Rau quả và gạo là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu Nhật Bản tăng mạnh nhập khẩu chuối từ Việt Nam Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng 3 con số |
Xuất khẩu rau quả có thể mang về hơn 5,5 tỉ USD trong năm 2023 |
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 9/2023 ước đạt gần 587 triệu USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,134 tỉ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ 2022.
Xuất khẩu rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhờ trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Trong tháng 8/2023, trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 266,3 triệu USD, tăng 186,3% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 2,3 tỉ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang các thị trường như EU, Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan.
“Xuất khẩu trái cây đã tăng trưởng mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm 2023 do Trung Quốc mở cửa khẩu, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 đã tạo đà cho xuất khẩu năm 2023”, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group cho hay.
Nhiều doanh nhân lĩnh vực xuất nhập khẩu nhận định, xuất khẩu rau quả có thể lập kỷ lục mới trong năm 2023 - kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả trong tháng 9.2023 ước đạt gần 587 triệu USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,134 tỉ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ 2022.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - dự báo, từ nay đến cuối năm còn 3 tháng, lại là thời điểm lễ, Tết, nên xuất khẩu rau quả còn dư địa rất lớn. Đặc biệt, các tháng còn lại là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng cả nước khoảng 7,6 triệu tấn, giá trị kim ngạch XK rau quả sẽ còn cao hơn bình quân các quý trước.
“Xuất khẩu rau quả có thể mang về hơn 5,5 tỉ USD trong năm 2023. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng mới có giá trị xuất khẩu trên 1,7 tỉ USD, góp phần vào nhóm hàng "tỉ đô" của ngành nông nghiệp” - ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định.
Các chuyên gia nhận định, bên cạnh sầu riêng, các mặt hàng chuối, dừa, thanh long, nhãn, chôm chôm, bưởi... sẽ tiếp tục mang về giá trị kim ngạch lớn trong năm nay. Bà Phạm Thị Vân - Giám đốc Công ty TNHH Dừa Cười (Cocosmile) cho hay, ngoài xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, doanh nghiệp đang chuẩn bị khai mở thêm các thị trường mới.
Hiện nay, trái dừa của Việt Nam đang đi tới rất nhiều quốc gia |
“Hiện nay, trái dừa của Việt Nam đang đi tới rất nhiều quốc gia, Hiệp hội Dừa quốc tế cũng công nhận Việt Nam là nước sở hữu sản phẩm dừa đa dạng nhất. Chính vì thế, khi có thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch, ngành dừa sẽ nhanh chóng tham gia câu lạc bộ tỉ USD”, bà Vân nói.
Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho rằng, con đường xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang ngày càng rộng mở với những “tấm giấy thông hành” ra thế giới qua các nỗ lực đàm phán không ngừng với các đối tác thương mại. Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường không chỉ là nỗ lực của các cơ quan chức năng mà còn cần sự phối hợp cố gắng từ chính các doanh nghiệp. Cụ thể doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thị trường và xây dựng vùng chuyên canh trồng sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cao từ các thị trường khó tính trên thế giới.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm, mục tiêu tăng trưởng toàn ngành từ 3,4-3,5% hoàn toàn khả thi, quan trọng nhất là tập trung cho xuất khẩu các ngành hàng để đạt mục tiêu 54 tỷ USD.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật phối hợp tốt trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, nỗ lực xúc tiến mở rộng thêm các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch khác; đồng thời bảo đảm dự báo thị trường phục vụ tốt cho nông dân, tránh dư thừa không tiêu thụ được. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Liên minh kinh tế Á-Âu... Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), HIệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.