Tình trạng thiếu gạo trên toàn cầu sẽ tồi tệ hơn, cơ hội của Việt Nam? Hành trình số 1 thế giới của hạt gạo Việt Nam Indonesia nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo, cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam |
Thương hiệu gạo Việt vẫn rất mờ nhạt tại hầu hết các thị trường trên thế giới. |
Gạo Việt thua về thương hiệu trước các nước đối thủ
So với các nước như Thái Lan, Campuchia…, gạo Việt Nam đang có lợi thế rất lớn để xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là gạo Việt thua về thương hiệu trước các nước đối thủ, dù chất lượng có thể tốt hơn.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình, phần lớn gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang EU đều là gạo thô, chưa có thương hiệu riêng. Các doanh nghiệp nhập khẩu sau khi nhập về sẽ đóng bao bì, nhãn mác của họ lên sản phẩm gạo Việt Nam để bán cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, gạo Việt Nam được bán tại Anh quốc với các thương hiệu do các nhà phân phối đặt như: Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood).
Thời gian gần đây, doanh nghiệp đã chú trọng việc xây dựng thương hiệu nên yêu cầu các đối tác nhập khẩu từ phía EU nếu muốn mua gạo sạch, gạo thơm của Công ty Trung An Bình phải đóng bao bì gạo Việt Nam, gắn thương hiệu của Việt Nam. “Ban đầu, chúng tôi lo đối tác sẽ giảm lượng mua và bỏ đơn hàng, nhưng thực tế phía đối tác EU vẫn đặt hàng, người tiêu dùng phản hồi thông tin rất tích cực”.
Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, chuyện buồn của ngành lúa gạo Việt Nam tại thị trường này chính là thiếu bóng dáng thương hiệu gạo Việt.
Ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines - thông tin, dù Việt Nam xuất khẩu gạo sang Philippines rất nhiều, người dân Philippines sử dụng gạo Việt Nam rất nhiều nhưng dường như các nhà nhập khẩu Philippines “không tin tưởng lắm hay sao” nên những bao gạo Việt Nam không bao giờ họ làm nhãn mác to như của Nhật Bản hay Thái Lan.
Cũng theo ông Phùng Văn Thành, trước đây, người tiêu dùng Philippines nói đến gạo là nghĩ đến gạo Thái Lan và Nhật Bản, mặc dù họ tiêu dùng gạo Việt Nam nhưng chưa đánh giá cao. Điều này đặt ra bài toán làm thương hiệu để khi hạt gạo Việt vào các kênh siêu thị của Philippines, hay tại các cửa hàng bán gạo xỉ, bán lẻ tại Philippines để họ tự hào cắm biển “Product of Vietnam” hay “Gạo Việt Nam”. Việc này sẽ tốt hơn cho ngành sản xuất, kinh doanh lúa gạo Việt Nam.
“Năm 2022, Hiệp hội Lương thực Việt Nam có tổ chức đoàn doanh nghiệp xúc tiến thương mại và khảo sát tại hệ thống siêu thị. Tất cả gạo Thái Lan và Nhật Bản khi đóng gói đều có chữ như “Thai Rice”, “Japan Rice” rất to và đẹp trên bao bì; còn gạo Việt Nam tìm mãi không thấy xuất xứ Việt Nam. Sau khi chúng tôi tìm mãi thì mới nhìn thấy chữ “Product of Vietnam” rất nhỏ in ở dưới đáy bao bì”, ông Thành dẫn chứng.
Vì vậy, ông Thành khuyến nghị, ngoài đẩy mạnh về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo, nâng cao chất lượng, nâng cao uy tín của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng như nhà quản lý cố gắng xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Hà Lan là cửa ngõ giao thương hàng hóa vào thị trường châu Âu, trong đó có hoạt động thương mại gạo. Hà Lan nhập khẩu gạo từ 241 quốc và vùng lãnh thổ trên thế giới. Giá trị gạo nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 2,6% tổng giá trị gạo nhập khẩu vào Hà Lan
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, người Hà Lan chủ yếu ăn khoai tây và bánh mỳ nên gạo không phải là thực phẩm chính. Bên cạnh đó văn hoá ẩm thực của Hà Lan bị ảnh hưởng sâu sắc từ Indonesia, Surinam và Ấn độ nên gạo họ sử dụng trong nấu ăn là gạo Basmati, không phải gạo dẻo thơm.
