Tác dụng hữu ích của cây sa nhân tím Tác dụng hữu ích của cây lẻ bạn Tác dụng hữu ích của hợp hoan bì |
Đặc điểm của cây vàng đắng
Cây vàng đắng có tên khoa học là Fibraurea tinctoria Lour, thuộc họ: Tiết dê (Menispermaceae), tên gọi khác hoàng đằng, dây khai, dây đằng giang, dây vàng, nam hoàng liên,…
Cây vàng đắng là 1 loại dược liệu thuộc dây leo to, cây mọc bò trên mặt đất hoặc leo trên những cây thân gỗ to. Cây vàng đắng có phần thân hình trụ, đường kính khoảng 5-10cm. Thân non màu trắng bạc, thân già ngả sang màu vàng, xù xì.
Lá vàng đắng mọc so le, dài từ 9 – 20cm và rộng khoảng 4 - 10cm, mặt trên màu xanh, mặt dưới trắng nhạt có lông tơ,. Phiến lá nhẵn và cứng, có hình bầu dục, gân lá nổi rõ, gốc lá tròn, đầu nhọn và có cuống dài.
Hoa màu vàng, hơi tím, mọc ở kẽ lá, có kích thước nhỏ và cuống hoa rất ngắn.
Quả cây vàng đắng có dạng trái xoan, quả có màu xanh chuyển sang màu vàng sau khi chín.
Rễ cây hình trụ, bề ngoài màu vàng, cắt ngang có hình bánh xe với những tia tủy hình nan hoa. Cây vàng đắng có thể trồng bằng gieo hạt hoặc dùng phần chồi của gốc.
Thân già và rễ của cây vàng đắng được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh, được thu hái vào tháng 8 – 9 hằng năm. Sau khi hái về, đem cạo sạch lớp bao phủ bên ngoài vỏ, sau đó chặt thành từng đoạn vừa phải khoảng 10 - 13cm và đem đi phơi hoặc sấy khô.
Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.
Là loại cây nhiệt đới, ưa nóng ẩm. Được phân bổ chủ yếu ở Lào, Campuchia. Tại Việt Nam, cây vàng đắng mọc ở vùng núi Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Thành phần hóa học: Cây vàng đắng chứa nhiều ancaloid, chủ yếu là berberin và izoquinolein. Ngoài ra, dược liệu còn chứa 1 ít jatrorrhizin, palmatin và columbamin.
Theo y học cổ truyền: Vàng đắng có vị đắng, tính lạnh, quy vào kinh phế, kinh tỳ và kinh can. Công dụng sát trùng, thanh nhiệt và tiêu viêm. Chủ trị viêm ruột, tiêu chảy, viêm tai, đau mắt, kiết lỵ, sốt rét, lở ngứa ngoài da và tiêu hóa kém.
Bài thuốc sử dụng cây vàng đắng
Trị viêm tai có mủ
Bột vàng đắng 20g, phèn chua 10g. Các vị thuốc đem tán bột, trộn đều và thổi vào tai. Thực hiện 2 – 3 lần trong ngày, sử dụng vài ngày liên tục.
Chữa viêm phế quản, hội chứng lỵ, bạch đới, viêm tai trong và viêm đường tiết niệu
Vàng đắng, huyết dụ và mộc thông mỗi vị 10 – 12g, sắc các vị lấy nước uống, ngày dùng 1 lần cho đến khi bình phục.
Trị trẻ em nóng trong người khiến da nổi mụn nhiều
1 ít vàng đắng nấu nước và tắm trong ngày từ 1 – 2 lần cho đến khi khỏi bệnh.
Chữa kiết lỵ
Mức hoa trắng và bột hoàng đằng hoặc cao cỏ sữa lá lớn và hoàng đằng. Các vị thuốc trộn đều, làm thành viên và dùng uống mỗi ngày.
Trị mắt sưng đỏ và có màng
1 ít phèn chua và 4 vàng đắng. Tán bột các dược liệu, sau đó đem chưng cách thủy và gạn lấy nước, nhỏ mắt.
Chữa kẽ chân viêm, ngứa và chảy nước
Vàng đắng từ 10 -20g, kha tử 10g. Các vị giã nát, sắc đặc và dùng nước ngâm chân mỗi ngày từ 1 – 2 lần.
Chữa viêm dạ dày, bàng quang và viêm ruột
4 – 12g rễ vàng đắng đem sắc uống.
Lưu ý khi sử dụng vàng đắng
Người bệnh có huyết hàn hoặc mắc các bệnh do hàn không nên sử dụng dược liệu.
Vàng đắng có thể được dùng để chế thành thuốc nhỏ mắt và sử dụng để điều trị viêm kết mạc. Tuy nhiên việc tự thực hiện bài thuốc này tại nhà có thể không đảm bảo vô khuẩn và gây ra tình trạng bội nhiễm. Vì vậy bạn chỉ nên thực hiện các bài thuốc này khi có sự cho phép của bác sĩ.
Sử dụng vàng đắng có thể điều trị được chứng kiết lỵ, viêm tai có mủ, viêm phế quản, tiêu chảy, viêm kết mạc,… Tuy nhiên bạn không nên tự ý áp dụng các bài thuốc từ dược liệu này. Để được hướng dẫn cụ thể về liều lượng và thời gian sử dụng, nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.
Tác dụng hữu ích của cây trường sinh thảo |
Tác dụng hữu ích của cây đại tướng quân |
Tác dụng hữu ích của tang diệp |