Giá cà phê vượt đỉnh mọi thời đại
Năm 2023 đánh dấu sự trở lại của giá cà phê robusta (hiện chiếm trên 90% sản lượng cà phê Việt Nam) khi thiết lập ngưỡng kỷ lục mới cả ở thị trường trong nước và thế giới. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử giá cà phê robusta thế giới vượt mốc 2.700 USD/tấn. Ở thị trường nội địa, giá cũng thiết lập ngưỡng kỷ lục mới trên 70.000 đồng/kg - mức giá mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng là “điều không thể tưởng tượng nổi”. Chỉ trong vòng 1 năm, giá cà phê nội địa tăng khoảng 70- 75%.
Giá mặt hàng này chịu sức ép dư cung của nhiều năm trước đó khiến người trồng thua lỗ. Một số hộ thậm chí bỏ cây cà phê và chuyển sang loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, bơ, chanh leo. Điều này khiến diện tích cây cà phê và sản lượng bị thu hẹp.
Theo Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA), mặc dù giá cà phê trong năm 2023 tăng cao nhưng diện tích trồng khó tăng do nhiều nơi đã chuyển đổi để trồng sầu riêng, trái cây. Nhìn chung do giá những năm qua xuống quá thấp nên trừ các công ty và một số hợp tác xã, người nông dân chưa đầu tư nhiều cho cây cà phê.
Theo số liệu của VICOFA, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 ước tính giảm 10 -15% so với niên vụ trước đó xuống còn khoảng 1,5 triệu tấn do ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi và làn sóng chuyển dịch cây trồng sang các loại cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, bơ và chanh leo.
Sản lượng thu hẹp, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới thấp nhất qua các năm. Niên vụ trước, tồn kho cuối vụ vào tháng 9/2022 khoảng 160.000 tấn nhưng năm nay chỉ chưa bằng một nửa, ở mức 58.000 tấn.
Trong niên vụ 2023 - 2024, sản lượng cà phê được dự báo tiếp tục giảm khoảng 10%. Trong khi đó, nhu cầu hạt robusta của thế giới năm nay tăng đột biến trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến cà phê có mức giá rẻ. Hạt robusta có vị đắng và hàm lượng caffein cao hơn nhiều so với arabica, đồng thời, giá cũng rẻ hơn, thường dùng để sản xuất cà phê hoà tan hoặc phối trộn với arabica để tiết giảm chi phí.
Giá hồ tiêu tăng mạnh
Cũng giống như cà phê, giá tiêu phục hồi mạnh trong năm 2023 sau nhiều năm duy trì ở mức thấp, dưới giá thành sản xuất. So với hồi đầu năm, giá tiêu tăng khoảng 35%.
Mặt hàng này từng được coi là “vàng đen” khi có giá lên tới trên 200.000 đồng/kg cách đây 10 năm. Nhưng sau đó, giá tiêu lao dốc, có lúc xuống dưới 40.000 đồng/kg do áp lực dư cung. Năm nay, giá tiêu đã phục hồi lên trên 70.000 đồng/kg, mức người dân bắt đầu có lãi.
Nguyên nhân của đà tăng này đến từ nguồn cung bị thu hẹp do người dân chuyển sang các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh sau khi mở cửa trở lại. Xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc trong năm 2023 tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái lên hơn 60.135 tấn.
Trong khi đó, xu hướng nguồn cung bị thắt chặt được cho là sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, sản lượng tiêu niên vụ 2023 - 2024 dự kiến giảm 10 - 15% xuống 160.000-165.000 tấn do xu hướng chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế hơn.
Việc diện tích giảm được dự báo sẽ tác động đến giá tiêu trong đầu năm tới. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco) cho rằng, mức giá 85.000 - 90.000 đồng/ kg trong năm 2024 là khả thi.
Gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới
Trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại lúa gạo toàn cầu được tổ chức tại Cebu Philippines do The Rice Trader tổ chức, gạo Ông Cua ST25 đạt giải nhất tại hội thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023.
Năm nay có sự tham gia của hơn 10 quốc gia và 30 mẫu gạo được gửi dự thi. Kết quả, gạo ST25 đạt giải nhất, Campuchia đạt giải nhì và Ấn Độ đạt giải ba.
Đây là lần thứ hai loại gạo ST25 đăng quang ngôi vương gạo ngon nhất thế giới tại hội thi này. Trước đó, năm 2019, gạo ST25 được trao giải gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia.
Festival ngành hàng lúa gạo đầu tiên tại Việt Nam
Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo đầu tiên tại Việt Nam diễn ra từ ngày 11-12 đến 14-12-2023, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang do Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức với Chủ đề “ Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt” thu hút hàng trăm đoàn khách quốc tế tham dự.
Xuất khẩu gạo lập kỷ lục với sản lượng, giá trị cao nhất
Báo cáo năm 2023 của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo hơn 8 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 39% về giá trị so với năm 2022. Đây là mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu cũng liên tục tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tháng 12, giá gạo Việt Nam luôn neo ở mức 663 USD/tấn, là mức giá rất cao trong nhiều năm trở lại đây.
Triển khai 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh
Năm 2023, ngành nông nghiệp Việt Nam đã phát động thực hiện đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Theo Bộ NN&PTNT, Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Sầu riêng tạo kỳ tích giúp xuất khẩu rau quả lập kỷ lục
Theo Bộ NN&PTNT, hàng rau quả xuất khẩu năm 2023 đã mang về trị giá 5,7 tỉ USD, tăng mạnh nhất trong các ngành hàng nông nghiệp, tăng hơn 69% cao nhất từ trước tới nay.
Trong đó, sản lượng sầu riêng xuất khẩu năm nay trên 1 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2022. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 đạt mức kỷ lục gần 2,3 tỉ USD, gấp 5 lần năm 2022 và gấp 10 lần năm 2021.
Hiện nay, sầu riêng tươi xuất khẩu đi 24 thị trường; sầu riêng đông lạnh cũng có tới 23 thị trường xuất khẩu, trong đó Trung Quốc là thị trường chủ đạo chiếm đến 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu. Năm 2024 sẽ hướng đến nhiều thị trường khác để tăng dư địa xuất khẩu.
Gạo thương hiệu Việt Nam được bày bán tại châu Âu. |
Xuất khẩu ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53 tỉ USD, giá trị toàn ngành tăng trưởng hơn 3,8%, cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, đảm bảo vững chắc lương thực và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Xuất siêu nông nghiệp Việt Nam đạt mức kỷ lục 12 tỉ USD, tăng 44%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.
Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,7 tỉ USD, tăng 69%; gạo đạt 4,8 tỉ USD, tăng 38%.
Thêm vào đó, có những mặt hàng nông nghiệp Việt Nam đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD như hạt điều 3,6 tỉ USD, tăng hơn 17%; cà phê 4,18 tỉ USD, tăng 3%...
Nông nghiệp năm 2024: Chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng |
Nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng từ 3,2-4% |
Chuối ế, rớt giá – chuyện không mới của ngành nông nghiệp |