Tác dụng hữu ích của cây cúc mốc Tác dụng hữu ích của cúc hoa trắng Tác dụng hữu ích của cúc bách nhật |
Đặc điểm của cây cúc áo
Cây cúc áo có tên khoa học là Spilanthes oleracea L, thuộc họ cúc (Asteraceae), tên gọi khác là cúc áo hoa vàng, ngổ, nút áo, cỏ the, nụ áo vàng, cúc lác, phiắc khát, co nhả hàn, cuồng trầm, hoa cúc áo, hàn phát khát
Cây thân nhỏ, sống lâu năm, mọc đứng hoặc bò lan trên mặt đất, chiều cao khoảng 30 - 60cm, đôi khi mọc bò lan trên mặt đất, phân cành nhiều, nhẵn hoặc lông nhỏ.
Lá cúc áo mọc đối, có hình trứng hoặc thon dài, đầu nhọn, mép lá có răng cưa to hoặc hơi gợn sóng. Phiến lá dài khoảng 3 – 7 cm, rộng khoảng 1 – 3 cm.
Tràng hoa cúc áo có màu vàng, hoa cái có lưỡi với 3 răng tròn, ở giữa có hoa hình ống.
Hoa mọc thành cụm ở đầu cành, hơi có hình nón, mép có cờ, màu nhạt, dài khoảng 2 – 3 mm. Hoa dẹt, có lá bắc hình bầu dục, nhọn ở đầu, tràng hoa màu vàng, các hoa ở giữa hình ống, mào lông có 2 răng cứng, tràng hoa hình lưỡi thường không rõ, tràng hoa ống hình bầu dục, bao phấn có phần phụ hình tam giác, hơi có tai ở gốc..
Quả bế dẹp, màu nâu nhạt, ngọn có 2 răng.
Cây ra hoa và kết quả từ tháng 5 – 10.
Toàn thân hoặc hoa cúc áo được sử dụng làm dược liệu.
Thu hoạch toàn thân cây, có thể dùng tươi hoặc phơi khô và bảo quản dùng dần. Khi thu hái nên hái hoa lúc còn có màu xanh để có chất lượng dược liệu tốt nhất.
Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh những nơi có độ ẩm cao.
Cây cúc áo là loại liên nhiệt đới, thường được thấy mọc hoang ở ven đường, bờ sông và ven rừng rậm ẩm ướt, ven bờ suối từ đồng bằng với độ cao lên đến 1.500 mét.
Cây đâm chồi bằng hạt hoặc cây con vào mùa xuân.
Thành phần hóa học: Trong tinh dầu hoa và thân cúc áo có chứa Spilanthol, Polysaccharid không khử, Sterol. Cụm hoa và toàn thân cây có chứa một loại tinh dầu mùi hăng với các thành phần chính bao gồm Spilanten, một chất rượu tên gọi là Spilantola.
Theo y học cổ truyền: Cây cúc áo có vị the, tính ấm, có tác dụng giảm đau, tiêu độc, tiêu đờm và sát trùng. Chủ trị đau đầu, cảm sốt, sốt rét từng cơn, đau ở cuống họng, ho gà, ho lao, hen suyễn, viêm phế quản, sâu răng, răng đau nhức, tê bại, phong thấp đau nhức xương. Dùng ngoài trị nhọt độc, lở ngứa, mề đay mẩn ngứa, rắn độc cắn vết thương tụ máu sưng đau.
Hoa cúc áo dùng uống (từ 4 - 12g) hoặc nghiền nát đắp ngoài, có thể dùng một mình hoặc kết hợp với những dược liệu khác.
Bài thuốc sử dụng cây cúc áo
Trị sốt rét từng cơn
Lấy 20g hoa cúc áo sắc thành thuốc, sử dụng thuốc uống trước khi lên cơn sốt rét.
Chữa cảm sốt, đau đầu, sốt rét, đau ở cuống họng
Dùng đơn độc cây cúc áo tươi 4 – 12 g, sắc thành thuốc dùng uống trong ngày.
