Nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng từ 3,2-4%. |
Các chỉ tiêu cụ thể
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra các chỉ tiêu cụ thể: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,2 - 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 58%.
Ngành cũng phấn đấu số lượng sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP là 11.500 sản phẩm.
Về tốc độ tăng trưởng GDP, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phấn đấu cao hơn so với Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là từ 3,05 – 3,2%.
Để kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt từ 54 - 55 tỷ USD, ngành xác định các sản phẩm trồng trọt chính sẽ đạt 25,2 tỷ USD, thủy sản 9,5 tỷ USD, lâm nghiệp 15,2 tỷ USD, các mặt hàng khác trên 5 tỷ USD…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế sâu rộng; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.
Ngành định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi.
Đồng thời, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi; kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ngành tổ chức triển khai và thu hút các nguồn lực thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Phát triển các vùng, mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; tiếp tục thực nghiêm các giải pháp chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Đoàn thanh tra EC lần thứ 4; đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất.
Chuyển mạnh sang chế biến sâu, chế biến tinh; thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác “Ngoại giao nông nghiệp” phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, cân bằng dinh dưỡng và tăng cường xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU; đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua chuỗi phân phối bán lẻ, sàn thương mại điện tử.
Bộ cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuyển đổi số tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh…
Một năm thắng lợi của ngành nông nghiệp
Xuất khẩu gạo Việt Nam lập kỷ lục về giá. |
Tại họp báo kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 của Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản...
Tuy nhiên, với sự thống nhất từ nhận thức đến hành động, toàn ngành đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận như GDP đạt 3,83%, cao nhất trong 10 năm gần đây.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (Sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%).
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%, gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%.
Bên cạnh những sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế như: Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai...), năm 2023 cũng đánh dấu cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên ngành lâm nghiệp Việt Nam hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp, thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD (1.200 tỷ đồng).
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Ngoài ra, nước ta đã nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi.