Chuyển đổi logistics xanh trong thương mại điện tử là yêu cầu cần thiết Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu Chuyển đổi số thắp lửa mới cho logistics Việt |
Áp lực toàn cầu thúc ép chuyển đổi
![]() |
Doanh nghiệp Việt cần thích ứng với tiêu chuẩn ESG và áp lực phát thải carbon để duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Trong bối cảnh thế giới chuyển mình mạnh mẽ vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0, việc xanh hóa chuỗi cung ứng – trong đó logistics đóng vai trò then chốt – đã vượt khỏi phạm trù tự nguyện. Các hiệp định thương mại thế hệ mới, xu hướng tiêu dùng bền vững và tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đang buộc doanh nghiệp không chỉ làm ăn có lãi, mà còn phải có trách nhiệm với môi trường.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, trên thế giới, ngành logistics chiếm khoảng 25–30% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, trong đó phần lớn đến từ hoạt động vận tải. Tại Việt Nam, dù chưa có số liệu chính thức, nhưng mức độ phát thải cũng được cho là tương đương. Điều này lý giải vì sao logistics được xem là lĩnh vực tiên phong cần chuyển đổi nếu Việt Nam muốn hiện thực hóa các cam kết khí hậu quốc tế.
Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu – Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Xanh TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp Việt đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ khách hàng quốc tế yêu cầu minh bạch hóa chuỗi cung ứng và kiểm toán carbon. Logistics không đơn thuần là vận chuyển hàng hóa, mà trở thành “tấm gương phản chiếu” trách nhiệm môi trường của cả chuỗi sản xuất – tiêu dùng. “Nếu không kịp thời chuyển đổi, doanh nghiệp Việt sẽ bị loại khỏi những thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật Bản”, bà cảnh báo.
Tuy nhiên, bà Mẫu cũng chỉ ra rằng logistics xanh không chỉ là điều kiện để trụ lại thị trường, mà còn là cơ hội để tối ưu chi phí dài hạn, tăng sức cạnh tranh và nâng tầm thương hiệu quốc gia. Nhiều doanh nghiệp tiên phong đã đầu tư phương tiện vận tải tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo tại kho bãi, tích hợp công nghệ IoT để quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn. Đây chính là nền móng cho một hệ sinh thái logistics hiện đại và bền vững.
Xây dựng nền tảng logistics bền vững
![]() |
Xanh hóa chuỗi logistics đòi hỏi đồng bộ hạ tầng, công nghệ và chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi thực chất. |
Dù đã có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng quá trình xanh hóa ngành logistics Việt vẫn gặp vô vàn thách thức – từ vốn, công nghệ đến chính sách và hạ tầng. Theo bà Mẫu, hơn 90% doanh nghiệp logistics hiện nay là vừa, nhỏ và siêu nhỏ, thiếu cả năng lực tài chính lẫn đội ngũ chuyên môn. Việc tiếp cận nguồn vốn xanh, công nghệ vận tải sạch hay các giải pháp số hóa còn rất hạn chế. Trong khi đó, yêu cầu đầu tư cho chuyển đổi xanh lại không hề nhỏ.
Vấn đề thứ hai là thiếu hụt nhân lực chuyên môn. Để triển khai logistics xanh, doanh nghiệp cần nhân sự hiểu về ESG, thành thạo công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến thông minh, và quản lý môi trường. Tuy nhiên, lực lượng lao động logistics tại Việt Nam vẫn chủ yếu học việc tại chỗ, thiếu hệ đào tạo bài bản gắn với xu hướng chuyển đổi bền vững.
Mặt khác, hạ tầng vận tải chưa đồng bộ cũng là điểm nghẽn khiến doanh nghiệp khó triển khai giải pháp xanh một cách toàn diện. Ông Trần Thanh Hải thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng ta nói nhiều về logistics xanh, nhưng ngay cả hành lang vận tải cơ bản như đường sắt, đường thủy cũng chưa khai thác hiệu quả, trong khi đường bộ đang quá tải”. Việc tối ưu hóa tuyến vận tải, giảm phát thải không thể chỉ dựa vào nỗ lực doanh nghiệp, mà cần nâng cấp đồng bộ hạ tầng quốc gia.
Để giải quyết bài toán này, ông Yap Kwong Weng – CEO Việt Nam SuperPort™ – nhấn mạnh vai trò của chính sách dẫn dắt. Theo ông, cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho xe điện, vận tải xanh, đồng thời khuyến khích tài chính xanh và cơ chế hợp tác công – tư (PPP) để thu hút nguồn lực đầu tư. “Miễn thuế đăng ký xe điện, ưu đãi cho kho bãi sử dụng năng lượng tái tạo, hay đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu thiết bị công nghệ xanh là những bước đi cần thiết và khả thi trong ngắn hạn”, ông đề xuất.
Về dài hạn, cần tích hợp logistics xanh thành một trụ cột trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Các quy hoạch hạ tầng cần ưu tiên tính kết nối và khả năng tích hợp vận tải đa phương thức, nhằm giảm phụ thuộc vào vận tải đường bộ – vốn gây nhiều phát thải nhất. Đồng thời, hệ thống đào tạo nhân lực logistics cũng cần được “xanh hóa” về nội dung và phương pháp, nhằm cung cấp đội ngũ chuyên sâu sẵn sàng cho chuyển đổi.
Một điểm quan trọng khác là cần thu hẹp khoảng cách giữa cam kết và thực thi. Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 163/NQ-CP về phát triển chuỗi cung ứng bền vững, nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn thiếu hướng dẫn cụ thể để áp dụng vào thực tế. Việc minh bạch hóa tiêu chí ESG, thống nhất hệ thống báo cáo phát triển bền vững và tăng cường vai trò của hiệp hội ngành nghề sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm hơn khi bước vào “cuộc đua xanh”.
Logistics xanh là xu thế không thể đảo ngược trong kỷ nguyên hậu carbon. Để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt cần bắt đầu từ những bước đi nhỏ nhưng thực chất, đồng thời kỳ vọng sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ chính sách, hạ tầng và hệ sinh thái tài chính xanh. Bởi lẽ, chỉ khi toàn ngành cùng chuyển động, chuyển đổi xanh mới không còn là khẩu hiệu, mà trở thành lợi thế cạnh tranh bền vững.