Giá tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm (cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng). |
Giá tôm thấp kỷ lục kể từ đầu năm
Thời điểm này, tỉnh Kiên Giang đang thu hoạch tôm chính vụ, nhưng giá tôm trên thị trường giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 khiến cho nông dân nuôi tôm kém vui, lợi nhuận thấp sau khi trừ chi phí sản xuất.
Cụ thể, tôm sú kích cỡ 30 con/kg giá từ 145.000 - 150.000 đồng/kg, giảm từ 60.000 - 70.000 đồng/kg và loại trên 30 con/kg giá từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, giảm từ 50.000 - 60.000 đồng/kg; tôm thẻ kích cỡ 100 con/kg giá từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, giảm từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá tôm sụt giảm do ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hàng hóa giảm. Trong 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt hơn 130 triệu USD, giảm 16,87% so cùng kỳ.
Để cạnh tranh ký kết hợp đồng xuất khẩu với đối tác trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản phải giảm giá thu mua nguyên liệu đầu vào, giảm giá thành sản xuất; trong đó, có mặt hàng tôm dẫn đến giá tôm nguyên liệu giảm sâu. Mặt khác, một số thị trường xuất khẩu thủy sản truyền thống đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp.
Nông dân ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang cân tôm bán cho thương lái. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh đến nay hơn 134.390 ha, đạt 97,6% kế hoạch năm ; trong đó, nuôi tôm công nghiệp 3.194 ha, nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến 24.897 ha và tôm - lúa hơn 106.300 ha. Sản lượng tôm thu hoạch 93.268 tấn, đạt 77,4% kế hoạch và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá tôm liên tiếp sụt giảm do hiện tại đang vào mùa vụ nuôi tôm chính, không chỉ ở Việt Nam mà còn tập trung ở các nước nuôi tôm khác như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia, trong khi tình hình xuất khẩu bị đình trệ.
Trong tháng Bảy, diện tích thu hoạch tôm tăng do giá thu mua tôm tại các nhà máy lớn ổn định và có xu hướng tăng. Mặt khác, xuất khẩu tôm có những tín hiệu tích cực. Sản lượng tôm tháng Bảy ước đạt 123.400 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung, sản lượng tôm 7 tháng ước đạt 590.100 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, sản lượng tôm sú đạt 147.700 tấn, tăng 1,3%; tôm thẻ chân trắng ước đạt 404.600 tấn, tăng 5%.
Kỳ vọng khôi phục thị trường xuất khẩu tôm
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), chia sẻ giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.
Nhìn từ góc độ nhà chế biến, Việt Nam có cơ sở sản xuất tôm giống rất lớn, tuy nhiên, trong số hơn 2.000 trại giống nuôi, chỉ có hơn một nửa trại giống đủ tiêu chuẩn, được cấp giấy chứng nhận.
Trên thực tế, còn rất nhiều cơ sở tôm giống chưa đủ tiêu chuẩn nuôi trồng, sản xuất theo quy định, nhưng vẫn đưa nguồn tôm giống không đảm bảo chất lượng vào nuôi trồng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng hàng xuất khẩu. Vấn đề truy suất nguồn gốc đối với tôm giống cần phải được quan tâm, để đảm bảo nguồn tôm có chất lượng.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, dựa vào sự tiêu thụ của các thị trường, cũng như các điều kiện văn hóa lễ hội của các quốc gia, Mỹ và Trung Quốc là hy vọng cho con tôm Việt trong những tháng cuối năm nay.
Hiện nay, các kho lạnh nơi thị trường nhập khẩu như Mỹ, châu Âu vơi dần, các nhà nhập khẩu, bán lẻ, bán buôn của Mỹ sẽ bắt đầu xem xét việc tăng nhập hàng trở lại. Điều này sẽ thúc đẩy giá tôm cao hơn, và có vẻ như giá tôm đã tạo đáy. Mức tiêu thụ tôm cho các lễ hội cuối năm cũng dự kiến tăng. Nguồn cung tàu vào container đang ở trạng thái thuận lợi.
Giá tôm giảm sâu khiến người nuôi tôm đối mặt với thua lỗ. |
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để có thể hỗ trợ ngành chế biến, xuất khẩu tôm trong giai đoạn cuối năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng kể từ cuối tháng 7/2023 đến ngày 30/6/2024, lãi suất thấp hơn lãi suất tối thiểu từ 1-2%/năm so với lãi suất cho vậy bình quân cùng kỳ hạn.
Các ngân hàng thương mại, có thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ. Đối với các khách hàng thuộc lĩnh vực nuôi trồng chế biến thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng.
Chương trình hỗ trợ nguồn vốn 15.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản được dùng bằng nguồn vốn huy động của 12 ngân hàng cho vay theo cơ chế thương mại thông thường.
Việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất vay từ 1-2% và cấp hạn mức nới thêm sẽ là hỗ trợ quan trọng để các doanh nghiệp dễ thở hơn. Các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để thu mua nguyên liệu, giúp ổn định nguồn nguyên liệu cho chế biến, trữ hàng phục vụ xuất khẩu cho các quý tiếp theo. Điều này vừa giúp nông dân yên tâm tiếp tục nuôi trồng giữ vững chuỗi sản xuất, sẵn sàng cho đến khi các thị trường nhập khẩu hồi phục sức mua.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp mong cơ quan chức năng chung tay có giải pháp hỗ trợ khơi thông thị trường đầu ra và các chính sách phải được áp dụng đồng bộ. Như vậy, doanh nghiệp thủy sản mới tiếp cận được gói hỗ trợ để được tiếp thêm sức vượt qua thời điểm khó khăn này.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết vào cuối quý 2 vừa qua, trước những tác động của tình hình kinh tế thế giới, ngành thủy sản Việt Nam phải điều chỉnh giảm mục tiêu xuất khẩu từ 11 tỷ USD xuống 10 tỷ USD, thậm chí có kịch bản tính tới chỉ còn 9 tỷ USD, giảm thị phần vào Mỹ và tăng cường đẩy hàng sang châu Âu, Trung Quốc. Căn cứ vào ngành hàng, căn cứ tín hiệu thị trường để thúc đẩy xúc tiến thương mại, để về đích. Đây cũng là một trong những cách để giảm áp lực cho ngành tôm về đích trong năm nay./.