Tác dụng hữu ích của cây cúc áo Tác dụng không ngờ của cây củ nâu Tác dụng của cù mạch |
Đặc điểm của gấu tàu
Củ gấu tàu có tên khoa học là Aconitum fortunei Hemsl, thuộc họ mao lương (Ranunculaceae), tên gọi khác là ấu tẩu, ô đầu, thiên hùng, trắc tử, xuyên ô, gấu tàu, co ú tàu, thảo ô.
![]() |
Củ gấu tàu là phần rễ chính của cây Ô đầu (Aconium forrtunei Hemsl), phần rễ phụ (rễ con) được chế biến thành dược liệu phụ tử.
Cây gấu tàu là một loại thực vật thân thảo nhỏ với chiều cao trung bình từ 0.6m đến 1m. Phần rễ củ của cây mập và hình con quay, rễ cái có kích thước lớn, có nhiều rễ nhỏ. Vỏ ngoài của củ có màu đen và nhẵn. Thân hình trụ, là dạng thân đứng và ít phân nhánh, sống lâu năm.
Lá mọc so le, gân có hình chân vịt, lá của cây non hình tim tròn, răng cưa to, khi già lá xẻ 3 – 5 thùy to không đều, mép khía răng nhọn, 2 mặt có lông ngắn, mặt trên lục bóng, mặt dưới nhạt.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành chùm, kích thước lớn, màu xanh lam mọc sít nhau; bao hoa gồm 5 lá đài, lá đài trên thẳng và cong hình mũ chụp kín tràng hoa đã tiêu giảm; nhị nhiều; bầu có 3 ô chứa nhiều lá noãn.
Quả gồm 5 dải mỏng, có nhiều hạt, trên mặt có nhiều vảy nhỏ.
Cây gấu tàu ra hoa và kết quả thường dao động vào tháng 10 - tháng 11 hằng năm.
Rễ củ của cây được sử dụng để làm thuốc. Củ gấu tàu là phần củ cái (rễ chính) của cây.
Nên thu hái vào mùa thu (thời điểm trước khi cây ra hoa) để đảm bảo rễ có phẩm chất tốt. Thu hái xong đem rửa sạch rồi chia củ lớn và củ nhỏ, tiếp theo đem phơi hoặc sấy khô để dùng dần.
![]() |
Dược liệu gấu tàu có độc tố mạnh nên cần bào chế bằng cách ủ với muối (diêm phụ), tẩm với nước đậu đen (hắc phụ) để làm giảm độc tính của thuốc.
Dược liệu này được xếp vào nhóm thuốc độc bảng A. Vì vậy khi bảo quản, cần để trong lọ kín và đặt ở nơi thoáng mát, khô ráo,… Do dễ bị mối mọt nên thỉnh thoảng cần đem phơi sấy để hạn chế hư hại.
Gấu tàu thuộc loại vùng ôn đới ẩm. Cây ưa sáng, khi còn nhỏ cây chịu bóng. Ở Việt Nam, cây phân bố nhiều ở Sapa và Hà Giang. Cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Tuy nhiên, người dân Sa Pa còn sử dụng củ con như là 1 nguồn nhân giống.
Thành phần hóa học: Gấu tàu có thành phần chính là chất nhựa, đường, acid hữu cơ, aconitin và một số alkaloid khác.
Theo y học cổ truyền: Củ gấu tàu có vị cay, đắng, tê, tính rất nóng và có độc mạnh. Quy vào 12 kinh mạch, trong đó tác động mạnh nhất vào kinh Tỳ, Thận, Tâm và Can. Tác dụng chỉ thống, ôn kinh, khu phong, táo thấp, trợ dương bổ hỏa. Chủ trị tê mỏi chân tay, đau nhức cơ thể, bầm tím, trật khớp, sai khớp, tê bại.
Trên thực tế, củ gấu tàu là một loại cây rất độc. Tùy theo loài, đặc điểm sinh trưởng, thời gian thu hoạch, cách chế biến và thời gian chế biến mà độc tính của nó có thể thay đổi.
