Nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử Trung Quốc Để hàng Việt “cất cánh” trên môi trường số Tuần lễ thương mại điện tử chính thức diễn ra từ hôm nay (25/11) |
Tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng Việt |
Sáng 26/11, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 với chủ đề "Thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt".
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng lên nhanh chóng
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết, trong năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến bước phát triển đầy tự hào của thương mại điện tử số; 5 năm qua, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng lên nhanh chóng.
Dẫn số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam, bà Oanh cho biết, trong năm qua, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và 40% về số lượng đối tác bán hàng. Tổng quan thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước.
Năm 2023, quy mô thương mại điện tử của ta đã đạt 20,5 tỷ USD, quy mô kinh tế số 30 tỷ USD, nằm trong tốp 3 Đông Nam Á, và số liệu này dự kiến sẽ đạt 45 tỷ USD năm 2025.
Bà Oanh nhấn mạnh, những con số trên là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế.
Ông Liu Liang, đại diện Sở Thương mại Vân Nam (Trung Quốc), Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Vân Nam (Trung Quốc) cho biết, Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự phát triển đáng chú ý trong lĩnh vực thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm vượt 25%, cùng lượng lớn người tiêu dùng trẻ, nhu cầu mua sắm trực tuyến quốc tế mạnh mẽ, qua đó tạo mối quan hệ bổ trợ tự nhiên với thị trường Trung Quốc.
Các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo và giày dép có tiềm năng rất lớn trên thị trường Trung Quốc. Thí dụ, thanh long, hạt điều và hạt cà-phê của Việt Nam đã thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Vân Nam xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo ông Liu Liang, trong tương lai, cùng với việc tối ưu hóa logistics và chính sách, thị phần của những sản phẩm này sẽ còn tiếp tục mở rộng.
Đầu tư thương hiệu sản phẩm, nhận diện thương hiệu
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu tại diễn đàn. Ảnh TTXVN |
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, như hạn chế về kiến thức, kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; thiếu thông tin thị trường và các vấn đề khó khăn liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán...
Bên cạnh đó, những biến động của thị trường quốc tế, căng thẳng thương mại, cùng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Hiểu rõ những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp, bà Lê Hoàng Oanh cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã hỗ trợ mạnh mẽ cho thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho lĩnh vực này (như Luật Thương mại điện tử, Nghị định quản lý xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử…); ban hành, thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia 2026-2030; tập trung phát triển, tối ưu hóa hệ thống logistics, thanh toán phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới.
Với việc định hướng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới xanh, bền vững, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cũng thông tin, các cơ quan chức năng cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn xuất khẩu trực tuyến, tăng cường quản lý hàng xuất nhập khẩu thương mại điện tử qua chuyển phát nhanh, kết nối khai báo thuế cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bà Oanh khuyến nghị doanh nghiệp cần tham gia vào các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới uy tín, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng tại nước sở tại; đầu tư thương hiệu sản phẩm, nhận diện thương hiệu, nghiên cứu quy định về thương mại điện tử và thị trường…
Ông Jang Woo Sung, phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, cho rằng chính sách của Việt Nam cần tập trung vào phát triển và nâng cao năng lực logistics, có nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Cùng đó là cần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa thị trường và bồi đắp nhiều kinh nghiệm làm việc, ứng dụng AI trong sự phát triển, kết nối và cơ hội thương mại điện tử xuyên biên giới. AI có nhiều lợi ích và sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp, cùng hợp lực kết nối để giải quyết mọi vấn đề.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, cục đã xây dựng và phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex) - một giải pháp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua cung cấp thông tin, cơ hội và các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến, giúp nâng cao năng lực, phổ biến các quy định, thủ tục và kiến thức mới cho doanh nghiệp và đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế.
Vì sao Bộ Công Thương chưa thể cấm ngay sàn Temu? |
Sàn Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam |
Thu thuế TMĐT cả năm có thể vượt 100.000 tỷ đồng |