Chữa phong tê thấp
Lấy rễ cây cúc áo, rễ kim cang, rễ chanh, rễ xuyên tiêu, quả màng tàng, mỗi vị từ 4 – 8 g. Tất cả dược liệu đem sắc thành thuốc, dùng uống trong ngày.
Trị viêm họng, đau răng
Sử dụng hoa cúc áo đem nghiền thành bột nhỏ, ngâm cùng với rượu hoặc ngậm tươi trong miệng, nuốt nước để chữa bệnh.
Chữa mề đay mẩn ngứa
Sử dụng một lượng cây cúc áo vừa phải đem rửa sạch, nấu thành nước tắm.
Trị nhọt độc, ghẻ lở, rắn cắn, vết thương tụ máu, đau mắt
Dùng 4 – 12 g toàn cây cúc áo hoặc 4 – 8 g rễ cây đem sắc thành thuốc, dùng uống. Kết hợp đắp ngoài da với cây nút áo tươi, rửa sạch, giã nát dùng để đạt hiệu quả tốt nhất.
Chữa đau lưng do lao lực quá độ
Sử dụng hoa cúc áo 150 g đem rửa sạch, sắc lấy nước. Thêm 250 g đại táo, đường đỏ, một lượng nhỏ rượu trắng, đun nhỏ lửa cho đến khi táo chín nhừ. Chia thành 4 tới 5 lần, dùng hết trong ngày, duy trì dùng thuốc liên tục trong 10 ngày.
Trị dị ứng thời tiết gây mẩn ngứa
Lấy cây cúc áo hoa vàng 200 g đem rửa sạch đun cùng 4 – 5 lít nước, để nước nguội bớt thì dùng tắm. Dùng bã thuốc xát kỹ lên các vết mẩn ngứa.
Chữa viêm lợi, viêm chân răng, sâu răng
Cách 1: Dùng cây cúc áo đem rửa sạch, thêm một ít muối, giã nhỏ, đặt vào chỗ đau nhức.
Cách 2: Sử dụng 50 g cây cúc áo đem rửa sạch, ngâm cùng 250 ml rượu trắng. Khi dùng thì ngâm trong miệng từ 3 – 5 phút rồi nhổ đi.
Trị cảm lạnh gây viêm họng
Lấy cây cúc áo, sài đất, lá húng chanh, kim ngân hoa, cam thảo đất, mỗi loại 15 g, Tất cả dược liệu đem rửa sạch, sắc nhỏ lửa cùng 750 ml nước cho đến khi cạn còn 300 ml, chia thành 3 lần, dùng uống trong ngày. Duy trì liên tục trong 1 tuần.
Trị phong thấp đau nhức
Lấy cây cúc áo 60 g đem rửa sạch sắc lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày. Duy trì liên tục trong 15 ngày.
Chữa cam tích ở trẻ nhỏ
Sử dụng cây cúc áo 15 g đem rửa sạch, lót dưới đáy nồi, sau đó đạt gan lợn 60 g lên trên, đổ đầy nước, nấu chín, chia 2 lần ăn trong ngày. Duy trì liên tục từ 5 – 7 ngày.
Trị vết thương tụ máu gây đau nhức, chấn thương phần mềm
Dùng cây cúc áo, lá cây đại, mỗi loại 15 g. Các dược liệu đem giã nát, đắp vào vết thương, băng kín lại, thực hiện từ 1 – 3 lần mỗi ngày.
Lưu ý khi dùng cây cúc áo
Cần tránh nhầm với cây cúc áo (Bidens pilosa L – hoa Xuyến chi). Hoa hình đầu màu vàng.
Tùy vào cơ địa, thể trạng mỗi người là khác nhau nên các vị thuốc trên cần gia giảm cho phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn về liều lượng để đạt hiệu quả cao nhất.
Tác dụng hữu ích của giảo cổ lam |
Tác dụng hữu ích của cây móng quỷ |
Tác dụng hữu ích của cúc vạn thọ |