Xuất khẩu thủy sản đang tiến gần tới đích 10 tỷ USD Xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản phục hồi nhanh chóng Đắk Lắk xuất khẩu container cà phê thành phẩm đầu tiên đến Hoa Kỳ |
Thời điểm này, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã về đích sớm. |
Nông sản, dệt may, gỗ bứt phá
Hết tháng 10 đã có một số ngành bứt phá, vượt cả kế hoạch của cả năm. Cụ thể là nhóm hàng xuất khẩu nông sản. Sau 10 tháng, xuất khẩu rau quả đã đạt 6,4 tỉ USD, tăng hơn 31%, vượt mốc kỷ lục 5,7 tỉ USD của cả năm 2023. Với mục tiêu cả năm 2024 là 6 - 6,5 tỉ USD thì đến thời điểm này ngành rau quả đã cán đích sớm 2 tháng và đang tự tin hướng đến mục tiêu 7 tỉ USD.
Đây cũng là năm đầu tiên xuất khẩu rau quả cán mốc kỳ vọng 6 tỉ USD. Theo Hiệp hội Rau quả VN, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, nhập khẩu 4,2 tỉ USD rau quả VN trong 10 tháng, tăng 38% so với cùng kỳ và hiện chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Bên cạnh đó, xuất khẩu rau của VN sang các thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Canada cũng tăng mạnh với tỷ lệ tăng 2 con số. Đơn cử, trong 10 tháng, rau quả Việt bán sang Thái Lan thu về 225 triệu USD, tăng đến 87% so cùng kỳ, vượt mặt thị trường Mỹ.
Tương tự, xuất khẩu tiêu cũng về đích sớm khi đặt kế hoạch năm 2024 khoảng 1 tỉ USD, song mới 10 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đã đạt 1,1 tỉ USD, tăng đến 48% về kim ngạch so cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà phê trong 10 tháng mang về hơn 4,6 tỉ USD, giá trị tăng gần 40% so với năm ngoái và vượt xa con số 4,25 tỉ USD của cả năm 2023. Với đà này, xuất khẩu cà phê năm nay được dự báo có thể lên 5,5 tỉ USD. Đây là mốc kỷ lục mới, cao nhất từ trước tới nay về giá trị xuất khẩu cà phê Việt.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm nay chắc chắn vượt mốc 3 tỷ USD. Bởi tháng 10 này, các tỉnh Tây Nguyên vào chính vụ thu hoạch. Sầu riêng nghịch vụ ở các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng sẽ cho thu hoạch vào các tháng cuối năm.
Đây cũng là thời điểm các quốc gia cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia đã kết thúc mùa thu hoạch nên giá sầu riêng Việt Nam sẽ rất cao. Hiện, giá sầu riêng tại các vùng trồng được thu mua tại vườn dao động 42.000-95.000 đồng/kg tùy loại. Mức giá này giúp nông hộ đạt lợi nhuận lớn từ loại trái cây này.
Không chỉ nông sản, số liệu cũng cho thấy các ngành sản xuất chủ lực như điện tử, máy tính, linh kiện, dệt may… đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu cũng có mức tăng trưởng ấn tượng trong 10 tháng qua nhờ đơn hàng tăng trở lại. Theo báo cáo mới công bố của S&P Global, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 của Việt Nam đạt 51,2 điểm, tăng mạnh so với mức 47,3 điểm hồi tháng 9. Cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2024 của nhà tuyển dụng Adecco cũng cho thấy ngành sản xuất, chế tạo trong nước chứng kiến nhu cầu tuyển dụng tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 52% so với quý 2. Trong 10 tháng, xuất khẩu dệt may mang về 3,2 tỉ USD, tăng hơn 25%; giày dép xuất khẩu mang về hơn 2 tỉ USD, tăng hơn 16%; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng gần 20% so cùng kỳ.
Ông Trịnh Minh Huy, Trưởng phòng Marketing Công ty cổ phần D’Furni thông tin, 4 thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp như Mỹ, Canada, Australia và Nhật Bản đều có sự gia tăng đơn hàng. Trong đó, thị trường Mỹ tăng trưởng 40%, Canada tăng khoảng 25%. Theo doanh nghiệp dự đoán, mục tiêu sẽ đạt được và vượt kỳ vọng của năm 2024.
Với xuất khẩu thuỷ sản, trong 3 quý đầu năm 2024, Công ty cổ phần Thực phẩm Sa Kỳ ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, thị trường châu Âu tăng 12%, Bắc Mỹ tăng 18% và châu Á tăng trưởng 20%. Đặc biệt, Nhật Bản và Mỹ là hai thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, vượt 10% mục tiêu đề ra.
Theo đánh giá của doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu cuối năm dự báo sẽ tiếp tục ổn định, đặc biệt là nhờ nhu cầu gia tăng vào mùa lễ hội tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu.
Tăng tốc sản xuất, tuyển dụng thêm lao động
Xuất khẩu hàng hóa cuối năm vẫn còn dư địa tăng trưởng. |
Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính quốc tế - Học viện Tài chính, đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đến thời điểm hiện tại đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Quan sát cho thấy trong quý cuối năm, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dốc sức quyết tâm đẩy đà tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp đang tận dụng rất tốt lợi thế về thị trường và tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
"Dù rủi ro trên thị trường thế giới vẫn rất khó lường, xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển vẫn cao. Thế nhưng, quan sát cho thấy xuất khẩu hàng hóa cuối năm vẫn còn dư địa tăng trưởng. Nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu thuộc các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư", ông Thịnh nhận định.
Từ đó, chuyên gia này tự tin năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể chạm mốc 800 tỉ USD, vượt xa mức kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỉ USD của năm 2023. "Xuất khẩu giữ được phong độ và tăng trưởng phần quan trọng nhờ vào khối doanh nghiệp nước ngoài qua quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng. Đến nay, khảo sát cho thấy, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc nhập sự dịch chuyển đơn hàng. Thế nên, xuất khẩu tăng trưởng là điều rất đáng vui mừng, song vấn đề cần lưu ý và đặt ra cho ngành sản xuất trong nước là phải nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ nguyên liệu và tỉnh táo trong vấn đề bị lợi dụng để hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, lẩn tránh xuất xứ…", ông lưu ý.
Để sản xuất kịp đơn hàng cho quý cuối năm, đặc biệt là giai đoạn trước Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán và các đơn hàng đầu năm 2025, nhiều doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, tuyển dụng thêm lao động, bố trí nhân sự tăng ca ngoài giờ.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất may mặc Dony thông tin, nhờ có đơn hàng tăng gấp rưỡi trong quý IV/2024, Dony tuyển thêm nhiều lao động thời vụ, mua thêm máy móc thiết bị tự động, tăng ca hết công sức. Nhà máy hầu như ngày nào cũng sáng đèn đến 9 giờ tối.
Dù rủi ro trên thị trường thế giới vẫn rất khó lường, xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển vẫn cao. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa cuối năm vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng, dệt may… Từ đó, kim ngạch xuất nhập khẩu được dự báo có thể chạm mốc 800 tỷ USD, vượt xa mức kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỷ USD của năm 2023.
Xuất khẩu cá ngừ lập đỉnh sau hơn 2 năm |
Tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng Việt |
Xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ: Cơ hội đi kèm với thách thức |