Nếu tự ý dùng củ gấu tàu chưa qua chế biến, cơ thể có thể gặp phải tình trạng ngộ độc và thậm chí dẫn đến tử vong. Chỉ 1mg củ ấu tẩu có thể gây ngộ độc nặng và nếu hàm lượng là 2mg - 3mg, một người trưởng thành có thể tử vong.
![]() |
Khi ngộ độc củ gấu tàu, bệnh nhân sẽ có cảm giác tê lưỡi và tê rần các đầu ngón tay, ngón chân, lạnh buốt tay chân. Dần dần, không thể đứng vững, chóng mặt, váng đầu, vã mồ hôi và chảy nước dãi. Ngoài ra, bệnh nhân còn biểu hiện khó giao tiếp hơn, buồn nôn, tiêu chảy và tức ngực, nhịp tim nhanh bất thường.
Lúc này, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không được ở nhà tự theo dõi hoặc điều trị theo cách dân gian, vì dược liệu tác động của trực tiếp lên tim mạch và hệ thần kinh - các bộ phận liên quan đến tính mạng con người.
Bài thuốc sử dụng củ gấu tàu
Trị hàn thấp chân tay tê đau và chứng phong thấp
Củ gấu tàu và tỳ giải mỗi vị 12g, cẩu tích 16g, tô mộc 8g. Các vị thuốc tán thành bột mịn, dùng 6 – 8g uống, ngày dùng 2 lần. Ngoài ra có thể sắc lấy nước uống.
Chữa khớp sưng đỏ, đau và khó co duỗi
Củ gấu tàu và tế tân (đem sắc trước) mỗi vị 5g, mộc thông và uy linh tiên mỗi vị 10g, quế chi 4 – 6g, tỳ giải, đương quy và xích thược mỗi vị 12g, ý dĩ 20g, thổ phục 16g. Tất cả dược liệu đem sắc uống, dùng 1 thang mỗi ngày.
Trị viêm khớp mãn tính gây đau nhức, tê bì và giảm khả năng vận động
Củ gấu tàu 6g, cam thảo 9g, quế nhục 3g, phòng kỳ 12g, bạch truật 12g, gừng tươi 12g, bạch linh 12g. Dược liệu đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
![]() |
Chữa trật khớp, bong gân và phong thấp
Củ gấu tàu, nhân hạt gấc 10g và uất kim mỗi loại 10g. Các vị thuốc giã nhỏ rồi đem ngâm với mật trăn và rượu trong vòng 30 ngày. Lúc dùng, lấy một ít dịch rượu xoa bóp vào khớp để giảm đau nhức.
Thuốc xoa bóp giúp giãn gân cơ, trị đau nhức, tiêu viêm và lưu thông khí huyết
Củ gấu tàu và huyết giác mỗi vị 40g, long não 15g, đại hồi 12g, thiên niên kiện và địa liền mỗi vị 20g, quế nhục 12g. Tất cả đem tán thành bột mịn, sau đó ngâm với 1 lít rượu trong vòng 7 ngày. Cuối cùng chắt lấy dịch rượu, bỏ bã và thêm 1 ít rượu vào chế thành thuốc xoa bóp.
Lưu ý khi sử dụng củ Gấu tàu
Không sử dụng với phụ nữ mang thai.
Vì dược liệu này có độc tính mạnh nên bệnh nhân chỉ được sử dụng dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc .
Người không trúng hàn không nên sử dụng củ gấu tàu vì dược liệu có tính rất nóng.
Thuốc không sử dụng trên vết thương hở hoặc người có tình trạng âm hư dương thịnh.
Củ gấu tàu phản bối mẫu, bạch liễm, bạch cập, qua lâu và bán hạ, vì vậy không nên sử dụng kết hợp gấu tàu với các dược liệu này.
![]() |
![]() |
![]() |