Tại sao nói nghề nuôi tôm như... đánh số đề! Bỏ tiền tỷ nuôi tôm công nghệ cao nay giá rớt mạnh chỉ mong thu trăm triệu đã khó |
Nghề nuôi tôm đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. |
Vì sao ngân hàng thừa vốn cũng không dám cho vay nuôi tôm
Những thông tin nhiều chiều về ngành tôm được đem ra bàn thảo tại buổi tọa đàm "Vì một ngành tôm phát triển bền vững" vào ngày 24/5 vừa qua. Buổi tọa đàm do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng Hiệp hội tôm giống Bình Thuận tổ chức. Một trong những vấn đề bất cập là thiếu vốn .
Nhận định về thực trạng ngành tôm, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, xuất khẩu thủy sản năm nay khó đạt mục tiêu 10 tỉ USD nhưng 4 tháng đầu năm xuất khẩu chỉ mới đạt 2,6 tỉ USD, giảm đến 30% so với cùng kỳ 2022.
Những góc khuất của ngành tôm được nhận diện tại Tọa đàm "Vì một ngành tôm phát triển bền vững". |
Riêng ngành tôm, 4 tháng đầu năm xuất khẩu mới được 887 triệu USD, giảm đến 37% so với cùng kỳ 2022. Từ đầu năm đến nay, nhiều ao tôm của bà con không đi vào nhà máy chế biến mà xuất bán sang Campuchia dưới dạng tươi sống; giá tôm nguyên liệu có xu hướng giảm, nhiều bà con không thả nuôi vụ mới.
Một trong những khó khăn lớn nhất của người nuôi tôm là khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – thường gọi "vua tôm" Việt Nam, cho biết giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam cao, các doanh nghiệp lấy mảng chế biến để bù cho giá nguyên liệu nhưng nay thì không thể mua giá cao nữa vì đầu ra giá thấp.
Hiện các nhà máy chế biến rất khó khăn, không có đầu ra, bị tắc dòng tiền, không có tiền trả nợ đến hạn nên buộc giảm giá đẩy hàng. Có doanh nghiệp giảm giá đến 50% và chúng ta càng giảm giá nhà nhập khẩu càng sợ vì không biết giá đã xuống đáy hay chưa.
Người nuôi tôm và sản xuất tôm giống không hy vọng sẽ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. |
"Vua tôm" Minh Phú nêu thực tế về gói tín dụng 10.000 tỉ đồng đang được đề nghị cho các doanh nghiệp thủy sản vay nhưng người nuôi tôm và sản xuất tôm giống không hy vọng sẽ tiếp cận được.
"Ngành nuôi tôm của Việt Nam quá rủi ro, tỉ lệ thành công thấp nên ngân hàng không dám cho vay. Ngay cả vùng nuôi của Minh Phú, tập đoàn bảo lãnh ngân hàng cũng không vay được. Nhiều người đang chết vì lòng tham khi thả tôm mật độ dày để có năng suất, thả tôm dày thì dễ bệnh, dễ chết" – ông Quang thẳng thắn.
Trước đó, tại một hội nghị về vốn tín dụng cho nuôi trồng thủy sản được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng, ông Võ Quan Huy - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh chia sẻ: Để nuôi tôm đạt anwng suất cao và ít rủi ro cần phải đầu tư mô hình nuôi công nghệ cao nhưng vấn đề khó khăn là ở vốn đầu tư. Hiện người nuôi tôm rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng do không có tài sản thế chấp và buộc phải có hóa đơn VAT của đại lý thì mới giải ngân theo từng giai đoạn nuôi. Để tháo gỡ khó khăn này cần có cơ chế tín dụng riêng cho người nuôi tôm, đó là vay theo dự án nuôi tôm.
Bế tắc từ khâu sản xuất con tôm giống
Một trong những vấn đề nổi cộm được nhận diện tại buổi tọa đàm là chất lượng tôm giống. Nhìn từ góc độ nhà chế biến, ông Trương Đình Hòe cho rằng, Việt Nam có cơ sở sản xuất tôm giống rất lớn, tuy nhiên, trong số hơn 2.000 trại giống nuôi, chỉ có hơn 1 nửa trại giống đủ tiêu chuẩn, được cấp giấy chứng nhận.
Như vậy, trên thực tế còn rất nhiều cơ sở tôm giống chưa đủ tiêu chuẩn nuôi trồng, sản xuất theo quy định, nhưng vẫn đưa nguồn tôm giống không đảm bảo chất lượng vào nuôi trồng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng hàng XK. Vấn đề truy suất nguồn gốc đối với tôm giống cần phải được quan tâm, để đảm bảo nguồn tôm có chất lượng, ông Hòe cho biết.
Theo ông Hồ Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận, chủ lực của ngành tôm là xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp lại đang đối mặt với nhiều thách thức, nội tại ngành tôm đang tồn tại nhiều vấn đề lớn, như: chưa có quy hoạch đúng trọng tâm, trọng điểm; chưa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyên ngành; chưa kiểm soát tốt về tiêu chuẩn; chưa quản lý tốt tôm giống về nhu cầu sản lượng để phát triển tràn lan, sản xuất giống không có tiêu chuẩn… nên sản xuất không ổn định, tỉ lệ đạt thấp, chất lượng khó kiểm soát, giá thành sản xuất cao.
Nhiều ý kiến nhận định: Con tôm giống trở thành yếu tố nóng bỏng. |
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ quốc Lực cho biết, vấn đề hết sức cơ bản hiện nay đối với con giống là nâng cao tỉ lệ nuôi thành công. Con giống trở thành yếu tố nóng bỏng. Các trại cung ứng giống phải bảo đảm con giống sạch bệnh và cơ quan chức năng phải kiểm soát tôm giống chất lượng thấp không “trôi nổi” trên thị trường. Không phải dồn cái khó cho mắt xích cung ứng con giống, nhưng bây giờ vai trò con giống trở thành quá quan trọng.
Theo ông Lực, việc nuôi tôm đang gặp khó. Khó khăn đầu tiên là tôm nhiễm bệnh sớm. Nhiều phân tích cho thấy, khác với trước đây, tôm có thể nhiễm bệnh từ tôm bố mẹ. Từ đó làm giảm tỉ lệ nuôi thành công, người nuôi chùng tay thả giống. Liền ngay sau đó, giá tôm thương phẩm giảm giá mạnh liên tục, có thể đã tới mức 30%, nghĩa là vượt qua mức lãi nếu nuôi trúng khá, có nghĩa là nuôi tôm thu hoạch trung bình là cầm chắc lỗ. “Cầm chắc lỗ thì ai dám nuôi, đại lý nào dám đầu tư cho hộ nuôi, khiến người nuôi nhỏ lẻ thêm bế tắc”- ông Lực phân tích.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú cho rằng, để XK bền vững, rất cấp bách phải xây dựng Đề án: Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam. Trong đó, xây dựng các khu sản xuất tôm giống tập trung chất lượng cao đạt đa chứng nhận; xây dựng quy trình nuôi tôm giá thành thấp phù hợp với từng mô hình nuôi và phù hợp với từng vùng miền của Việt Nam.
Buổi tọa đàm "Vì một ngành tôm phát triển bền vững" được đánh giá là có cái nhìn chính diện về những "góc khuất" của ngành tôm Việt Nam. Trong đó có những vẫn đề nổi cộm như nguồn vốn đầu tư, chất lượng con giống... Đây là những điểm nghẽn mà trong suốt hành trình phát triển hàng chục năm qua của ngành tôm vẫn chưa được tháo gỡ./.