Năm 2024, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) được cấp hạn ngạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo, nhưng do vụ thu hoạch lớn vào tháng 3 và 4 bị trễ đến 2 tháng nên Chính phủ Indonesia đã phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo bổ sung 1,6 triệu tấn cho năm nay. Như vậy, tổng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 của Indonesia lên đến 3,6 triệu tấn gạo, đây là con số không hề nhỏ sau nhiều năm nước cố gắng đẩy mạnh sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc nguồn cung gạo từ nước ngoài.
Tính đến nay, Indonesia đã nhập khẩu 650.000 tấn gạo và ký hợp đồng nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo cho năm 2024. Giá gạo ở Indonesia đã tăng thêm khoảng 25% kể từ năm ngoái, sau khi hiện tượng thời tiết El Nino làm giảm lượng mưa năm 2023, làm giảm sản lượng và làm tăng thêm lạm phát lương thực trong nước.
Chính sách phân bổ nhập khẩu gạo vẫn khó dừng lại do sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong triển vọng kinh tế Indonesia năm 2024 do Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia tổ chức, Tổng thống Jokowi xác nhận Indonesia sẽ nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ và 2 triệu tấn từ Thái Lan để đảm bảo an toàn cho kho dự trữ gạo quốc gia vào năm 2024. Tổng thống Indonesia, Joko Widodo |
Được biết, trong đợt công bố thầu hồi cuối tháng 3/2024 của Bulog, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 108.000 tấn gạo. Kết quả này ngay sau đó được cho là đã tác động tích cực lên thị trường lúa gạo trong nước, đẩy giá tăng đáng kể.
Hiện nay trên thị trường xuất khẩu, giá gạo Việt Nam đang tăng, nếu đợt mở thầu 300.000 tấn gạo lần này doanh nghiệp Việt Nam thắng thầu với số lượng lớn thì chắc chắn giá gạo trong nước sẽ tăng lên nữa bởi Việt Nam hiện vào cuối vụ thu hoạch nguồn cung không còn dồi dào như trước và có thể khó mua được hàng.
Bên cạnh đó, trường hợp Iran và Israel xảy ra chiến sự sẽ làm cho tình hình ở Trung Đông càng thêm bất ổn, ảnh hưởng đến giá gạo trên thị trường thế giới và có thể quay về mức giá của năm 2023.
Dự đoán được tình hình này các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải bỏ giá cao, nếu bỏ giá bằng với lần thầu trước sẽ có nguy cơ thua lỗ, vì có nhiều khả năng không mua được hàng giao cho đối tác do giá gạo trong nước tăng cao. Tuy nhiên, chưa biết phía Thái Lan có bỏ giá cao hay không vì nước này đang vào vụ thu hoạch và giá gạo trong nước cũng đang giảm. Hiện nay giá gạo 5% tấm thường của Thái Lan đang bán ra khoảng hơn 570 USD/tấn, và họ cũng đang thu hoạch giống lúa OM5451 của Việt Nam.
Một thương nhân ở TP. Hồ Chí Minh dự đoán, thầu Bulog lần này có thể mức giá bỏ thấp nhất và các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đưa ra mức giá từ 620 USD trở lên (c&f), khoảng 580-590 USD/tấn (fob), tùy vào vị trí giao hàng ở cảng nào ở Indonesia.
Song, có ý kiến cho rằng, giá 580-590 USD/tấn vẫn chưa có lời, vì hiện nay lúa Đông Xuân đã cuối vụ, nguồn cung hạn chế, đặc biệt là nguồn cung gạo IR50404, loại gạo phù hợp với thầu Bulog.
Dù vậy, vẫn sẽ khó đẩy giá Bulog lên cao do họ so sánh với giá một số doanh nghiệp bán đi Philippines chỉ ở mức giá 565 USD/tấn (đi hàng tàu), hàng đi container có giá 580-590 USD/tấn.
“Rất có thể Bulog dựa vào mức giá này để có cớ “đè” giá gạo Việt Nam. Đúng ra, trước khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia đấu thầu Bulog, Bộ Công thương hoặc Hiệp hội Lương thực phải có ý kiến để hạn chế vấn đề tranh bán rồi bỏ thầu giá thấp. Song, chỉ nhìn vào giá bán gạo Philippines chúng ta không biết được bên trong câu chuyện này là như thế nào, rất có thể là do thương nhân Philippines chuyển giá để né thuế”, một doanh nghiệp ở miền Tây dự đoán.
Theo doanh nghiệp này, đợt thầu vừa rồi của Bulog, doanh nghiệp Việt Nam trúng 108.000 tấn gạo đã tác động lên thị trường lúa gạo, đẩy giá tăng lên. Thầu lần này nếu doanh nghiệp tiếp tục trúng với khối lượng lớn thì giá gạo sẽ tiếp tục tăng, do Việt Nam vào cuối vụ thu hoạch nguồn cung dồi dào như trước và có thể khó mua được hàng. Mặt khác, Việt Nam còn phải giao cho Cuba 60.000 tấn gạo mới xong hợp đồng, và còn phải giao hàng cho Malaysia.
Ngoài ra, trong tháng này, các tập đoàn như Olam, Louis Dreyfus và Sika (Singapore) đưa tàu lớn vô lấy hàng giao cho các đối tác ở châu Phi, giá bán dao động từ 630 - 635 USD/tấn. Kho của các ông lớn này còn dự trữ một lượng lớn gạo thơm, nhờ khi lúa Đông Xuân thu hoạch rộ, giá lúa gạo giảm họ tập trung đẩy mạnh mua vào chờ giá tốt bán ra, nay họ đưa tàu vào lấy hàng giao cho khách.
"Tóm lại, khi Bulog mở thầu là điều kiện tích cực giúp giá lúa gạo trong nước tăng lên, đây là một tín hiệu tích cực cho nông dân và thị trường", doanh nghiệp cho biết.
Ở góc độ cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, Bộ Công Thương nhận định, nhu cầu thu mua gạo tăng đột biến của Indonesia là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã từng có kết nối với Indonesia. Để tăng cường lượng xuất khẩu, Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường quảng bá thương hiệu gạo trong nước để có thể xuất khẩu gạo sang thị trường này.
"Để có thể cung ứng với số lượng gạo nhiều nhất cho đợt thu mua tới đây của Indonesia, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đặc biệt là là các doanh nghiệp đã và đang cung cấp gạo dự trữ quốc gia cho Indonesia cần chủ động sớm tiếp cận Cơ quan dịch vụ hậu cần quốc gia Indonesia (Preum Bulog) để quảng bá sản phẩm của mình", Bộ Công Thương nhấn mạnh trên trang thông tin của Bộ.