Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. |
Temu chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam
Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo - chưa công bố chính thức vào Việt Nam. Nhưng từ cuối tháng 9, người dùng đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.
Trả lời báo chí tối 23/10, đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số cho biết tới nay, phía Temu chưa đăng ký với cơ quan quản lý Việt Nam.
Trước đó, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thừa nhận thực tế vẫn có nền tảng chưa tuân thủ quy định này.
Chiến lược giá thấp vốn là cách Pinduoduo thành công ở Trung Quốc và phiên bản quốc tế Temu kế thừa với khẩu hiệu "mua sắm như tỷ phú".
Temu ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ, theo hãng dịch vụ tư vấn và đầu tư startup Momentum Works (Singapore). Nửa đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên sàn này đạt 20 tỷ USD, vượt năm 2023 (18 tỷ USD).
Đầu tháng 10, Indonesia cấm nền tảng này để bảo vệ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Một số nước cũng nghiên cứu các biện pháp thuế quan để kiểm soát hàng hoá nhập khẩu thông qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này.
Đang theo dõi, đánh giá tác động từ sàn thương mại điện tử Temu
Hàng trên Temu có giá rất là rẻ. |
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, theo quy định của Nghị định 85/2021, tất cả các sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam đều phải thực hiện thủ tục đăng ký và phải được cấp phép.
Trước câu hỏi của phóng viên, Việt Nam có tính đến biện pháp ngăn chặn sàn thương mại điện tử này, như cách làm của Indonesia hay không? Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong những ngày vừa qua, khi tiếp nhận thông tin về sàn thương mại điện tử Temu, cá nhân ông đã trực tiếp giao Cục Thương mại điện tử và kinh tế số theo dõi, rà soát đánh giá tác động của sàn này đối với thị trường, người tiêu dùng Việt Nam.
"Về mặt giá cả họ bán, đến tôi cũng giật mình. Vì giá rất là rẻ nhưng cần có điều tra, nghiên cứu cụ thể chứ chưa dám khẳng định với mức giá rẻ như thế thì đó có phải là hàng thật hay không. Chúng tôi tôn trọng việc mua bán theo thỏa thuận trên thị trường", ông Tân nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, để kiểm soát hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, Bộ Công thương vẫn đang triển khai đề án đảm bảo quản lý chặt và chống gian lận, hàng giả, hàng nhái.
Trong đề án này, Bộ Công thương đã giao Tổng cục Quản lý thị trường trực tiếp theo dõi và đang áp dụng nhiều giải pháp để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.