Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cán mốc 62,08 tỷ USD trong tháng 8/2023 Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục có xu hướng tăng Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 464 tỷ USD |
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt gần 500 tỷ USD trong 9 tháng |
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,53 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 497,66 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 8,2%; nhập khẩu giảm 13,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 6,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,11 tỷ USD, giảm 3,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Chín tăng 4,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 0,5%.
Trong quý III năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,3% so với quý II năm 2023.
Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỷ USD, giảm 5,7%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 190,81 tỷ USD, giảm 9,1%, chiếm 73,5%.
Trong 9 tháng năm 2023 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 3,21 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 229,22 tỷ USD, chiếm 88,3%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 20,6 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 6,64 tỷ USD, chiếm 2,6%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 29,12 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,37 tỷ USD, giảm 1,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,75 tỷ USD, giảm 0,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Chín tăng 2,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,3%.
Trong quý III năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 86 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11% so với quý II năm 2023.
Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,12 tỷ USD, giảm 11,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 152,87 tỷ USD, giảm 14,9%.
Trong 9 tháng năm 2023 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,7% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 39,3%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 9 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 223,08 tỷ USD, chiếm 93,7%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,5%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,3%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 14,91 tỷ USD, chiếm 6,3%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,1 tỷ USD.
Trong 9 tháng năm 2023, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 60,7 tỷ USD giảm 18% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, giảm 10,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,3 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,5 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 36,9 tỷ USD, giảm 26,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 20,7 tỷ USD, giảm 29,7%; nhập siêu từ ASEAN 5,7 tỷ USD, giảm 39,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng Chín ước tính xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 37,94 tỷ USD.
Về xuất, nhập khẩu dịch vụ, trong quý III/2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 11,6% so với quý trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,9% so với quý trước.
Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó dịch vụ du lịch đạt 6,6 tỷ USD (chiếm 46,5% tổng kim ngạch), gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 4,1 tỷ USD (chiếm 28,6%), tăng 6,6%.
Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng năm 2023 ước đạt 20,9 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 7,5 tỷ USD), tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 9,1 tỷ USD (chiếm 43,6% tổng kim ngạch), giảm 5,9%; dịch vụ du lịch đạt 5,4 tỷ USD (chiếm 25,9%), tăng 9,9%. Nhập siêu dịch vụ 9 tháng năm 2023 là 6,7 tỷ USD.
Các giải pháp nhằm phát triển thị trường xuất khẩu
Việt Nam có hơn 180.000 ha đất nông nghiệp dùng để trồng dừa |
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…
Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.
Việt Nam xuất siêu hơn 20 tỷ USD sau 8 tháng |
Bổ sung 3 nước được áp dụng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP |
Hoạt động xuất khẩu đã có sự khởi sắc |