Xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc đang “ấm dần” Xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ và Trung Quốc tiếp đà tăng Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2023 |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, trong tháng 9, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 322 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm của xuất khẩu tôm đã thu hẹp dần qua từng tháng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ. Về sản phẩm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng (chiếm tỷ trọng 74%) đạt 1,9 tỷ USD, giảm 26%; xuất khẩu tôm sú đạt 356 triệu USD (chiếm tỷ trọng 14%), giảm 23%; còn lại là giá trị xuất khẩu tôm loại khác với 298 triệu USD, giảm 28%, trong đó xuất khẩu tôm khác đóng hộp và tôm khác khô tăng trưởng dương lần lượt 20% và 57%.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 9 năm nay đã nhìn thấy tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan cũng có tín hiệu tích cực, mức tăng trưởng dương 1%-54%. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hong Kong trong tháng 9 lại sụt giảm, cắt đứt đà tăng ba tháng liên tiếp.
Mặt khác, vụ việc Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy hạt nhân ra biển cũng ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung, trong đó có tôm tại thị trường Trung Quốc. VASEP cho rằng trong quý cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc chưa thể phục hồi.
Các thị trường lớn còn lại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận tăng trưởng âm từ 10 - 26%, tuy nhiên mức giảm đã thấp hơn so với những tháng trước đó. Riêng thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, sau khi tăng trưởng dương trong 3 tháng 6,7 và 8, xuất khẩu tôm sang thị trường này lại tiếp tục xu hướng giảm.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam từ năm 2022 đến T9/2023 (triệu USD) |
Tính chung 9 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. VASEP kỳ vọng xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm nay sẽ thu hẹp mức giảm và đạt kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.
Trong tháng 9, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hong Kong đạt 61 triệu USD, giảm 13% so với tháng 9/2022. Lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm sang thị trường 1,4 tỷ dân đạt 454 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ. Dự kiến, trong quý cuối năm nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc cũng chưa thể phục hồi.
Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9 - đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương. Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 9 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất so với 2 tháng trước đó, đạt mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 520 triệu USD, giảm 23%.
Nhập khẩu tôm vào Mỹ trong tháng 8 năm nay tiếp tục tăng với tổng cộng 73.429 tấn, tăng từ 71.388 tấn của tháng 8/2022 và từ 69.356 tấn trong tháng 7/2023. Ấn Độ, Ecuador và Indonesia tiếp tục là 3 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ.
Cùng với xu hướng tăng nhập khẩu tôm, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng khá khả quan. Theo dự báo của IMF, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023 và 1,5% trong năm 2024, lần lượt tăng 0,3 và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7.
Mỹ là nhà xuất khẩu năng lượng ròng nên thu lợi nhuận nhiều hơn khi giá năng lượng tăng do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bên cạnh đó, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ ổn định hơn, ít chịu tác động từ các biện pháp tăng lãi suất do tỷ lệ nợ thế chấp dài hạn cao hơn và các biện pháp hỗ trợ tài chính thời kỳ Covid-19 tại Mỹ cũng “hào phóng” hơn.
Với những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường như Mỹ, Canada, Australia, Vasep kỳ vọng nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay tiếp tục thu hẹp mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.