng như vậy. Nếu giá cà phê ổn định như thế này thì nông dân làm cà phê chúng tôi lãi lớn”, ông Toàn vui sướng nói.
Trái ngược với niềm vui của người trồng cà phê, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho hay họ đang rất lo lắng với mức giá “nhảy dựng” như hiện nay. Ở thời điểm này, mua hàng về chế biến chỉ có thua lỗ. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Meet More Coffee, cho hay các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến của doanh nghiệp phải tạm dừng vì giá cà phê tăng mạnh, càng làm càng lỗ. Do vậy, doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới. Với các hợp đồng đã ký trước đó không thể đàm phán, doanh nghiệp chấp nhận lỗ, nguy cơ mất thị trường khá lớn.
“Thực tế một số khách hàng quay sang mua cà phê của Ấn Độ với giá rẻ hơn khoảng 1.000 USD/tấn (ở mức 3.400 USD/tấn) so với giá cà phê của Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Luận nói. Ông Phạm Quang Thắng, Giám đốc Công ty VI-EN Coffee (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, công ty chuyên rang xay, sản xuất, chế biến cà phê hạt và cà phê bột cung cấp cho thị trường các tỉnh trên cả nước. Giá cà phê tăng cao như hiện nay khiến công ty gặp khó vì nguyên liệu đầu vào quá cao. Ông Thắng dẫn chứng, đối với nguyên liệu cà phê xô, hiện giá công ty nhập đã gần 100.000 đồng/kg nhưng khi bán ra vẫn tuân thủ theo giá đã được công bố ở thời điểm cà phê còn giá thấp. Do đó, khi giá cà phê cao như hiện nay, biên độ lợi nhuận của công ty giảm mạnh.
Giám sát chặt chẽ việc mở rộng diện tích
các địa phương nên tập trung giám sát chặt chẽ việc mở rộng diện tích, phải đảm bảo tuân thủ quy hoạch, |
Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cà phê đã trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong quý 1- 2024.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 799.000 tấn cà phê, thu về 1,9 tỉ USD; tăng hơn 44 về lượng và tăng hơn 54% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lịch sử khi gần cán mốc 2 tỉ USD chỉ sau 3 tháng.
Đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh, bình quân 3 tháng đạt 2.373 USD/tấn. Về chủng loại, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica, nhưng giảm xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến. Về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường, như: Ý, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc, Philippines...
Giá cà phê tăng từng ngày là tín hiệu đáng mừng cho người trồng cà phê ở nước ta. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), các địa phương nên tập trung giám sát chặt chẽ việc mở rộng diện tích, phải đảm bảo tuân thủ quy hoạch, không để tình trạng cà phê được giá thì ồ ạt trồng, đến lúc khó khăn lại chặt phá, chuyển đổi.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 600.000ha cà phê. Bộ NN-PTNT đã ban hành chương trình tái canh cà phê với mục tiêu giai đoạn 2022-2025 là 107.000ha. Để ổn định thị trường, tránh tình trạng tư thương lợi dụng thời điểm giá cà phê nóng sốt để làm giá hoặc ép giá, các doanh nghiệp cần có kế hoạch bao tiêu, ký kết tiêu thụ với bà con trồng cà phê để đảm bảo số lượng đơn hàng đã ký kết với đối tác nhập khẩu.