Bế tắc thị trường xuất khẩu giá tôm giảm kỷ lục, cơ hội nào vực dậy ngành tôm dịp cuối năm? Tìm giải pháp khôi phục vị thế cạnh tranh của ngành tôm Ngành tôm được kỳ vọng phục hồi từ quý II/2024 |
Liên kết chuỗi sản phẩm để phát triển ngành tôm bền vững. Ảnh Tép Bạc |
Ngày 23/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ năm 2024. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện một số bộ, ngành ở Trung ương và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương...
Môi trường và dịch bệnh là thách thức lớn với ngành tôm
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bạc Liêu hiện có trên 140.000ha nuôi trồng thủy sản và là một trong 3 tỉnh thành có diện tích, sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước. Sản lượng hằng năm của tỉnh Bạc Liêu đóng góp từ 20-21% tổng sản lượng tôm nuôi toàn quốc.
Trong năm 2023, diện tích thả nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu trên 132.000ha. Đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đã có 25 tổ chức và trên 800 cá nhân đầu tư với diện tích gần 5.000ha. Nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á.
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung phát triển cả về số lượng và chất lượng. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp tôm như hiện nay, thách thức đang đặt ra không chỉ riêng Bạc Liêu mà đối với tất cả các tỉnh, thành nuôi tôm là môi trường và dịch bệnh.
"Ngành thủy sản chưa hết khó", Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu dẫn chứng: Khó vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu và ngư trường gần như cạn kiệt. Do đó, hội nghị là dịp để các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, đặt ra các vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ nhằm phát triển bền vững ngành tôm trong thời gian tới.
Nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường
Phát biểu tham luận, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau chỉ đạt hơn 900 triệu USD. Từ đó cho thấy, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau thời gian gần đây chậm. Nguyên nhân, do diện tích nuôi tôm phổ biến ở Cà Mau là nhỏ lẻ, tình hình nuôi còn mang tính tự phát, liên kết hợp tác sản xuất chậm phát triển và chưa bền vững, khó ứng dụng khoa học công nghệ, dẫn tới năng suất thấp, hiệu quả chưa cao so với các địa phương khác. Đồng thời, giá thành hiện nay là vấn đề lớn của ngành tôm, nếu không có biện pháp trước mắt và lâu dài khắc phục thì khó khăn còn phải đối mặt trong 2024 và trong thời gian tới”.
“Rà soát, hoàn thiện phương án quy hoạch phát triển ngành tôm, quản lý hiệu quả quy hoạch; phối hợp với các địa phương rà soát tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất tôm nuôi; tập trung phát triển nuôi tôm sinh thái, hữu cơ, tôm - lúa có chứng nhận gắn với liên kết, nâng cao giá trị gia tăng; nghiên cứu tìm giải pháp giảm giá thành, nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, xem đây là giải pháp đột phá về sản lượng. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với các tiêu chuẩn chứng nhận để nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường…” - ông Lê Văn Sử đề xuất một số giải pháp.
Đánh giá kết quả nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, Ngành tôm Bạc Liêu đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Ngoài những khó khăn thử thách thường niên như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thì ngành Thuỷ sản Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung phải đối mặt với tình trạng giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, điều này đã tác động rất lớn đối với nghề nuôi tôm của tỉnh, trong khi đó giá vật tư đầu vào lại tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của người nuôi. Đồng thời, cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển ngành tôm cho tỉnh Bạc Liêu (điện, thủy lợi, hạ tầng giao thông,...); sớm triển khai dự án Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Nam Quốc lộ 1A; Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện cơ sở nuôi và bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao...”.
Nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận và biểu dương các địa phương đã nỗ lực vượt qua những khó khăn để hoàn thành các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ trong năm qua. Thứ trưởng đánh giá cao công tác tổ chức và lãnh đạo của các địa phương từ thực tế phát triển tôm nước lợ. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp đã nâng cao năng lực chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu.
“Năm 2023, trước khó khăn thách thức của thị trường thế giới, đặc biệt là tổng thu toàn cầu thay đổi, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt trên 53 tỷ USD, lúa gạo đạt 43,5 triệu tấn, chăn nuôi 7,79 triệu tấn thịt các loại, thủy sản 9,3 triệu tấn và gỗ rừng trồng là 32 triệu m2, nông nghiệp tăng trưởng hơn 3,8%”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Thứ trưởng đề nghị, để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và định hướng phát triển ngành tôm bền vững, các địa phương chú ý liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ.
Theo đó, vùng ĐBSCL cần chú ý đến việc xây dựng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi. Cùng với đó, cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng nuôi, hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản.
"Để phát triển ngành tôm bền vững các địa phương cần tăng cường quản lý Nhà nước về tôm giống, vận chuyển, chất lượng tôm giống. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ về giống, chế phẩm sinh học, tôm nuôi, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị.