Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2023 Nhiều thị trường xuất khẩu tôm tăng trưởng dương Xuất khẩu tôm năm 2023 dự kiến thu về 3,6 tỷ USD |
Tìm giải pháp khôi phục vị thế cạnh tranh của ngành tôm. |
Liên tục tăng trưởng âm
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 322 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 9 năm nay nhìn thấy tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan với mức tăng trưởng dương từ 1 - 54%.
Các thị trường lớn còn lại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận tăng trưởng âm từ 10 - 26% tuy nhiên mức giảm đã thấp hơn so với những tháng trước đó. Riêng thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), sau khi tăng trưởng dương trong 3 tháng 6, 7 và 8, xuất khẩu tôm sang thị trường này lại tiếp tục xu hướng giảm.
Theo đó, tháng 9/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 13%, đạt 61 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 454 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân do, sau kỳ nghỉ lễ dài gồm Tết Trung thu và ngày Quốc khánh ở Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ tôm ghi nhận giảm mạnh. Tồn kho cao do trước đó, Trung Quốc nhập khẩu nhiều tôm từ Ecuador.
Các công ty nắm hàng tồn kho, không muốn giảm giá bán để giải phóng hàng. Sự kiện xả nước thải hạt nhân từ Nhật Bản cũng được cho là có ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung trong đó có tôm tại thị trường Trung Quốc. Dự kiến, trong quý cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc cũng chưa thể phục hồi.
Theo VASEP, Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9 - đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 9 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất so với 2 tháng trước đó với mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 520 triệu USD, giảm 23%.
Cùng với xu hướng tăng nhập khẩu tôm, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng khá khả quan. Với những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường như Mỹ, Canada, Australia, nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay tiếp tục thu hẹp mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.
Bên cạnh những thuận lợi thì tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, bên cạnh những thách thức nội tại như hoạt động nhỏ, tự phát; tỉ lệ nuôi thành công thấp, giá thành cao; tôm giống chất lượng chưa cao, còn do các yếu tố khách quan như tình hình lạm phát ảnh hưởng đến chi phí đầu vào tăng, đồng Euro mất giá, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm, cộng thêm tình hình chiến sự Nga - Ukraine kéo dài… đã làm ảnh hưởng đến xuất khẩu.
“Vào những tháng cao điểm xuất khẩu cuối năm, nhu cầu thị trường thế giới có thể có biến động khó dự đoán do lạm phát, cạnh tranh về giá với các nước xuất khẩu khác…”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.
Xuất khẩu tôm 9 tháng đầu năm 2023 vào thị trường EU chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khuyến nghị, thời gian tới, các doanh nghiệp phải tăng cường các sản phẩm thế mạnh như: sản phẩm hữu cơ, bền vững, giá trị gia tăng; có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp; đồng thời, tận dụng triệt để các lợi thế từ Hiệp định EVFTA để nâng sức cạnh tranh để xuất khẩu vào thị trường này.
Thị trường Trung Quốc hiện đang chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường này, ông Trương Đình Hòe khuyến nghị, các doanh nghiệp cần phải linh động với hình thức xuất khẩu, lựa chọn cách thức thanh toán phù hợp. Đồng thời, cập nhật các chính sách nhập khẩu của Trung ương và địa phương. Đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh như tôm sú. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế địa lý đẩy mạnh xuất khẩu tôm Việt Nam vào Trung Quốc.
“Để xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,6 tỉ USD trong năm 2023, trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm lợi thế là tôm sú. Đồng thời tăng cường xuất khẩu vào Trung Quốc, tăng cường xuất các sản phẩm tôm có giá trị gia tăng vào thị trường EU, tận dụng lợi thế từ Hiệp định EVFTA để tăng sức cạnh tranh…”, ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh.
Trước đó, ông Trương Đình Hòe dự báo, hết năm 2023 xuất khẩu tôm dừng lại ở mức 3 tỷ USD đã là thành công. Con số này thấp hơn so với kế hoạch mà ngành thủy sản đặt ra cho mặt hàng tôm xuất khẩu trong năm nay là trên 4,3 tỷ USD.
Cần giải pháp tổng thể
Chế biến tôm xuất khẩu. |
Trước viễn cảnh không nhiều khả quan của thị trường tiêu thụ tôm, các chuyên gia ngành tôm đã tìm mọi biện pháp để thúc đẩy con tôm phát triển, giúp người nuôi trụ được với nghề, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do biến động kinh tế.
Gần đây nhất, tại Hội thảo chuyên ngành tôm diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia ngành tôm thế giới cho rằng nếu tình hình tiêu thụ trong nửa cuối năm tốt lên thì dự kiến sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn sụt giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Willem van der Pijl, một chuyên gia quốc tế hàng đầu trong ngành tôm, nhà sáng lập Shrimp Insights, dựa trên các số liệu về xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt khoảng 320.000 tấn.
Năm nay, Việt Nam và tất cả các quốc gia cung cấp tôm đều bị giảm khối lượng xuất khẩu tôm sang Mỹ. Đối với thị trường Trung Quốc, cũng khó duy trì tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19.
Ông Jesper Clausen, Giám đốc Toàn cầu về Dinh dưỡng và Hỗ trợ Thủy sản của Tập đoàn De Heus (Hà Lan) chia sẻ ước tính, tổng sản lượng tôm nuôi toàn cầu năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,3 triệu tấn, tăng 5% so với năm trước.
Sản lượng tôm nuôi từ đầu năm đến nay của một số quốc gia hàng đầu về ngành tôm như Ecuador đã tăng 14%, Ấn Độ tăng 2%, Thái Lan giảm 9%, Indonesia giảm 13%. Đáng chú ý, sản lượng của Việt Nam giảm đến 32% cũng bởi mức tiêu thụ của thế giới giảm mạnh trong hai năm trở lại đây, tác động đến giá tôm trong nước. Người nuôi giảm lợi nhuận nên cũng giảm diện tích thả nuôi so với trước đó.
Chính vì những biến động này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm buộc phải tận dụng mọi lợi thế về chất lượng của con tôm Việt Nam, đa dạng sản phẩm chế biến cũng như đa dạng loại hình sản phẩm, tận dụng các hiệp định thương mại tự do để có thể tăng cường xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp phải tăng cường các sản phẩm thế mạnh như sản phẩm hữu cơ, bền vững, giá trị gia tăng; có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp; đồng thời tận dụng triệt để các lợi thế từ Hiệp định EVFTA để xuất khẩu vào thị trường này.
Thị trường Trung Quốc hiện đang chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường này, các doanh nghiệp cần linh động hình thức xuất khẩu, lựa chọn cách thức thanh toán phù hợp.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu tôm trong năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp quản lý, bình ổn giá cả vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm, tránh tình trạng tăng giá liên tục như hiện nay. Đồng thời, quản lý tốt giá tôm nguyên liệu, tránh để tình trạng tôm rớt giá ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế chính sách, nhất là về vốn hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất thức ăn nuôi tôm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể đạt khoảng 9,2 tỷ USD |
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tiếp đà phục hồi |
Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2023 |