Những khó khăn của ngành Tôm cũng là nguyên nhân dẫn tới xuất khẩu thủy sản giảm sút từ đầu năm tới nay. |
Chưa qua nửa năm đã hụt thu 1,3 tỷ USD xuất khẩu thủy sản
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 5 vừa qua, xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt 809,5 triệu USD, tăng 8,9% so với tháng 4/2023 nhưng vẫn giảm mạnh so với mức 1,06 tỷ USD của tháng 5/2022.
Tính đến hết tháng 5/2023, xuất khẩu nhóm hàng này chỉ đạt gần 3,38 tỷ USD, giảm 27,9% - tức hụt thu hơn 1,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mỹ là thị trường giảm mạnh nhất, với hơn 50% tiếp đến là thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%.
Tôm là mặt hàng bị sụt giảm mạnh nhất, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,2 tỷ USD. Tiếp đến là cá tra, trong 5 tháng đầu năm nay cũng giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 841 triệu USD. Các thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ đều giảm mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam. Xuất khẩu cá ngừ 5 tháng đầu năm nay cũng giảm 31% chỉ đạt 317 triệu USD.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm nay. Trong đó, xuất khẩu cá tra chỉ thu về 690 triệu USD, giảm 40,7%; tôm đạt 1,22 tỷ USD, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến hết tháng 5/2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt gần 3,38 tỷ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước. |
Theo Bộ NN-PTNT, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng.
Báo cáo phân tích ngành thủy sản, CTCK VNDirect kỳ vọng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2023 sẽ hồi phục khi nhu cầu tiêu thụ của ba thị trường chính gồm Mỹ, EU, Trung Quốc có dấu hiệu tăng.
Cụ thể, tại thị trường Mỹ, sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm và nhu cầu cao phục vụ dịp lễ cuối năm. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta sang Mỹ trong nửa cuối năm 2023 sẽ tăng 40-50% so với cùng kỳ.
Tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định trong nửa cuối năm nay. Lạm phát ở EU vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung các loại cá thịt trắng khác, như cá minh thái, bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine, cá tra Việt Nam vẫn rộng cửa ở thị trường này.
Riêng thị trường Trung Quốc, VNDirect dự báo xuất khẩu thủy sản sang thị trường 1,4 tỷ dân này sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm nay.
Ngành tôm lộ rõ "tử huyệt"
Một trong những yếu tố khiến xuất khẩu thủy sản giảm sút là con tôm, đây cũng là mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất trong nhóm thủy sản xuất khẩu. Người nuôi tôm trong nước đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi giá tôm liên tục giảm.
Trong tháng 5/2023, giá tôm nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL có xu hướng giảm đối với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng do xuất khẩu chậm, trong khi lượng thu hoạch tăng cao dẫn đến cung vượt cầu.
Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ lớn 20 con/kg giảm 18.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 242.000 đồng/kg; cỡ 30 con/kg giảm 13.000 đồng/kg còn 197.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg giảm 5.000 đồng/kg còn 145.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 30 con/kg giảm 18.000 đồng/kg so với tháng trước, xuống còn 117.000 đồng/kg; cỡ 40, 60, 70 con/kg giảm 8.000-10.000 đồng/kg còn lần lượt 111.000 đồng/kg, 91.000 đồng/kg, 83.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg giảm 5.500 đồng/kg còn 76.500 đồng/kg.
Tôm là mặt hàng bị sụt giảm mạnh nhất, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,2 tỷ USD. |
Nhận diện những "tử huyệt"của ngành tôm, tại Hội nghị vừa được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức (ngày 12/6), ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Cà Mau), khẳng định, nếu không có giải pháp giảm giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành tôm Việt sẽ suy thoái, thất bại, thậm chí không thể tồn tại. Ông nêu các dẫn chứng điển hình.
Cụ thể, giá thành tôm Việt Nam đang ở mức 4,8-5 USD/kg, cao hơn 100% so với Ecuador (2,3-2,4 USD/kg), cao hơn 30% so với Ấn Độ (3,4-3,8 USD/kg).
Tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam thấp (dưới 40%), thấp hơn so với Ecuador (90%) và Ấn Độ (60-70%). Tỷ lệ tôm sống thấp trong nuôi thương phẩm do chưa chủ động chọn giống và sản xuất tôm giống có sức chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường.
Đáng lo, Việt Nam chưa kiểm soát tốt bệnh tật trên tôm. Tôm nuôi nhiễm kháng sinh, thiệt hại có thể lên tới 2 tỷ USD. Ước tính mỗi năm, Việt Nam “đốt” từ 7.000-10.000 tỷ đồng chi phí kiểm định kháng sinh.
Mật độ nuôi tôm trong nước đang cao hơn so với sức tải sinh thái và khả năng quản lý ao nuôi, gây rủi ro lớn. Trước kia, doanh nghiệp nuôi tôm mật độ khoảng 80 con/m2, sản lượng thu hoạch tốt. Đến khi sản lượng tăng đến 150-250-500 con/m2 thì công ty thất bại, lỗ thảm hại.
Trong khi đó, Ấn Độ đang giữ mật độ nuôi tôm vừa phải, chỉ khoảng 60 con/m2; Ecuador là 20-30 con/m2; còn Việt Nam trung bình từ 250-500 con/m2.
“Chúng ta nuôi tôm lớn nhanh, mật độ cao nhưng môi trường nuôi thì đầy rẫy mầm bệnh. Tất cả xuất phát từ lòng tham, muốn tôm lớn nhanh để rút ngắn thời gian thu hoạch, thả mật độ cao để có sản lượng lớn. Chúng tôi quá tham nên thất bại. Chính lòng tham đã giết chúng ta”, ông Quang thừa nhận.
Chủ tịch VASEP cho rằng, thời gian tới, ngành nuôi mà không sống được thì toàn ngành sẽ không sống được. Trong chuỗi giá trị của con tôm, chúng ta làm tốt ở khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu, tuy nhiên, hệ sinh thái con giống, nguyên liệu của ngành tôm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước chú trọng trong một thời gian dài. Giá thành tôm Việt Nam đang tụt hậu so với thế giới./.