Gạo Việt Nam được nhập khẩu và phân phối chủ yếu tại các siêu thị Á châu do người gốc Việt làm chủ, một số ít vào các siêu thị của Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, chưa tiếp cận được các siêu thị lớn của Hà Lan.
Giá gạo Việt Nam bán lẻ tại các siêu thị Á châu cao hơn gạo nhập từ Thái Lan, Campuchia, dao động từ 3,85 - 4 EUR/kg trong khi giá gạo thơm của Thái Lan từ 3,65-3,85 EUR/kg; gạo Campuchia có giá rẻ hơn, dao động từ 3,5 - 3,65 EUR/kg.
"Gạo Thái Lan, Ấn Độ đã tiếp cận thị trường từ rất sớm, được chứng minh về chất lượng ổn định trong một thời gian dài nên đã có chỗ đứng khá vững tại thị trường. Gạo Việt Nam, được chính người tiêu dùng Việt tại Hà Lan phản ánh là có chất lượng không ổn định, giá lại cao hơn gạo Thái, Campuchia nên rất nhiều trường hợp sau khi dùng một hai lần, họ quay lại dùng gạo Thái Lan với chất lượng ổn định, giá tốt hơn", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan chia sẻ.
Chung tay xây dựng thương hiệu gạo
Nhiều doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh ĐBSCL cho rằng thương hiệu gạo Việt Nam phải là nhiều loại gạo để phù hợp với mọi người và mọi địa hình trong sản xuất - Ảnh: BỬU ĐẤU |
Mặc dù đã đạt được một số kết quả khả quan song theo đánh giá của Bộ Công thương, quy mô sản xuất lúa gạo trong nước hiện vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến có lúc khó kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ; thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường. Đây cũng là một nhân tố khó đoán định.
Trước những nhân tố trên, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững. Đó chính là bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm để giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu đó, cần có sự hợp tác giữa các bộ, ngành, giữa bộ, ngành với doanh nghiệp, hiệp hội, giữa doanh nghiệp, hiệp hội với địa phương sao cho việc tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân - chuyên gia lĩnh vực lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong các loại nông sản, gạo xây dựng được thương hiệu mạnh nhất. Gạo Việt Nam đã xuất khẩu được vào một số thị trường khó tính trên thế giới nhưng để trở thành thương hiệu mạnh và nói đến gạo là nghĩ ngay đến Việt Nam thì còn rất nhiều việc phải làm.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, muốn giá trị cao, chỉ sự cần cù, chịu thương chịu khó thôi chưa đủ, phải nâng quy trình canh tác lên bước gọi là nghệ thuật, là câu chuyện, là khoa học… để bán sản phẩm không chỉ giá trị dinh dưỡng mà phải bán câu chuyện, bán thương hiệu.
Từ chỗ không có chỗ đứng ở thị trường Australia, gạo Việt đang ngày càng trở nên phổ biến ở thị trường này, giành được thị phần từ gạo Thái. Và câu chuyện này cũng cho thấy, nếu được đầu tư xây dựng thương hiệu bài bản, gạo Việt Nam hoàn toàn có thể giành được vị thế ở các thị trường trên thế giới.
Theo Tiến sĩ Trần Văn Ðạt, nguyên chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), người tiêu thụ trong nước cũng như thế giới đều ưa chuộng loại gạo có thương hiệu, dù giá cao hơn. Tại Việt Nam đã có một số hoạt động xây dựng thương hiệu gạo như thương hiệu gạo thơm ST ở Sóc Trăng, Một bụi đỏ Hồng Dân (gạo vàng sẫm có ánh hơi đỏ) ở Bạc Liêu… nhưng còn riêng rẽ, thiếu chiến lược phối hợp và hỗ trợ của Nhà nước.
Do đó, cần thiết lập Chương trình quốc gia xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam. Nhìn nhận vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho rằng, các doanh nghiệp ngành gạo cần đồng loạt vào cuộc, cùng nhau đầu tư về hình ảnh và marketing cho thương hiệu gạo Việt Nam; đầu tư về chất lượng vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu lớn được canh tác theo tiêu chuẩn cao, sản xuất khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn...
Ngoài ra, để xây dựng thương hiệu gạo Việt cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Nhà nước cần hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là nhiệm vụ lớn cần làm |
Năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt kỷ lục 8,13 triệu tấn |
Một tuần biến động mạnh của giá gạo thế giới |