Xuất khẩu cao su đạt gần 1,9 tỷ USD trong 9 tháng năm 2023 Xuất khẩu cà phê tháng 9 của Việt Nam giảm mạnh về lượng và trị giá Xuất khẩu rau quả có thể mang về hơn 5,5 tỉ USD trong năm 2023 |
Số liệu thống kê vừa được Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam công bố cho thấy hoạt động xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc trong năm 2023 còn bấp bênh. Nguyên nhân là Việt Nam vẫn chỉ xuất tôm hùm sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Trong khi đó, Trung Quốc đang dần áp dụng những điều kiện nghiêm ngặt về nhập khẩu nông, lâm, thủy sản nước ngoài. Họ ngày càng hạn chế nhập đường tiểu ngạch. Người nuôi tôm hùm luôn gặp nhiều rủi ro khi giá cả lên xuống thất thường, bị thương lái ép giá…
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) dẫn số liệu của Hải quan Trung Quốc cho biết 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc đạt 32.358 tấn, trị giá trên 962 triệu USD, tăng 19% về khối lượng và 1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng hàng nhập từ Việt Nam chỉ chiếm 8%..
Các nguồn cung tôm hùm lớn nhất cho Trung Quốc gồm Canada, Mỹ, New Zealand, Cuba, Ấn Độ, Brazil, Mexico…Việt Nam đứng thứ 14 về cung cấp tôm hùm cho Trung Quốc, chiếm thị phần nhỏ 1%. Các sản phẩm tôm hùm của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gồm tôm hùm đá, tôm hùm bông, tôm hùm xanh tươi, sống.
Mới đây, Trung Quốc tiếp tục hạn chế nhập tôm hùm từ Việt Nam để kiểm soát dịch bệnh. Hôm 22/9, khoảng 6 tấn tôm hùm của các doanh nghiệp xuất qua cửa khẩu Móng Cái đã chết do phía Trung Quốc hạn chế nhập.
Theo các nhà xuất khẩu, ngoài bị siết nhập khẩu, giá tôm hùm Việt Nam đang cao hơn sản phẩm từ Canada, Cuba... nên bị cạnh tranh mạnh.
Để đảm bảo thuận lợi trong tương lai, theo VASEP cho rằng việc đưa tôm hùm xuất khẩu chính ngạch là rất cần thiết. Muốn vậy, việc cấp thiết là tạo liên kết sản xuất, thu mua, xuất khẩu tôm hùm gắn với truy xuất nguồn gốc.
Để xuất khẩu tôm hùm chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải được cấp mã xuất khẩu do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp); có chứng thư kiểm dịch của các chi nhánh của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cấp.
Người nuôi cần tập trung chăm sóc và theo dõi sát diễn biến của thị trường, thả nuôi mật độ vừa phải và đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025, tổng sản lượng nuôi đạt 3.000 tấn một năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD một năm. Các tỉnh sản xuất tôm hùm lớn nhất cả nước như Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang...