Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng "xé nhỏ" giá trị đơn hàng để tránh thuế Vì sao Bộ Công Thương chưa thể cấm ngay sàn Temu? Sàn Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam |
Thu thuế TMĐT cả năm có thể vượt 100.000 tỷ đồng. |
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, 10 tháng năm 2024, số thuế các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp ngân sách khoảng 94,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với số thuế bình quân 10 tháng năm 2023.
Thực hiện nhiệm vụ rà soát, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm, Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2024, tổng số các tổ chức, cá nhân đưa vào diện rà soát, đôn đốc, hỗ trợ kê khai nộp thuế là 83.927 doanh nghiệp, cá nhân với số thuế đã kê khai, nộp thuế là 14.329 tỷ đồng. Trong đó, đã xử lý vi phạm là 30.481 trường hợp với số thuế xử lý truy thu và phạt là gần 1.305 tỷ đồng.
Sau các kỳ cung cấp thông tin, Cổng thông tin thương mại điện tử đã ghi nhận 412 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin. Theo đó, có hơn 191 nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với tổng giá trị giao dịch là gần 72 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, tính toán của cơ quan thuế về việc thu thuế thương mại điện tử cả năm vượt mốc 100.000 tỷ đồng sắp được hiện thực hoá. Sự tăng trưởng này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,… mà còn từ các nền tảng quốc tế như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple.
Về công tác quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Thuế cho biết, đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Lũy kế tính đến hết 10 tháng năm 2024, số thu ngân sách nhà nước từ các nhà cung cấp nước ngoài là 19.774 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022: 3.478 tỷ đồng, năm 2023: 8.096 tỷ đồng, năm 2024: 8.200 tỷ đồng khai trực tiếp qua Cổng, tăng 18,9% so với số thu cùng kỳ năm 2023, bằng 164% so với dự toán giao năm 2024.
Được biết, hiện 6 nhà cung cấp nước ngoài, gồm: Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple đang nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). |
Về vấn đề cần làm gì để giám sát chặt chẽ hơn nữa các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã và đang triển khai một số kiến nghị và giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các thành phần tham gia thị trường thương mại điện tử trong nước, đặc biệt sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới được Quốc hội thông qua năm 2023.
Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là các quy định mới được bổ sung trong Luật năm 2023. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm ngặt. Danh sách các tổ chức vi phạm cũng sẽ được công khai để người tiêu dùng nắm bắt.
Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát nền tảng trung gian theo Điều 39 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các nền tảng trung gian có trách nhiệm công khai quy chế hoạt động, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm và cho phép người tiêu dùng đánh giá, phản hồi về sản phẩm, dịch vụ. Bộ sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định này.
Một trong những vấn đề quan trọng mà Bộ Công Thương kiến nghị là yêu cầu các tổ chức kinh doanh trên nền tảng số phải minh bạch trong cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này bao gồm cả việc cho phép người tiêu dùng phản ánh, đánh giá công khai và yêu cầu các nền tảng phản hồi nhanh chóng với các khiếu nại, yêu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử xây dựng hệ thống xác thực người bán hàng để bảo vệ người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử phải xác thực danh tính của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng của mình.
Bộ đang xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp kinh doanh trên thương mại điện tử, bao gồm thông tin về các vi phạm, khiếu nại từ người tiêu dùng, giúp các cơ quan quản lý dễ dàng truy cập và giám sát tình hình thị trường. Điều này giúp tạo ra một môi trường minh bạch và công bằng, giúp bảo vệ quyền lợi cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật.