Xuất khẩu nông sản lập nhiều kỷ lục mới Vui buồn xuất khẩu nông sản Xuất khẩu nông sản năm 2024: Kỷ lục nối kỷ lục |
![]() |
Thanh long là một trong 4 mặt hàng của Việt Nam hiện vẫn phải thực hiện kiểm tra biên giới nhập khẩu vào EU. |
Chỉ mong mỗi ngày không có cảnh báo gì
Tại buổi toạ đàm “Xuất khẩu nông sản năm 2024 - kỷ lục mới, vị thế mới”, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 có thể đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, với 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023. Xuất siêu cũng ghi nhận mức kỷ lục mới 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%.
Trong đó, theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Quang Hiếu, kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng đã vượt cả năm 2023, thể hiện vai trò của phát triển bền vững và hiệu quả mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đang đối mặt nhiều thách thức khi các thị trường xuất khẩu liên tục thay đổi quy định về an toàn thực phẩm và dịch bệnh động thực vật (SPS).
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết, trong năm 2024, cơ quan này đã nhận tới 1.029 thông báo mới từ các thành viên WTO, trong đó có những quy định khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Riêng Nhật Bản, trong tháng 11, đã đưa ra 10 thông báo giảm hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến các mặt hàng như thanh long, cà phê… mà Việt Nam đang xuất khẩu.
Ông Ngô Xuân Nam chia sẻ "Thực lòng chúng tôi ở Văn phòng SPS rất lo lắng, chỉ mong mỗi ngày không có cảnh báo gì. Tuy nhiên, thực tế lại gần như thường xuyên có cảnh báo".
Ông Nam cho biết riêng thị trường EU, năm 2024 Việt Nam đã nhận 114 cảnh báo. Nghĩ về câu chuyện phát triển thương mại nông sản tới đây, ông Nam Nêu quan điểm: "Với mục tiêu Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, chúng ta đã cố gắng về sản lượng nhưng không thể bỏ quên chất lượng. Hai vấn đề này phải luôn song song với nhau. Đặc biệt, người nông dân - lực lượng trực tiếp sản xuất cần phải đặc biệt quan tâm vấn đề này. Nếu chúng ta cứ mải mê tăng trưởng, không cẩn thận lại rơi vào cái bẫy chạy theo sản lượng".
Dưới góc độ cơ quan đầu mối quốc gia tiếp nhận các thông báo thay đổi biện pháp SPS của các nước nhập khẩu, ông Ngô Xuân Nam đánh giá hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đều đã có các bộ phận kỹ thuật rất chuyên nghiệp để nhanh chóng tiếp cận với các thông tin thay đổi thị trường của cơ quan chức năng, "còn lại các doanh nghiệp khác tôi cho rằng chúng ta nên phân loại: Doanh nghiệp tiếp cận tốt là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp chưa tiếp cận tốt là các doanh nghiệp nhỏ. Nhóm doanh nghiệp thứ 2 này sẽ là nguy cơ vi phạm cao khi chưa đáp ứng kịp với các thay đổi của thị trường xuất khẩu. Thực tế hiện nay, để nhóm các doanh nghiệp này tiếp cận các quy định thay đổi của thị trường cũng đang là vấn đề khá khó khăn", ông Nam cho biết.
Lãnh đạo SPS Việt Nam nhấn mạnh: "Việc kết nối chưa thông suốt thông tin đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân khi tiếp cận các quy định thay đổi của thị trường, khi không tiếp cận thay đổi thông tin thị trường thì vi phạm rất dễ xảy ra. Cũng do chưa thông suốt được từ Trung ương, địa phương, đến doanh nghiệp và nông dân nên chúng ta sẽ phải khắc phục cái này trong thời gian tới, vì điều này tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của nông dân, doanh nghiệp và tới xuất khẩu".
Không gian phát triển của ngành nông nghiệp vẫn rộng mở
![]() |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. |
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nêu những khó khăn, thách thức về mở cửa thị trường.
"Về phía chúng ta, do sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi liên kết còn rời rạc nên để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh về chi phí logistic, hạ tầng, kho lạnh còn chưa đáp ứng được. Thách thức lớn trong giai đoạn tới, tôi cho rằng nằm ở sự tăng trưởng. Sau 3 năm tăng trưởng "nóng", có thể thấy nguy cơ vi phạm quy định đang hiển hiện trước mắt khi mà các doanh nghiệp đua nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng sản lượng xuất khẩu mà lại buông lỏng kiểm soát chất lượng. Trong khi chỉ một vài vi phạm nhỏ có thể ảnh hưởng tới cả lô hàng", ông Hiếu chia sẻ.
Từ nhận định trên, Lãnh đạo cục Bảo vệ thực vật cũng đưa ra khuyến cáo: "Về phía các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tức động của biến đổi khí hậu, tăng cường chứng nhận về trách nhiệm xã hội, môi trường…"
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều lĩnh vực trong ngành nông nghiệp đã đạt ngưỡng cao, cần tìm ra động lực mới hoặc làm mới động lực cũ để tiếp tục tăng trưởng.
Bộ trưởng tin tưởng rằng, không gian phát triển của ngành nông nghiệp vẫn rộng mở nếu kết hợp được với những tiến bộ về khoa học, công nghệ của nhân loại. Không gian doanh nghiệp còn rộng mở nếu có sự liên kết rộng mở, thực chất và đổi mới trong tư duy từ đơn giá trị sang đa giá trị.
![]() |
![]() |
![]() |